Lính Mỹ: “Vì sao phải đánh nhau ở chiến trường VN?“

Google News

(Kiến Thức) - Chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại của quân giải phóng, còn lính Mỹ lại tự hỏi: "Vì sao phải cầm súng chiến đấu ở chiến trường Việt Nam?". 

Tội ác lính Mỹ trên đất Việt

Năm 1965, 1966, Mỹ leo thang chiến tranh ồ ạt đưa đại quân vào miền Nam Việt Nam. Lúc đó, lính Mỹ đổ bộ lên Sài Gòn được phát một cuốn sách khoảng 30 trang. Cuốn sách nhỏ tiêu đề Một kiểu chiến tranh mới có viết: “Chúng ta đến đây để giúp đỡ dân chúng và chính phủ miền Nam Việt Nam. Chúng ta đến đây là để cứu giúp toàn thể Đông Nam Á thoát khỏi ách xâm lược và đàn áp của cộng sản. Bằng việc làm đó, chúng ta sẽ tăng cường bảo đảm an ninh cho chính Mỹ. Sứ mệnh này nếu không có sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam thì không hoàn thành được. Hành động để dành được sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam có tác dụng đưa chiến tranh đến thắng lợi. Xa rời dân chúng chỉ làm suy yếu những nỗ lực chiến tranh của chúng ta. Chúng ta đang chiến đấu trong cuộc chiến đấu mới”. 

Từng người, từng người lính Mỹ mang theo cuốn sách nhỏ này ra trận. Nhưng họ đã hoàn toàn làm điều ngược lại với những gì đã ghi trong cuốn sách đó. Họ đã phá hủy mọi công trình dân sự như nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà máy, công trình thủy lợi... đã bắn giết bừa bãi những người dân thường như người già, người bệnh, phụ nữ, trẻ em... đã ném bom ráo riết các tuyến giao thông, mạng lưới thông tin nối liền làng xóm với thành thị. 

 Lính Mỹ đã bắn giết bừa bãi những người dân Việt Nam.

Mỹ còn dùng thuốc khai quang, hủy diệt mùa màng, cây cối, rừng rú, thả mìn phong tỏa sông ngòi, mương máng, bờ biển hòng ngăn chặn mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt bình thường. Để yểm hộ cho những cuộc càn quét “tìm diệt”, pháo binh Mỹ nã đạn bừa bãi vào các vùng nông thôn, phá hoại tài sản của nhân dân, làm chết và bị thương nhiều dân thường.
Khi đánh vào một xóm làng nào, trước hết Mỹ cho bộ binh vây chặt, rồi dùng máy bay phản lực ném bom dữ dội, nã súng bừa bãi, sau đó cho máy bay lên thẳng vũ trang bắn rốc két, súng liên thanh vào mọi chỗ. Ở vùng chiến sự ác liệt như Bình Định, Quảng Ngãi... nhiều khi cho quân Mỹ mở đến 2 – 3 trận càn quét lớn vào một làng làm cho thôn xóm bị tan hoang nông dân bị giết hại. 

Lãnh thổ Việt Nam kể cả hai miền Bắc Nam chỉ bằng 1/28 của Mỹ, dân số không quá 1/5. Thế mà Mỹ đã ném vào chiến trường này lúc cao nhất tới nửa triệu bộ binh (68% lực lượng bộ binh, với 6 triệu lượt binh sĩ được phái đến). Hơn nữa, Mỹ còn nghiên cứu phát triển và tận dụng mọi vũ khí, bom đạn tối tân. Rõ ràng, đế quốc Mỹ đã triển khai một cuộc chiến tranh phá hoại lớn nhất trong lịch sử bằng việc tăng cường sức công phá và độ chính xác của bom đạn. 

Sợ hãi mong ngày được hồi hương

Chiến tranh là cơ hội để các tướng tá Mỹ được thưởng huân chương, thăng cấp bậc, nhưng, đối với lính đánh nhau ở chiến trường, một năm phục vụ ở miền Nam là quá dài. Nhiều thanh niên Mỹ cảm thấy không đủ sức kham nổi thời gian một năm chiến trường Việt Nam và nhiều người trẻ đã chết vô ích ở đây. 

Cái giá phải trả khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoạt ở Việt Nam rất đắt. Đã có 56.555 người chết, 303.654 người bị thương. Mỹ đã tiêu tốn 352 tỷ đô la nhưng vẫn bại trận và chuốc lấy thảm họa. 

Quân Mỹ được trang bị rất phức tạp, nặng nề khi bước vào cuộc chiến. Trên vai là đạn khói, đạn súng máy, dao phát rừng, xẻng, nòng súng dự bị, súng trường M16, bình toong nước, mặt nạ phòng hơi độc. Bên hông là túi lương khô, gài kẹp bên cạnh vành mũ sắt là thuộc chống ẩm chân. Ngoài ra, là thuốc khử trùng, sốt rét, các thuốc phòng bệnh khác, lựu đạn, đạn súng, đạn súng trường... 

 Rồi họ phải sống trong sợ hãi.

Thế nhưng, vì phải lìa bỏ quê hương, xa người thân, bạn bè, chiến đấu ở đất nước Việt Nam xa xôi, quân Mỹ gặp vô vàn những khó khăn và lúc nào cũng sống trong sợ hãi, lo lắng. 

XEM CHÙM ẢNH: TỘI ÁC "MAN RỢ" CỦA LÍNH MỸ Ở MIỀN NAM VN

Sự khác nhau về khí hậu của phía Nam và phía Bắc ở miền Nam Việt Nam, tại chiến tuyến gần khu phi quân sự ở vỹ tuyến 17, ban ngày trời rất nóng, đến đêm đột nhiên nhiệt độ xuống thấp, khiến lính Mỹ rất khổ sở. 

Mỹ tăng thêm quân, ra sức tiến hàng chiến thuật “tìm diệt” ở khắp nơi, nhưng khi đi lùng thì không mấy khi gặp đối phương, ngược lại lúc không đi tìm thì lại bị quân du kích và quân giải phóng đánh úp. Lính Mỹ luôn luôn lo sợ những viên đạn vô hình của du kích biến họ thành những thây ma trên đồng cỏ. 

Chứng kiến sự thương vong, chết chóc khắp nơi, lính Mỹ ngày càng hoang mang, hoảng sợ và tuyệt vọng. Có những người lính Mỹ phải thú nhận: “Thường xuyên phải tiến về phía cái chết. Dù có thành thạo trong việc giết người đi nữa, khi nghĩ đến cái chết của mình thì rất sợ, chỉ mong được hồi hương”. 

* Bài viết sử dụng tư liệu trong tập ảnh “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” của I-si-ca-oa Bun-dô.

Phạm Thủy

Bình luận(0)