Con thấy nhục vì mẹ nhếch nhác như osin

Google News

Nhiều người mẹ hy sinh bản thân để dành cho con những gì tốt nhất, để con mình luôn là số một ở bất cứ đâu, không biết rằng đó là một sai lầm.

“Mẹ đừng đưa đón con nữa, con xấu hổ lắm” 

Bé Khánh Linh là niềm tự hào lớn nhất của chị Quy, một bà nội trợ sống ở quận  Hoàng Mai, Hà Nội. Cô bé chẳng những học giỏi mà còn cao ráo, rất xinh, từ ăn mặc đến cử chỉ đều đài các. “Trông chẳng khác gì một nàng công chúa”, ai cũng nói vậy khi nhìn cô bé, và mỗi lần như vậy, chị Quy lại nở mày nở mặt, cho dù sau câu nói kia, người ta thường nhìn chị như ý bảo: sao con thì đẹp đẽ, sang trọng mà mẹ lại lôi thôi xấu xí thế này.

Thực ra, rất nhiều người đã nói thẳng ý đó với chị Quy, khuyên chị nên chăm sóc bản thân mình một chút, chứ ai lại đi bên con gái mà người ta cứ tưởng osin với cô chủ nhỏ. Nhưng chị chẳng tự ái, cười bảo: “Đấy, nhiều mẹ xinh đẹp, tươm tất lắm nhưng con họ chẳng bằng một góc Khánh Linh nhà tôi. Tôi quê mùa thì có sao, miễn con mình đẹp nhất, giỏi nhất, được ngưỡng mộ nhất thì đó là phần thưởng lớn nhất dành cho tôi rồi”.

Quy ở nhà chăm sóc con suốt 5 năm nay, kể từ ngày mất việc. Chồng chị kiếm cũng khá nên ủng hộ vợ ở nhà làm nội trợ. Bao nhiêu tâm sức, chị dồn hết cho hai đứa con: cậu con trai năm nay học lớp 9, và đặc biệt là cô con gái lớp 5. 

 Ảnh minh họa.

Nghĩ đến mình thời bé phải chịu nhiều thiếu thốn, luôn thèm khát được ăn ngon, mặc đẹp, có đồ chơi mới, nay chị quyết tâm không để con phải thua thiệt bất cứ thứ gì so với con nhà người, nhất là Khánh Linh. Ngay từ hồi mẫu giáo, Khánh Linh đã là cô bé có nhiều quần áo đẹp, giày dép đẹp nhất lớp. Và từ năm học lớp 2, bé đã tự chọn đồ cho mình, vì “mẹ chẳng biết gì về thời trang cả”. 

Hai năm trở lại đây, lấy cớ mẹ không hiểu về thời trang, Khánh Linh dứt khoát không cho mẹ chở đi mua sắm nữa, mà chỉ đi với bố. “Hóa ra nó ngại đi cùng tôi, vì tôi xấu xí, quê mùa, làm nó xấu hổ”, Quy gạt nước mắt, nói. Mãi gần đây chị mới nhận ra điều đó, khi cô con gái kiên quyết đòi tự đi xe buýt đến trường, với lý do “con lớn rồi”. Và trước sự kiên quyết đòi đưa đón của mẹ, cô bé vừa khóc vừa quát lên: “Mẹ đừng đón con nữa, con xấu hổ lắm. Mẹ mà cứ đón, con sẽ không đi học nữa”. 

Thì ra đó là lý do khiến con gái chị không bao giờ cho phép mẹ đưa vào tận nơi. Nó toàn đòi dừng cách cổng trường một quãng, chạy tuột vào cổng rồi mới mở khẩu trang, không bao giờ nhìn lại mẹ. Vậy mà cũng nhiều lần, các bạn nhìn thấy nó, và hỏi cái bà nhà quê đưa cậu đi học là ai, là ôsin nhà cậu à. Có bạn “tố cáo” đó là mẹ Khánh Linh, thế là cả bọn có những lời bình phẩm khiến cô bé cảm thấy vô cùng nhục nhã. 

Thái độ vô ơn và tàn nhẫn của con gái khiến chị Quy sốc nặng. Chị khóc với chồng: “Em xấu xí, lôi thôi là vì dành hết thời gian, tiền bạc cho nó, cái gì tốt đẹp nhất cũng nhường cho nó, vậy mà nó xấu hổ vì em. Bao nhiêu hy sinh của em cũng thành vô nghĩa”. Tiếng thở dài cùng câu trả lời của chồng lại càng làm Quy thực sự suy sụp: “Nói thật, đi bên cạnh em đến anh còn xấu hổ nữa là con. Nhưng anh là người lớn nên còn giấu được, chứ con thì…”

Chồng Quy đã rất nhiều lần góp ý với vợ là mấy bố con không cần mẹ phải hy sinh kiểu như thế, rằng chị nên chăm sóc bản thân, ngắm vuốt vẻ ngoài một chút để bố con không cảm thấy mình đang bóc lột mẹ. Nhưng chị đều cười xòa, bảo chỉ cần bố con ghi nhận những đóng góp của mẹ là được.

