Nguy hại gây chết người từ đồ gia dụng bằng nano bạc

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia cho rằng, khi dùng đồ gia dụng sử dụng nano bạc dễ ảnh hưởng sức khỏe vì có thể ngấm vào cơ thể...

Nano bạc đang được ứng dụng rộng rãi với tác dụng chính là tiêu diệt vi khuẩn nhằm bảo vệ sức khoẻ của con người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi dùng đồ gia dụng sử dụng nano bạc dễ ảnh hưởng sức khoẻ vì có thể ngấm vào cơ thể, phá hủy tế bào, gây ra các bệnh nguy hiểm… 
Nano bạc xâm nhập phá hủy tế bào
Chỉ cần lướt qua thị trường nano bạc, chúng ta có thể bắt gặp hàng chục đến hàng trăm sản phẩm đang được ứng dụng công nghệ này như từ chiếc khẩu trang, bình sữa, chiếc thìa, đến dung dịch khử khuẩn, nước lau sàn nhà, chất dành cho thủy hải sản... Tất cả đều đề cao tính năng diệt khuẩn giúp bảo vệ sức khoẻ, mang đến cuộc sống an toàn cho con người.
Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học thuộc Cục Sinh hóa và Sinh học phân tử tại Đại học miền Nam Đan Mạch cho hay, nano bạc ra đời là một bước tiến của khoa học, nhưng khi ứng dụng vào đồ gia dụng và sử dụng lâu dài, các phân tử có kích cỡ nano dễ bị phá vỡ cấu trúc, từ đó có thể xâm nhập vào màng tế bào, gây ra những biến đổi sinh lý khó lường. Ví như các phân tử nano bạc sẽ thẩm thấu vào cơ thể và phá hủy mảng tế bào, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Trong đó có thể làm gia tăng sự phát triển của các gốc tự do vốn là nguồn gốc của nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư hay Alzheimer, Parkinson.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu về nano bạc của Việt Nam, hiện vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi trên thế giới và chưa có bằng chứng chứng minh thuyết phục. Nhưng đây là điều cần thiết trong khoa học ứng dụng, cũng là cảnh báo đáng lưu ý nhằm giúp người dân sử dụng các sản phẩm an toàn hơn. Mặc dù, nano bạc về nguyên lý là tiêu diệt vi khuẩn không ảnh hưởng đến tế bào con người.
TS Nguyễn Hoàng Nam, Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cơ chế diệt khuẩn của nano bạc thông qua khả năng liên kết mạnh với lớp peptidoglycan của thành tế bào vi khuẩn, từ đó ức chế khả năng vận chuyển oxy và trao đổi chất vào bên trong tế bào dẫn đến tê liệt vi khuẩn. Nano bạc tác động lên tế bào bậc thấp với một lớp màng, trong khi tế bào con người có nhiều màng tế bào và cơ chế hô hấp, trao đổi chất khác hoàn toàn với vi khuẩn, virus nên khó bị tác động. 
Nguy hai gay chet nguoi tu do gia dung bang nano bac
 Ảnh minh họa.
Cẩn trọng nano bạc không tinh khiết
Ở góc độ khác, các chuyên gia nghiên cứu về nano bạc cho hay, từ xưa chúng ta đã sử dụng các thiết bị bạc trong cuộc sống như làm bình đựng nước, làm răng... mà không ảnh hưởng về sức khoẻ, tất nhiên đây là bạc nguyên khối. Tuy nhiên, nano bạc dù đã được chế tạo ra dạng nanomet nhưng kích thước này không làm đổi bản chất hóa học của bạc là diệt khuẩn, không ảnh hưởng sức khoẻ. 
Thế nhưng, do quá trình chế tạo nano bạc không an toàn, đảm bảo nên nano bạc có thể là nguyên nhân dẫn đến nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Cụ thể, sản phẩm nano bạc không tinh khiết có thể chứa các tạp chất cũng như nhiều hóa chất độc hại tồn dư trong quá trình sản xuất. Hay nhà sản xuất không có nghiên cứu sâu nên sử dụng nồng độ nano quá liều và không đúng mục đích. Ví dụ, nồng độ nano bạc có trong nước uống cho phép là 5ppm nhưng có nơi cho nồng độ cao hơn nên ảnh hưởng sức khoẻ, trong khi thực tế chỉ cần 1,5 - 1,6ppm đã có tác dụng. Ngoài ra, khi sử dụng nano phủ lên đồ gia dụng nhưng không tốt dẫn đến tình trạng nano thôi ra kèm theo các chất không tốt trong đồ dùng như chất nhựa, kim loại nặng... Các chuyên gia nhấn mạnh, có các nguy cơ này là do sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng dẫn đến thị trường ứng dụng nano bạc trở nên lộn xộn. 
Công nghệ nano là công nghệ tạo ra các đối tượng có kích thước nano (1nm = 1 phần tỷ mét). Công nghệ nano bạc là công nghệ chế tạo ra các hạt bạc có kích thước dưới 100nm và ứng dụng chúng trong y học, công nghiệp và nông nghiệp. Khi nano bạc vào cơ thể sẽ đào thải ra ngoài. Hay nói cách khác, sau khi diệt khuẩn xong, nano bạc sẽ tan ra. Tồn dư một lượng nhỏ nano bạc sẽ không đáng lo ngại bằng các chất độc hại trong môi trường hiện nay.   
TS Nguyễn Hoàng Nam
Vân Đài

Bình luận(0)