Vợ rát cổ đòi chồng cũ tiền nuôi con

Google News

Mặc dù có thể uống bia mất cả triệu đồng một bữa, nhưng chồng cũ của Hiên lại không muốn “nhè” ra chỉ 300.000 đồng một tháng để đóng góp cho vợ cũ nuôi con.

Món nợ khó đòi

“Với thời giá bây giờ, khi biết chuyện bố cái Bim đóng góp nuôi con 300.000 đồng một tháng, ai cũng bật cười, bảo thế là đủ tiền ăn sáng cho Bim trong 10 ngày à, còn tiền ăn các bữa sáng còn lại, các bữa trưa bữa tối, quần áo, học hành… nữa chứ. Tôi còn cười to hơn, bảo vâng, 10 bát phở thôi, nhưng bố nó chịu đóng cho còn tốt, đằng này con số 300.000 đồng một tháng đó cũng chỉ là nói miệng”.

Chị Hiên năm nay 37 tuổi, sống ở Thanh Trì, Hà Nội, ly hôn chồng từ năm 2004, khi con hơn 1 tuổi. Theo thỏa thuận, chồng cũ sẽ đóng góp 300.000 đồng một tháng để nuôi con. Hiên nhớ rõ giá vàng thời điểm đó là 820.000 đồng/chỉ, vì vậy số tiền kia cũng có giá trị tương đương 1,5 triệu đồng bây giờ.

“Nghe thì không quá tệ, nhưng với một đứa trẻ ở tuổi trứng nước thì số tiền đó chỉ đủ mua một nửa số sữa hằng tháng. Mỗi tháng Bim ăn hết 4 hộp sữa bột loại 1 kg, giá mỗi hộp 140.000 đồng. Ngoài ra còn vô số thứ tiền khác phải chi, nhưng tôi không muốn so kè vì nghĩ, con mình, mình nuôi”, chị Hiên tâm sự.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietgiaitri.com)

Chồng cũ chỉ đóng tiền nghiêm túc được 2 tháng đầu, rồi mất tăm. Hồi đầu, chị cũng chẳng định đòi, nhưng sau tức khí vì thỉnh thoảng ông bà nội lại gọi điện hạch sách chị có làm cái nọ cái kia cho con không, rằng chị nuôi con kiểu gì mà để người ta kêu Bim dạo này gầy lắm…, Hiên bèn gọi điện cho chồng cũ đòi tiền sau chừng 10 tháng anh ta lờ tịt chuyện đó.

Tiền chả thấy đâu, chỉ thấy anh ta mắng ầm lên rằng chị là loại đàn bà chỉ biết đến tiền, đừng có mà coi tiền hơn tình người…Thấy chồng cũ ngang như Chí Phèo và keo kiệt như vậy, Hiên cũng đành bó tay.

Từ đó đến giờ cũng 9 năm rồi, vật giá cứ nhảy vù vù, số tiền cấp dưỡng của chồng cũ dù trở nên thảm hại đến nực cười nhưng cũng chả mấy khi anh đóng. Thường thì lâu lâu, anh gửi cho vài tháng, rồi lại “quên” mất. Chị Hiên phải đổi tất cả những mặt hàng hai mẹ con cần dùng xuống loại có mức giá thấp nhất mà vẫn phải giật gấu vá vai.

Trong khi đó, bố Bim giờ kinh tế khá lên rất nhiều. Người quen vẫn thấy anh ta ngồi quán bia, quán nhậu suốt, trông béo tốt bảnh bao, chém gió thành thần, chi tiền xông xênh, nhưng chẳng hiểu sao lại không thích đóng tiền nuôi con.

“Có người mách với tôi, anh ta bảo cái Bim là con gái, mai mốt cũng lấy chồng, có ích lợi gì cho anh ta và gia đình đâu mà nuôi. Tôi không tin, người tôi từng yêu và lấy làm chồng không đến nỗi tệ đến thế. Nhưng lý do thực là gì thì tôi chịu”, Hiên tâm sự.

