Vì sao khó xảy ra chiến tranh lớn trên Bán đảo Triều Tiên?

Google News

Những vụ đụng độ nhỏ không thể dẫn đến cuộc chiến tranh lớn vì cả hai miền Nam, Bắc Triều Tiên đều biết rõ rằng chiến tranh sẽ là một thảm họa.

 Ảnh minh họa.

Trên các phương tiện truyền thông quốc tế thỉnh thoảng xuất hiện thông tin nói rằng Bán đảo Triều Tiên đang ở bên bờ vực chiến tranh. Điều này thường xảy ra khi có  căng thẳng mới trong quan hệ liên Triều, đôi khi đi kèm đụng độ vũ trang cường độ thấp.

Vấn đề không phải là sự an bình của Seoul hay Bình Nhưỡng hoặc phẩm chất đạo đức cao của các nhà lãnh đạo chính trị hai miền Triều Tiên. Thậm chí nếu lãnh đạo hai miền có điên rồ, họ cũng không bắt đầu cuộc chiến tranh lớn trên Bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên, với điều kiện họ chỉ là điên rồ chứ không phải muốn tự sát.

Triều Tiên sẽ không bắt đầu chiến tranh chỉ vì hầu như không có cơ hội giành chiến thắng. Trong lĩnh vực vũ khí thông thường, quân đội Hàn Quốc có ưu thế áp đảo. Trên thực tế, về trang bị và huấn luyện, quân đội Hàn Quốc là đội quân của năm 2013, còn quân đội Triều Tiên là đội quân của năm 1973, nếu không phải năm 1963.

Nếu Triều Tiên quyết định thực hiện một cuộc tấn công xâm lược, quân đội nước này sẽ bị thất bại sau vài tuần lễ. Về mặt lý thuyết, Bắc Kinh có thể cứu Bình Nhưỡng nếu Trung Quốc tham gia chiến tranh, nhưng kịch bản này xem ra khó có thể xảy ra. Nếu Bắc Triều Tiên trở thành nạn nhân của cuộc xâm lăng từ phía Hàn Quốc, Trung Quốc có thể giúp đỡ nước này. Thế nhưng, nếu Bình Nhưỡng chủ động gây chiến thì Bắc Kinh sẽ thờ ơ vì Trung Quốc không có ý định khuyến khích những hành động phiêu lưu. Như vậy, đối với Triều Tiên, gây chiến có nghĩa là thất bại hoàn toàn. Dù thường nói lên những khẩu hiệu tuyên truyền mạnh mẽ, nhưng ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhận thức được rõ về những ngược điểm về quân sự. Đó là lý do vì sao họ quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng, ngay cả khi Triều Tiên sở hữu một số đầu đạn hạt nhân thì đó chỉ là phương tiện răn đe. Vì vậy, Bình Nhưỡng sẽ không gây chiến.

Seoul cũng không gây chiến mặc dù có ưu thế quân sự và kỹ thuật rõ ràng. Có ít nhất hai lý do.

Lý do thứ nhất là thủ đô Seoul rất dễ bị tổn thương. Khoảng một nửa dân số Hàn Quốc (25 triệu người) tập trung tại thủ đô Seoul nằm gần biên giới với Triều Tiên. Ở phía bên kia đường biên giới tập trung các đơn vị pháo binh mạnh có thể bắn tới các mục tiêu trên toàn bộ thành phố Seoul. Ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân, pháo binh của Triều Tiên có thể gây thiệt hại rất lớn cho Seoul. Như vậy, Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt ngay cả khi chiến thắng cuối cùng. Thủ đô Seoul bị phá hủy có nghĩa là nền kinh tế bị sụp đổ và Hàn Quốc bị đẩy lùi nhiều thập kỷ.

Có một lý do nữa vì sao Hàn Quốc không gây chiến với Triều Tiên. Chiến thắng trong cuộc chiến tranh này sẽ gây ra nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Miền Bắc nghèo hơn nhiều so với miền Nam: mức chênh lệnh về thu nhập bình quân đầu người giữa hai miền Triều Tiên là lớn nhất thế giới trong số các quốc gia bị chia cắt. Kết nạp miền Bắc có nghĩa là người chiến thắng sẽ phải đầu tư số tiền khổng lồ vào các vùng lãnh thổ mới. Nói cách khác, nếu Hàn Quốc giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi, thì nước này cũng vấp phải thảm họa kinh tế.

Chính vì thế, người cần bình tĩnh trước những thông tin gieo hoang trên các phương tiện truyền về việc Bán đảo Triều Tiên lại một lần nữa đứng bên bờ vực chiến tranh lớn.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:



Theo VOR

Bình luận(0)