“Núi lửa” trong quan hệ Trung, Triều

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một ngọn "núi lửa" chực chờ bùng phát trên biên giới Trung-Triều.

Trung Quốc và Triều Tiên ngấm ngầm tranh chấp quyền chủ quyền xung quanh núi Baekdu (mà phía Trung Quốc gọi là Trường Bạch sơn).

Ngọn núi này vốn là một thánh địa linh thiêng đối với dân tộc Triều Tiên. Lịch sử ghi lại rằng Baekdu chính là nơi khởi nguồn Vương triều Gojoseon, vương triều đầu tiên của người Triều Tiên. Khu vực này cũng vô cùng quan trọng đối với lịch sử đương đại của Triều Tiên vì Bình Nhưỡng cũng tôn vinh núi Baekdu là nơi sinh ra “lãnh tụ kính yêu” Kim Jong-il. Ngọn núi này cũng là biểu tượng cho phong trào kháng chiến chống Nhật của người Triều Tiên trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Baekdu, một núi lửa vẫn đang hoạt động, nằm giữa biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Hai bên từng thỏa thuận  phân chia các vùng đất xung quanh Baekdu năm 1962 và đang cùng nhau điều hành ngọn núi cũng như hồ nước linh thiêng trên đó (phía Trung Quốc gọi là Hồ Thiên đàng).

Thật không may, được ký kết trong thời gian tranh chấp Trung-Xô (khi cả Moscow lẫn Bắc Kinh đều ve vãn Bình Nhưỡng), thỏa thuận Trung-Triều về núi Baekdu không giải quyết được vấn đề nhức nhối dai dẳng này.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ráo riết phát triển khu vực xung quanh núi Baekdu, bao gồm cả việc xây dựng một sân bay và khu trượt tuyết… một động thái nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền đối với khu vực. Trung Quốc kích động tranh cãi hơn nữa trong năm 2008, khi đệ đơn lên UNESCO yêu cầu công nhận khu vực đang tranh chấp là Di sản thế giới. Vấn đề còn trở nên nhạy cảm hơn nữa với việc Bắc Kinh cân nhắc đăng ký tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018 ở khu vực Trường Bạch sơn.

Bắc Kinh cân nhắc đăng ký tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018 ở khu vực Trường Bạch sơn

Thỏa thuận 1962 chỉ là thỏa thuận khung, chứ không phân định đường biên giới một cách rạch ròi. Do đó, các bên hiện vẫn tiếp tục tranh chấp biên giới ở khu vực này.

Vấn đề núi Baekdu còn trở nên phức tạp hơn bởi thực tế Trung Quốc và Triều Tiên vẫn còn bất đồng về biên giới ở khu vực Viễn Đông. Bình Nhưỡng vẫn kiểm soát 17 km đường biên giới chiến lược với Nga dọc theo sông Tumen. Mảnh đất nằm giữa biên giới Nga-Trung này, trên thực tế, ngăn cản Trung Quốc tiếp cận Biển Nhật Bản. Moscow và Bình Nhưỡng đã giải quyết vấn đề biên giới và ký kết một hiệp định quản lý toàn diện hồi tháng 7 vừa qua. Hiệp định này là đặc biệt quan trọng, khi cả hai bên tiếp tục tìm kiếm khả năng đặt một đường ống dẫn khí tự nhiên từ Siberia qua bán đảo Triều Tiên.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không muốn đàm phán với Triều Tiên về vấn đề chủ quyền của vùng Trường Bạch sơn và có khả năng sẽ còn tiếp tục dây dưa trong thế hệ lãnh đạo mới hiện nay. Bắc Kinh đang tận dụng lợi thế duy trì hiện trạng trên biên giới với Triều Tiên bởi vì hiểu rằng Bình Nhưỡng có rất ít khả năng để ngăn chặn đà tiến tới của Bắc Kinh.

Hiện thời, thế giới đang tập trung chú ý đến các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, trong bối cảnh năm qua đã xảy ra những cuộc biểu tình chống Nhật và xung đột cường độ thấp ở biển Đông, biển Hoa Đông… đều liên quan đến tuyên bố chủ quyền và cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc.

Trên mặt trận đối ngoại, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi  chính sách rất quyết đoán đối với các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông; tiếp tục tranh chấp với Ấn Độ những vùng lãnh thổ Aksai Chin và Arunachal Pradesh; đang tranh chấp lãnh thổ với Vương quốc Bhutan và với Hàn Quốc về quyền lợi biển đối với đảo đá ngầm Socotra ở Hoàng Hải.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng sẽ còn là một vấn đề gai góc đối với ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh, khi các nước láng giềng ngày càng nhận thức được rằng Trung Quốc ngày nay không phải là một nhân tố kiến tạo hòa bình trong khu vực.

TIN BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN LIÊN QUAN

Lê Chân (theo The Diplomat)

Bình luận(0)