Khi con trẻ tự đi đòi tiền cấp dưỡng

Khi bố mẹ ly hôn thì Thạch mới 4 tuổi. Họ giải thích rằng dù không sống cùng nhau, cả hai đều luôn yêu nó và chăm lo cho nó. Vì thế, cậu bé vẫn sống hồn nhiên, vui vẻ. Dù rất ít được gặp ông bố sống cùng thành phố, nó cũng không nghĩ nhiều vì mẹ bảo bố công việc rất bận, lại còn phải chăm sóc các em do mẹ kế sinh ra.

Thế nhưng bây giờ, khi đã 11 tuổi, dù mẹ vẫn nói tốt về bố, Thạch cũng tự cảm nhận mình hình như không được bố yêu thương như những đứa em kia.

“Sao bố không bao giờ gọi điện cho con hả mẹ? Toàn là con gọi thôi, mà nói có mấy câu bố đã kêu bận rồi. Có lần vừa nhấc máy, bố đã bảo bố bận không nói chuyện được, thôi để bố mua quà cho con nhé. Con có đòi quà bố đâu”, Thạch rơm rớm nước mắt. Tuy nhiên, sau đó cậu bé cũng chẳng nhận được món quà nào.

Thạch biết mẹ nó nghèo, mẹ nó khổ, chắt chiu được đồng nào đều dành cho nó cả, thế nên dù quần áo, đồ dùng không xịn như các bạn, cũng không hay có đồ chơi, đồ ăn vặt, không được đi du lịch ở đâu, nó cũng chẳng hề kêu ca, chỉ lo học hành chăm chỉ, giúp mẹ những việc nhỏ trong nhà.

Có lần nó nằm trong lòng bà ngoại, thủ thỉ tâm sự rằng mai này nó sẽ cố làm giàu để đưa mẹ đi khắp thế giới. Bà ngoại rơi nước mắt, lẩm bẩm: “Thằng bé ngoan ngoãn, hiểu thảo thế này. Tổ sư thằng bố nó vô trách nhiệm, chẳng bao giờ thèm gửi một đồng để nuôi con”.

Thạch hỏi lại, bà lảng đi không nói gì, nhưng thằng bé khôn sớm vẫn để trong lòng. Nó lân la đi hỏi những người lớn khác, rồi hiểu ra rằng suốt 7 năm nay, chẳng những “bận” không dành thời gian cho nó, bố nó cũng không hề góp phần nuôi con. Xót mẹ bao nhiêu, nó giận bố bấy nhiêu. Mẹ của Thạch tâm sự: “Tôi không ngờ là những lúc biết tôi đang đau đầu vì tiền, nó lại gọi cho bố để đòi, và khi thì anh ta hứa, khi thì anh ta bảo bố vẫn gửi đấy chứ, khi thì anh ta mắng nó”.

“Một chiều đến trường đón con không thấy đâu, tôi đang tá hỏa tìm kiếm thì vợ anh ta gọi điện bảo tôi đến đưa thằng bé về rồi trông con, dạy con cho tử tế, tôi mới tá hỏa. Hóa ra nó tự bắt taxi đến nhà bố, gọi cửa bảo bố trả tiền taxi và đưa tiền nuôi nó để nó mang về cho mẹ. Chắc vẻ mặt của nó cũng giận dữ, lời lẽ cũng cứng cỏi nên cả vợ chồng anh ta đều chửi nó là đồ lỏi con mất dạy”.

Sau lần đó, Thạch hận bố. Nó không bao giờ gọi điện cho anh ta nữa, dù là để đòi tiền.

Không cần nuôi thì vẫn là bố

Khi bị chồng cũ “bùng” tiền cấp dưỡng con, phần lớn các bà mẹ dù ấm ức cũng đành chấp nhận. Vì người ta đã không muốn trả mà đòi mãi cũng ngại. Nhờ đến pháp luật càng ngại hơn, vì bao nhiêu vụ án tranh chấp quan trọng hơn mà tòa tuyên xong còn mãi chả thi hành, nữa là chuyện nhỏ nhặt như tiền nuôi con mấy trăm nghìn, một triệu đồng mỗi tháng, thậm chí là chỉ trên dưới… 100.000 đồng, do mức đóng góp nuôi con được thỏa thuận từ hồi xưa, và giữ nguyên cho đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi.

