Triều Tiên quyết thử hạt nhân vì “hờn dỗi” TQ?

Google News

Sau khi khẳng định sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và bác bỏ nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên chính thức tuyên bố thử hạt nhân. 

Thông điệp của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên có đoạn: “Các vệ tinh và các tên lửa tầm xa mà chúng ta sẽ tiếp tục thử nghiệm, và việc thử hạt nhân mà chúng ta sẽ tiến hành, là nhằm đối phó với Mỹ, kẻ thù số một của chúng ta. Các tranh chấp với Mỹ được giải quyết bằng sức mạnh, chứ không phải bằng lời lẽ”.

Theo giới chuyên gia, lần tới Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân với uranium được làm giàu ở mức cao, khác với những lần thử trước với plutonium vào năm 2006 và 2009.

Nhiều chuyên gia về Bình Nhưỡng cho rằng, vụ thử này có thể diễn ra ngay vào tháng 2/2013 tới, đúng vào dịp tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhậm chức và sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il (ngày 16/2).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thử hạt nhân là “lá bài cuối cùng của Triều Tiên” và còn quá sớm để chế độ Bình Nhưỡng sử dụng biện pháp này.

Về phương diện kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng tên lửa Triều Tiên không đủ khả năng tấn công được Mỹ và Bình Nhưỡng còn chưa đủ công nghệ cần thiết để gắn đầu đạn hạt nhân vào một tên lửa đạn đạo.

Dù vậy, tuyên bố trên của Bình Nhưỡng khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young tuyên bố, thông báo mới nhất của Bình Nhưỡng là một việc vô cùng đáng tiếc. Triều Tiên nên chấp nhận những lời cảnh báo liên tục của cộng đồng quốc tế và không nên thực hiện thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào, kể cả những vụ thử hạt nhân. Ông Glyn Davies - Đặc sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đang có mặt tại Seoul để thảo luận với các quan chức Hàn Quốc - bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ không tiến hành vụ thử hạt nhân mới. Ông nói: “Tôi không phải là người có thể tiên đoán họ có thử hạt nhân hay không. Chúng tôi hy vọng là họ không thử nghiệm. Chúng tôi kêu gọi họ đừng làm như vậy. Đó sẽ là một hành vi khiêu khích cao độ. Việc đó sẽ gây phương hại cho những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho những vấn đề tồn tại đã lâu và đã làm cho bán đảo Triều Tiên chưa được tái thống nhất”.

Chuyên gia về Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế là Daniel Pinkston  cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ làm ngơ trước những lời kêu gọi của Mỹ và các nước khác. Ông Pinkston nói: “Nhiều người nói rằng Triều Tiên sẽ không thử hạt nhân, vì họ sẽ phải trả giá. Và chắc chắn là có những cái giá phải trả. Bình Nhưỡng hiểu được điều đó. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của họ thì một điều tối quan trọng là có sức mạnh và có khả năng quân sự mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng, điều này chiếm ưu thế áp đảo trước những suy tính về cái giá phải trả hay những biện pháp chế tài. Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy có một vụ thử hạt nhân nữa”.

Sau tuyên bố thách thức Mỹ của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh kêu gọi “các bên liên quan” kiềm chế và trở lại bàn đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bị gián đoạn từ năm 2008. Theo các nhà phân tích, phản ứng của Triều Tiên trước nghị quyết 2087 của HĐBA là một thách thức đối với Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu Lee Seoung-yeol, thuộc Học viện Ewha tại Seoul, bình luận: “Triều Tiên cảm thấy bị Trung Quốc phản bội (khi nước này ủng hộ nghị quyết trừng phạt của LHQ) và tuyên bố thử hạt nhân của Triều Tiên có thể cũng nhắm cả vào Trung Quốc”.

Về điểm này, chuyên gia về Triều Tiên Cai Jian, ĐH Phục Đán (Thượng Hải), nhấn mạnh ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng là rất hạn chế và tất cả những gì mà Trung Quốc có thể làm là “thuyết phục Bình Nhưỡng không thực thi những lời đe dọa”.




B.T (theo AFP, NHK)

Bình luận(0)