Tham vọng bá chủ biển của Trung quốc có gì khác trong năm nay?

Google News

Trên bề nổi, vẫn mục tiêu biến biển Đông cùng biển Hoa Đông làm “ao nhà”, với đầy đủ những răn đe cũ và mới, mà đỉnh cao mới là tấm bản đồ bao trùm biển đảo của thiên hạ!

Thế nhưng, cũng đã có một cách đánh giá khác về việc Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương bên cạnh cái nền phản đối kịch liệt và quy chụp cũ. Liệu đây là một đòn ly gián mới sau cú ly gián Phnom Penh năm ngoái?

Hoàn Cầu Thời Báo ngày 13/1 đăng bài mang tựa đề "Tranh chấp biển đem đến những thách thức chưa từng thấy" của Trịnh Vĩnh Niên (1) từ Singapore. Theo tác giả, các tranh chấp này không chỉ do có những thay đổi tự thân của Trung Quốc mà còn do những thay đổi địa chính trị bên ngoài, trong đó đáng kể nhất là việc Mỹ xoay trở lại châu Á: Mỹ càng giương oai càng làm cho tình hình xấu đi. Tác giả giải thích việc Trung Quốc theo dõi các hành động của Mỹ là do "biển Đông không chỉ liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc mà còn là sinh mạng của Trung Quốc".

Biển Ðông: "sân chơi" duy nhất của Trung Quốc

Tác giả nêu ra ba địa bàn mà Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc biển: biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Bài báo viết:

"Địa chính trị mà nói, không có biển Đông, Trung Quốc không tồn tại". Ấy vậy mà, theo bài báo, Mỹ cứ dấn vô dưới chiêu bài trở lại, tìm kiếm đồng minh mới! Tình hình biển Hoa Đông cũng thế khi mà Mỹ vẫn cầm đầu liên minh Mỹ - Nhật - Hàn. Cho dù Nhật, Hàn có tranh chấp lãnh thổ chăng nữa, thì điều đó cũng không nhất thiết có nghĩa là liên minh tay ba này sẽ tan. Sau vụ tàu Cheonan bị Triều Tiên đánh chìm, Hàn Quốc càng chặt chẽ với Mỹ hơn.

Từ năm 2011, quan hệ Trung - Nhật căng thẳng vì vụ tranh chấp nhóm đảo Điếu Ngư. Cho dù Mỹ khó lòng thí quan hệ Trung - Mỹ để mà bênh Nhật, thì chính liên minh Mỹ - Nhật này cũng đủ khiến cho Trung Quốc khó lòng giải quyết vấn đề biển Hoa Đông. Trên tất cả, liên minh này chính là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc, và chừng nào còn liên minh này, Trung Quốc còn khó có thể xưng hùng xưng bá ở biển Hoa Đông. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ khó lòng trở thành cường quốc biển trên Ấn Độ Dương.

"Thành ra, hi vọng Trung Quốc trở thành cường quốc biển gắn chặt với biển Đông", tác giả kết luận. Thế nhưng, theo tác giả, "các nước nhỏ châu Á này, bản năng mà nói, sợ một Trung Quốc đại cường quốc, cho dù Trung Quốc có thành tâm đến đâu. Các nước ấy cần đến Mỹ để đối trọng với Trung Quốc cũng như để đối trọng với nhau... Và đây chính là những thách thức chưa từng thấy mà Trung Quốc đang đối diện".

Bản đồ mới từ mưu đồ cũ

Liệu có phải do Mỹ quay trở lại mà tình hình tranh chấp biển Đông căng thẳng, như theo trình bày của Trịnh Vĩnh Niên, hay do Trung Quốc muốn thôn tính biển Đông mà minh thị mới nhất là tấm bản đồ "nuốt trọng" (không chỉ biển Đông) vừa công bố được Nhân Dân Nhật Báo giới thiệu (2)? (xem box)

Thật ra, tấm bản đồ "biến của người thành của mình" năm 2013 này chỉ là một thể hiện sau 20 năm của điều 2 luật biển Trung Quốc ngày 25-2-1992: "Lãnh thổ Cộng hòa nhân dân Trung Quốc bao gồm phần trên lục địa của đất nước cùng các đảo ngoài khơi, Đài Loan cùng các đảo phụ khác nhau, kể cả đảo Điếu Ngư, đảo Penghu, các đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, cùng các đảo khác thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" (4).

