Chấp nhận mất phí cao đổi tiền mới dịp Tết

Google News

Dịch vụ đổi tiền mới luôn "nóng" vào dịp cận Tết, theo khảo sát, người dân chấp nhận đổi tiền mất phí từ 5% đến 10%, tương đương đổi 1 triệu đồng chỉ nhận được 900 nghìn đồng.

Trên nhóm cư dân của một khu chung cư ở Hà Nội, bài đăng nhận đổi tiền lẻ, tiền mới cho dịp Tết nhận được gần 1.000 bình luận. Theo chủ nhân bài đăng, họ sẽ đổi tiền miễn phí cho 100 người đặt đầu tiên, từ người thứ 101, phí đổi là 5%, áp dụng đối với tiền của tất cả mệnh giá.
Đa phần người bình luận đều sẵn sàng trả khoản phí 5% để được đổi tiền mới. Những người này cho biết khoảng mấy năm trở lại đây, đổi tiền khá khó và mức phí 5% là có thể chấp nhận được.
Trà My - nhân viên ngân hàng - cho biết năm nào cũng vậy, đến tháng cuối năm, cô nhận được hàng trăm tin nhắn từ bạn bè nhờ đổi tiền mới.
Vì phong tục lì xì tiền mới dịp Tết Nguyên đán lấy may mắn, nhu cầu đổi tiền mới vào dịp Tết rất cao. Đa phần mọi người muốn đổi tiền lì xì mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên. Ngoài ra, một nhóm ít người hơn muốn đổi tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng với mục đích sử dụng khi đi lễ chùa.
Chap nhan mat phi cao doi tien moi dip Tet
Dịch vụ đổi tiền mới luôn "nóng" vào dịp cận Tết (Ảnh: Công an Tuyên Quang).
Trà My không có ý định làm dịch vụ đổi tiền vì chủ yếu người tìm đến đều là người thân, bạn bè. Do vậy, My thường đổi giúp và không lấy phí.
Cô nói thêm hiện nay, mỗi nhân viên ngân hàng thường chỉ được đổi miễn phí khoảng từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng (áp dụng cho tất cả mệnh giá). Nếu nhân viên ngân hàng đó có nhu cầu đổi nhiều hơn, cần mua lại suất này của đồng nghiệp với một khoản tiền do cả hai thỏa thuận.
Tuấn Minh - nhân viên ngân hàng lớn ở Hà Nội - cho biết thông thường, các nhân viên ngân hàng thường dùng việc đổi tiền mới là cách để cảm ơn khách hàng thân thiết trong năm qua. Do vậy, hầu hết nhân viên ngân hàng đều sử dụng tối đa suất đổi của mình. Một số ít người làm dịch vụ đổi tiền, số còn lại thường đổi miễn phí cho khách hàng, người thân, bạn bè.
"Nếu có làm dịch vụ đổi tiền, nhân viên ngân hàng cũng khá kín kẽ, không muốn đồng nghiệp biết vì mang tiếng. Việc này không thực sự được ủng hộ", Minh chia sẻ.
Tuấn Minh cho rằng hiện tại, mọi người chỉ nên nhờ bạn bè, người thân là nhân viên ngân hàng để đổi tiền mới với một số tiền vừa đủ dùng. Ngoài ra, mọi người không nên đổi tiền với người lạ để tránh việc phải trả phí quá cao, thậm chí nhiều trường hợp bị lừa đảo.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cử nhân luật, nhân viên tư vấn pháp luật Ngọc Thảo, cho biết theo điều 12 và 13 của Thông tư số 25/2013 ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh, sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có chức năng thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Như vậy, theo quy định pháp luật, hiện chỉ có quy định về việc thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chưa có các quy định về việc đổi tiền cũ sang tiền mới vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Với những đơn vị kinh doanh, tiến hành kinh doanh việc đổi tiền để lấy lãi chênh lệch, có thể bị xử phạt về hành vi kinh doanh sản phẩm trái phép.
Theo Nghị định 88/2019 ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Theo Trúc Ly/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)