Đừng tự hạ mình trước con cái 

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Phó trưởng phòng khám TuNa, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (Hà Nội), cho biết, dồn hết mọi điều kiện tốt đẹp cho con và bỏ quên bản thân, biến con thành hoàng tử, công chúa trong khi mẹ nhếch nhác, luộm thuộm… là một sai lầm rất phố biến ở các bà mẹ yêu con. Đã có không ít phụ huynh tìm đến nhà tư vấn bộc lộ nỗi thất vọng và đau đớn khi đứa con được mẹ yêu thương hết mực đó tỏ thái độ xa lánh người sinh ra mình, chỉ bởi trẻ thấy xấu hổ với người mẹ không tương xứng. 

Những đứa trẻ ấy đã quen nhận lời khen tặng, được trầm trồ ngưỡng mộ, kiêu hãnh thấy mình đứng ở vị trí cao so với bạn bè, vì vậy rất khó chấp nhận việc mẹ chúng lại thua kém cả mẹ những đứa bạn bình thường, không bén gót mình. Bất cứ đứa trẻ nào, dù lớn hay bé, cũng đều có nhu cầu được tự hào về bố mẹ. 

Các bà mẹ “hy sinh quên mình” như chị Quy cảm thấy tổn thương, cảm thấy bị phản bội khi con xấu hổ về người mẹ hết lòng vì nó, mà không chịu hiểu rằng, chính đứa trẻ cũng cảm thấy tổn thương ghê gớm khi bị người khác bình phẩm, cười cợt về mẹ mình. Ngay cả học trò lớn cũng chưa đủ trưởng thành, chín chắn để chiến thắng được cảm giác “ê mặt” kia, nên né tránh đi bên cạnh mẹ là phản ứng đương nhiên. Và khi không né được, vì bất lực, trẻ trút nỗi oán trách lên người sinh ra chúng. 

Dù sao, nỗi bất hạnh của chị Quy vẫn chỉ dừng ở chỗ đứa con không muốn xuất hiện bên mẹ. Cũng mắc phải sai lầm giống Quy nhưng chị Hạnh phải nhận hậu quả nặng nề hơn. Con chị chẳng những xấu hổ về mẹ mà còn coi khinh mẹ. Đối với chúng, mẹ là đẳng cấp thấp, sinh ra chỉ để hầu hạ bố con chúng.

Chị Hạnh 42 tuổi, nhân viên một cơ quan nhà nước, có hai con, một trai một gái, nay đều đang học cấp ba. Cả hai đều là hotboy, hotgirl của lớp vì nổi bật cả về hình thức lẫn học hành. Còn mẹ chúng chưa bao giờ biết đến vui chơi giải trí, chưa bao giờ biết đến chuyện mua một cái gì xa xỉ cho bản thân. Chị lúc nào cũng chỉ lo chăm chút cho chồng và các con, dù hai đứa trẻ đã lớn và không cần đến bàn tay mẹ nhiều như trước nữa. 

Trong khi chồng phong độ, đĩnh đạc, các con trông rất thời thượng, thì chị Hạnh quần áo lôi thôi, đầu tóc quá ư “mộc mạc”, suốt ngày hì hục chợ búa, nấu nướng, lau dọn, và làm phiền chồng con bởi những chuyện “ăn cái này đi”, “uống cái kia đi”… 

Mấy bố con, anh em thường rôm rả thảo luận với nhau những vấn đề gì đó mà chị, vốn đã dồn hết mọi quan tâm cho việc phục vụ, chẳng biết gì để mà tham gia. Đôi khi chị xen vào một câu thì hai đứa lại liếc nhau một cái, thở dài ngán ngẩm, ra vẻ mất hứng, đôi khi còn nói thẳng: “Thôi, cái này mẹ không biết gì đâu mà nói”, “mẹ nói ngớ ngẩn người ta cười cho đấy”.

Những câu nói hỗn hào, đầy vẻ coi thường mẹ của bọn trẻ ngày càng xuất hiện dày, đến mức rồi chị Hạnh cũng nhận ra một sự thật: trong mắt các con, chị vừa thấp kém vừa ngu dốt, chúng cho rằng mình thông minh sáng láng như thế này chẳng qua vì được hưởng gene của bố, chứ nếu giống mẹ thì nguy to.  

Bọn trẻ hưởng sự chăm sóc của mẹ như một sự đương nhiên, bởi chúng nghĩ, người như mẹ chúng sinh ra để hầu hạ người khác, những người thông minh hơn, xuất sắc hơn. Bởi thế, khi cần mẹ làm gì cho mình, các con chị Hạnh nói bằng giọng như thể ra lệnh. Chúng chỉ biết đòi hỏi, và không xúc động hay biết ơn về những gì nhận được. Dù vẫn yêu mẹ, thương mẹ, nhưng tình yêu của chúng không bao hàm sự kính trọng.

“Các con tôi không hề nghĩ rằng, tôi hết lòng hết sức chăm sóc chúng là vì tình yêu, mà vì tôi chẳng biết làm cái gì khác”, chị Hạnh nói trong tuyệt vọng. Chị nhận ra, lòng hy sinh mà chị luôn cho là phẩm chất cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam ấy không phải bao giờ cũng đem lại điều tốt đẹp, không phải bao giờ cũng đem lại hạnh phúc cho người nhận nó, và cả người trao nó. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Xzone

Bình luận(0)