Chị Nguyệt cũng đã định coi như không có bố của con trai trên đời, tự nhủ tuy khó khăn, mình vẫn đủ khả năng một mình nuôi con nên người. Thế nhưng có lần, Nguyệt nghe một đồng nghiệp, vốn có họ hàng với nhà chồng cũ, kể, cô ta đến chơi, khi nhắc đến mẹ con Nguyệt, cựu bố chồng phàn nàn rằng thằng Tân (chồng cũ của Nguyệt) cũng tệ, được đồng nào nướng hết vào nhậu nhẹt, chẳng góp tiền nuôi con.

Bà mẹ gạt đi bảo ông dở hơi, cái Nguyệt nuôi được cứ để nó nuôi, thà nó không nuôi nổi thì thằng Tân mới giúp; con mình cũng cần tiền để cưới vợ khác chứ, vả lại dù không nuôi thì thằng bé vẫn là con thằng Tân, là cháu mình, sau này lá rụng về cội, có mất được đâu mà sợ.

Nghe xong, giận sôi máu, Nguyệt quyết định nhờ pháp luật đòi tiền cấp dưỡng bằng được, dù chỉ là con số tượng trưng. Nguyệt có bạn gái thân làm luật sư nên nhờ tư vấn. Không ngờ cô bạn bảo: “Thôi mày gạt thằng cha đó sang một bên đi cho nhẹ đầu mà nuôi con và hưởng thụ cuộc sống. Mày thừa sức nuôi nó mà. Còn chuyện đòi tiền thì lằng nhằng, mệt mỏi, tức điên lên mà khó được lắm”.

Cô bạn luật sư cho biết, Luật Hôn nhân & Gia Đình quy định, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ góp phần cấp dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi (hoặc vô thời hạn nếu con tàn tật, không có khả năng tự kiếm sống), cho dù người trực tiếp nuôi giàu hay nghèo. Mức chu cấp phải bảo đảm cho những nhu cầu tối thiểu của con, nhưng lại được căn cứ vào mức thu nhập của người chu cấp và giá cả tại thời điểm xử án, và giữ nguyên cho đến khi trẻ trưởng thành. Vì thế nếu bố mẹ ly hôn lúc trẻ còn nhỏ thì lúc trẻ đến tuổi thiếu niên, số tiền đóng góp kia có cũng như không.

Luật cũng quy định, nếu trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng con, cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu nơi người đó làm việc khấu trừ luôn vào tiền lương, tiền công để trả cho người trực tiếp nuôi con. Thế nhưng trên thực tế, cho dù bên thi hành án có nhiệt tình đòi hộ chăng nữa, nếu cơ quan của kẻ chây ỳ kia không hợp tác thì cũng rất khó, nhất là nếu người trốn tránh nghĩa vụ nuôi con ấy lại có vai có vế trong cơ quan. Còn nếu như người đó làm ăn không thuộc một cơ quan nào thì càng không biết “túm” vào đâu. Hiện nay vẫn chưa có chế tài nào phạt những người cha người mẹ trốn tránh nghĩa vụ nuôi con cả.

Nguyệt ngán ngẩm chia sẻ: “Cô bạn tôi bảo, bây giờ người ta đang góp ý sửa đổi Luật Hôn nhân & Gia đình, để xây sựng những quy định cụ thể về thủ tục cưỡng bức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn nếu không chịu tự nguyện, và định ra chế tài xử phạt, quy định mức cấp dưỡng tính theo thu nhập thực tế hoặc theo lương tối thiểu để tránh chuyện thời giá thay đổi, số tiền cấp dưỡng trở thành hữu danh vô thực. Thế nhưng đó là chuyện tương lai, còn bây giờ thì tốt nhất là tôi cứ tự nuôi con cho nhẹ người”.

Rốt cục, chị Nguyệt quyết định xếp món tiền cấp dưỡng vào danh sách nợ khó đòi và từ đó, mọi thứ liên quan đến chồng cũ đều thực sự trở thành quá khứ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Xzone

Bình luận(0)