Phút huy hoàng trước khi phá sản của “bông hồng vàng” Phú Yên

Google News

(Kiến Thức) - Từ doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải khu vực miền Trung, Công ty cổ phần Thuận Thảo (GTT) rơi vào thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu, nợ đọng nhiều năm… khiến nữ đại gia Phú Yên thành con nợ nghìn tỷ.

Mới đây, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá các khoản nợ của công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn của nữ đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh và 95 khách hàng cá nhân có liên quan.
Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuận Thảo, là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng. Bà từng được tôn vinh vì nỗ lực vượt qua phận nghèo, xây dựng Thuận Thảo thành công ty nghìn tỷ. Với những thành tích đạt được, bà Thanh được vinh danh là “Bông hồng vàng”.
 Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Ảnh: Internet.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau “đại thắng” trong vận tải hành khách. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình dân dụng. Sau gần 10 năm hoạt động, công ty được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.
Quá khứ huy hoàng…
Thời hoàng kim của công ty nữ đại gia Phú Yên nằm trong giai đoạn từ năm 2009 trở về trước, sau khi chuyển từ mô hình doanh nghiệp vận tải lên thành công ty TNHH (tháng 10/2007) và tiếp đến là CTCP (tháng 12/2009).
Đây cũng là giai đoạn GTT liên tục tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như: dịch vụ lữ hành, chăm sóc sắc đẹp, sản xuất nước uống đóng chai và đặc biệt là bất động sản với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trong đó, năm 2004, GTT đưa vào hoạt động nhà máy nước đóng chai Suga và Trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo (21.865m2).
Năm 2007, GTT khánh thành Trung tâm hội nghị - triển lãm - dịch vụ du lịch Thuận Thảo và siêu thị Thuận Thảo (2.000m2).
Năm 2008, GTT đưa vào hoạt động Resort & Spa Golden Beach và Khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land.
Năm 2009, GTT khánh thành Khách sạn 5 sao Cendeluxe và Nhà hát Sao Mai (3.500 chỗ ngồi).
Năm 2010, GTT ký bản ghi nhớ với Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên về việc đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (quy mô 100 ha) với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Thời điểm này, vốn điều lệ của GTT đã lên tới 435 tỷ đồng.
Năm 2011, GTT triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Đà Bàn (20ha) với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hàng loạt những dự án đầu tư khủng trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của GTT bắt đầu sa sút.
… Đến thua lỗ nghìn tỷ do đầu tư đa ngành
Theo SGĐT, liên tiếp trong 3 năm 2011-2013, lợi nhuận của GTT chỉ đạt trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm và bắt đầu nếm "mùi" thua lỗ kể từ năm 2014 trở đi. Tháng 3/2016, HOSE quyết định đưa GTT vào diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế 2 năm liên tiếp 2014 và 2015 là con số âm.
Đến tháng 4/2016, HOSE tiếp tục có thêm quyết định đưa GTT vào diện hủy niêm yết bắt buộc kể từ ngày 30/5/2016, do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Cụ thể, trong năm 2015, GTT thua lỗ hơn 121 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 161,11 tỷ đồng và khoản 317,54 tỷ đồng chưa trích lập dự phòng cho khoản nợ gốc cho vay và lãi vay phải thu của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn (NSG).
Do đó, sau khi phải trích lập khoản nợ này, tại ngày 31/12/2015, GTT ghi nhận tổng số lỗ hơn 621,5 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 435,03 tỷ đồng (thuộc trường hợp CK bị hủy niêm yết bắt buộc). Từ mức giá 20.000 đồng/CP ngày chào sàn, GTT chia tay HOSE với mức giá trong phiên giao dịch cuối cùng 400 đồng/CP.
Đỉnh điểm, đến tháng 2/2017, cục Thuế Phú Yên – Cơ quan quản lý thuế của CTCP Thuận Thảo - đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp này. Quyết định này có hiệu lực đến hết tháng 2/2018.
Khi đó, Phó Cục trưởng cục Thuế – ông Công Văn Lãnh cho biết, tính đến cuối năm 2016, công ty Cổ phần Thuận Thảo nợ thuế 119 tỷ đồng, trong đó hơn 116 tỷ nợ trên 90 ngày, nhưng doanh nghiệp không trả.
Cho đến cuối năm 2017, số dư nợ thuế của Thuận Thảo không hề giảm mà còn tiếp tục tăng lên. Báo cáo tài chính quý IV/2017 do doanh nghiệp công bố cho thấy, tổng số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước của Thuận Thảo là 124,5 tỷ đồng, riêng thuế GTGT gần 60 tỷ đồng và các khoản phí phải nộp khác là 57,4 tỷ đồng.
Dù không còn được phát hành hóa đơn nữa, nhưng từ khi quyết định cưỡng chế của cục Thuế Phú Yên có hiệu lực, CTCP Thuận Thảo vẫn tiếp tục kinh doanh. Mỗi hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ từ đầu tháng 3/2017 tới nay đều phải có đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ, thông báo cho phép của cục Thuế Phú Yên đồng thời Thuận Thảo phải cam kết nộp ngay tiền thuế bằng 18% tổng doanh thu trên hóa đơn.
Tính đến hết tháng 12/2017, Thuận Thảo báo lỗ thêm gần 160 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.079 tỷ đồng - vượt xa mức vốn điều lệ là 435 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm mạnh trong năm do doanh nghiệp của bà Võ Thị Thanh chấp nhận đóng cửa một số mảng kinh doanh so với trước đây.
Trong bản giải trình nguyên nhân thua lỗ, những lý do cố hữu tồn tại thời gian dài vừa qua vẫn được nêu lên: "Các tài sản của công ty đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi đó công ty không tiếp cận được vốn vay để có nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, đầu tư bổ sung để phát huy hiệu quả kinh doanh".
Lãnh đạo Thuận Thảo cũng nhiều lần lên tiếng thừa nhận sai lầm trong việc đầu tư bất động sản như dự án Khu sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Chưa hết, dự án khách sạn từng được coi là biểu tượng của Phú Yên nhưng quá tầm so với thị trường địa phương. Tài sản của GTT, bao gồm các dự án đang triển khai như Công viên văn hóa du lịch Thuận Thảo và resort tại Phú Yên... đều đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Hiện tại, ngoài khoản nợ xấu 2.200 tỷ đồng tại Thuận Thảo Nam Sài Gòn đang bị rao bán, BIDV Phú Tài cũng là chủ nợ lớn nhất của Thuận Thảo với khoản vay 234 tỷ đồng (81,2 tỷ vay ngắn hạn và 152,7 tỷ vay dài hạn).
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán: BID) mới đây lại tiếp tục thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá các khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân có liên quan. Tổng dư nợ gốc hơn 1.208 tỷ đồng và tổng dư nợ lãi (tạm tính đến 31/12/2017) là hơn 1.070 tỷ đồng tại BIDV.
4 tài sản đảm bảo cho các khoản nợ được rao bán với giá khởi điểm dự kiến là 845 tỷ đồng, bao gồm 5,2 triệu cổ phiếu CTCP Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh và 3 bất động sản tại TPHCM.
Ba bất động sản này nằm tại các địa chỉ: 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1 (diện tích đất trên 275 m2 và diện tích sàn trên 212 m2); tại Khu phố 2, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, (16,6 ha đất); tại Khu phố 4, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, (5,4 ha đất).
Hồng Liên (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)