Năm 1992 ấy, thực lực kinh tế, quân sự Trung Quốc mới chỉ đủ cho phép Trung Quốc công bố luật biển một cách "không ồn ào" mà thôi. 20 năm sau, khi đã "đủ lông, đủ cánh", Trung Quốc mới ồn ào thể hiện mưu đồ này bằng tấm bản đồ "thôn tính" mới mẻ này, được hỗ trợ bởi chính sách "ngoại giao pháo hạm" trong khuôn khổ một chính sách phát triển quốc phòng theo hướng tăng cường sức mạnh chiến đấu "như thật", có thể thấy qua tổng kết "những thay đổi và tiến bộ trong tập trận năm 2012" của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tăng cường sức mạnh tấn công

Tập trận, cả tập trận tấn công lẫn tập trận phòng thủ, là công việc thường tình của mọi quân đội. Tùy trọng tâm mục đích mà mỗi quân đội nghiêng về tập trận tấn công hay phòng thủ. Tổng kết của Nhân Dân Nhật Báo cho biết: "Các cuộc tập trận của Trung Quốc trong năm 2012 tiếp tục quay trở lại bản chất của chúng, cụ thể là nâng cấp sức mạnh chiến đấu của các đơn vị quân đội qua việc áp dụng các phương pháp gần sát tình hình chiến đấu hiện tại nhất. Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đang thăm dò các phương thức kiến tạo năng lực chiến đấu mới qua các cuộc tập trận này".

Năng lực chiến đấu mới của quân đội Trung Quốc bao gồm các lĩnh vực: 1/ "tin học hóa hệ thống chỉ huy tích hợp", mà vệ tinh "Beidou-II" mới phóng lên quỹ đạo hôm 27-12 là một công cụ hỗ trợ mới nhất cho phép định vị mục tiêu ở độ phân giải 10m; 2/ tối ưu hóa công tác phối hợp liên quân, binh chủng, kể cả tập lập đầu cầu đổ bộ, đổ bộ chiếm đảo...; 3/ sử dụng các học viện quân sự tham gia đóng vai "quân xanh" để chuẩn bị một lớp sĩ quan tương lai sát với nhu cầu chiến đấu thực tiễn.

Tuy không một lần sử dụng từ ngữ "tấn công", song bản tin tổng kết những thay đổi và tiến bộ huấn luyện cũng đủ để cho thấy xu hướng tập trung tác chiến tấn công hơn là phòng thủ, sát với thực tế biển Đông và biển Hoa Đông mấy năm qua.

Một cách nhìn khác về Mỹ: lại "chia để trị"?

Trong "rừng" thông tin tuyên truyền giải thích mối đe dọa quay "trở lại châu Á - Thái Bình Dương" của Mỹ, một bài viết của Doãn Thừa Đức với tựa đề "Hãy xem xét sách lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương một cách duy lý", đăng trên Nhân Dân Nhật Báo 20/12/2012 khá "lạ" với lập luận sau: "Mỹ triển khai sách lược tái cân bằng này chủ yếu nhằm mục đích ngăn ngừa hơn là xem Trung Quốc như là một đối thủ. Trọng tâm định hướng của Mỹ không vượt quá lằn ranh (cho phép), tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương...

Việc tăng cường hướng đông trung tâm chiến lược của Mỹ không hoàn toàn là tiêu cực. Tỉ như việc tăng cường liên minh Mỹ - Nhật, tất nhiên là nhằm kiềm chế Trung Quốc song cũng đóng vai trò phòng ngừa việc Nhật triển khai phát triển vũ khí hạt nhân và tái quân sự hóa... Thành ra,..., quan hệ Trung - Mỹ sẽ không ibị đảo ngược. Tình hình cơ bản của bối cảnh xung quanh Trung Quốc và bối cảnh quốc tế đã chẳng hề thay đổi. Các vận hội vẫn còn nặng ký hơn các thách thức. Giai đoạn vận hội chiến lược của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục" (5).

Phải chăng đây là một tính toán mới, sau tính toán "chia để trị" đã thành công năm ngoái trước ASEAN? Lần này, "chia để trị" giữa Mỹ và Nhật chẳng hạn, vân vân, bằng cách "buông" Mỹ, nắn đồng minh của Mỹ? Xem xét chính sách quay trở lại của Mỹ một cách "duy lý" là như thế?

Muốn hay không muốn, người Trung Quốc cũng là tác giả của một trong hai môn cờ là cờ tướng, bên cạnh cờ vua!

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)