Thương cảm cụ bà nhịn ăn, dành tiền lo hậu sự

Google News

(Kiến Thức) - Về thôn Nhuệ Thôn (xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) hỏi thăm người nghèo khổ nhất vùng ai cũng chỉ vào nhà bà Nguyễn Thị Thái 78 tuổi. Không chỉ nghèo khổ về vật chất, bà Thái có một hoàn cảnh bất hạnh.

Chú rể bỏ cưới vì chê nghèo

Từ nhỏ bà Thái vốn là cô bé xinh đẹp, hay lam hay làm nên được nhiều chàng trai trong thôn để ý. Vào độ tuổi mười tám đôi mươi độ tuổi đẹp nhất của người con gái, bà đã nhận lời yêu một chàng trai trong thôn. So với nhiều người, mọi mặt anh ta đều kém xa. Nhưng bà nói với bố mẹ rằng, bà đã nhận lời yêu anh ta và hai người đã hứa hẹn ngày tổ chức hôn lễ. Gia đình bà Thái dù không ưa gì người chồng tương lai của con gái, nhưng cũng không phản đối.

Hai bên gia đình đã qua lại và thống nhất ngày tổ chức lễ cưới. "Ngày đó hai gia đình đã mời mọi người đến ăn uống để chúc mừng cho chúng  tôi. Tuy cỗ bàn đơn sơ, nhưng vui vẻ lắm. Ngày giờ đón dâu đã đến mà không thấy chú rể sang dẫn dâu, mọi người trong gia đình tôi lo lắng lắm. Giữa buổi sáng, có vài người trong gia đình nhà trai sang nói với bố mẹ tôi xin được hủy hôn, với lý do gia đình tôi nghèo quá", bà Thái buồn bã nhớ lại.

Từ chỗ đang hân hoan, hạnh phúc với tình yêu, bà tụt sâu xuống đáy của sự khổ đau bất hạnh. Lúc đó bà chỉ biết khóc.

Bà Thái xếp thứ hai (từ bên phải sang) trong buổi lễ mừng thọ tuổi 75. 

"Dành tiền để cháu lo hậu sự"

Sau cuộc hôn nhân không thành, nhiều chàng trai đến ngỏ lời yêu thương. Nhưng bà đều cương quyết từ chối. Vì theo bà, cánh cửa tình yêu đã đóng chặt trong trái tim mình.

Giờ bà vẫn sống một mình trong căn nhà ngói lụp xụp. Bà Thái bảo, bà sống một mình nên cũng không quan trọng nhà cửa, ngôi nhà chỉ để che gió, che sương mà thôi. Những năm trước vào mùa mưa bão, gió cuốn phăng cả mái nhà, đêm đến bà phải lấy mảnh áo mưa để lợp lên mái nhà. Thế nhưng, bà chưa bao giờ đòi hỏi chính quyền địa phương hỗ trợ. Kể cả cháu chắt thấy bà sống kham khổ, muốn đến lợp cho bà mái nhà, nhưng bà cũng không cho. Mọi người họp nhau lại, dụ cho bà đi thăm nhà hàng xóm mới có thể vào lợp mái nhà. Về thấy có ngói mới trên mái nhà, bà đếm từng viên để định giá. Sau đó bán thóc gạo trả tiền cho các cháu. "Các cháu có giàu có gì đâu mà giúp tôi, tôi còn khỏe vẫn có thể tự lo cho mình được".

Thấy bà sống trong ánh đèn dầu leo lét, các cháu đã lắp điện cho bà dùng. Nhưng hằng ngày bà chỉ thắp duy nhất vào lúc đầu tối khi ăn cơm. Thế nên mỗi tháng bà chỉ phải trả 7.000đ tiền điện, số tiền đó khiến nhiều người khó tin. 

Hiện mỗi tháng bà Thái được Nhà nước hỗ trợ 180.000đ (trợ cấp dành cho đối tượng người già cô đơn), số tiền ít ỏi đó nhiều lúc bà không dám dùng hết. "Nấu nướng thì tôi đi nhặt rác để nấu, rau nấu canh tôi đi xin các cháu. Một tuần tôi đi chợ hai hôm, mua khoảng 40.000đ thức ăn cho cả tuần. Giờ tôi xác định ăn uống qua quýt cho xong bữa thôi. Tôi còn dành dụm tiền để sau này qua đời, các cháu lấy cái để lo hậu sự", bà Thái nghẹn ngào nói.

Hình ảnh bà Thái lọm khọm nhóm bếp để chuẩn bị bữa cơm chiều làm tôi ám ảnh khi ra về. Thương thay số phận một con người cả đời tần tảo...
Đại Cát

Bình luận(0)