Ngọc phả Hùng Vương: Chuyện hoang đường có khi là sự thật

Google News

(Kiến Thức) - Ngọc phả không phải là lịch sử nhưng qua đó chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng của lịch sử. Có những điều tưởng như hoang đường nhưng có khi lại là sự thật, ví như những ghi chép về Kinh Dương Vương trong Ngọc phả. 

Ghi chép về Kinh Dương Vương và kinh đô Ngàn Hống là chính xác?

Vậy nhưng, trong nghiên cứu lịch sử lại không đơn giản như thế. Chúng ta không thể chỉ căn cứ vào niên đại của Đại Việt sử lược. Bởi nếu vậy thì giải thích thế nào khi chính sử sách của Trung Hoa ghi rằng: "Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần, rùa được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay, vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa" (Sách Thông chí do Trịnh Tiêu đời Tống soạn). 

Sự kiện trên sách Thông giám cương mục của Chu Hi đời Tống soạn ghi là vào năm 2353 TCN. Sách Sử ký Tư Mã Thiên thì ghi rằng: "Năm Tân Mão Chu Thành Vương năm thứ 6 (1110 TCN) đất Giao Chỉ ở phía Nam có Việt Thường Thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con chim trĩ trắng". 

Đại Việt sử lược của ta cũng chép sự kiện này và tách bạch hai thời kỳ Việt Thường và Hùng Vương thành hai thời kỳ khác nhau, cách nhau đến 400 năm: "Đến đời Chu Thành Vương, Việt Thường Thị mới dâng chim trĩ trắng, sách Xuân thu gọi Việt Thường Thị là Khuyết Địa, sách Đái Kỷ gọi là Điêu Đề. Đến đời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có một người kỳ dị biết dùng ảo thuật khuất phục các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, gọi là nước Văn Lang, lấy sự thuần chất làm phong tục, buộc dây làm chính sự, truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương". 

Sách Lâm ấp ký được dẫn lại trong Thủy kinh chú (thế kỷ 6) của Trung Hoa thì định vị cụ thể: "Cửu Đức là nơi tột cùng của Cửu Di, cho nên lấy để đặt tên cho quận. Chỗ đặt tên quận ấy là một nước di của Việt Thường cực xa. Chim trĩ trắng, ngà voi qua 9 lần dịch tiếng mà đến". 

Cửu Đức là tên huyện thời Ngô, tương ứng với vùng bắc Hà Tĩnh ngày nay, nơi có Ngàn Hống (tức núi Hồng Lĩnh). Những ghi chép trên lại hoàn toàn phù hợp với Ngọc phả Hùng Vương, khi cho rằng Kinh Dương Vương vị vua đầu tiên của 18 đời Hùng Vương vốn đóng đô ở Ngàn Hống. Thậm chí, khi đã tìm ra đô mới ở Việt Trì thì ông cũng chỉ cử Hoàng thái tử là Lạc Long Quân ra đô mới, còn ông vẫn ở đô cũ. Về vấn đề Kinh Dương Vương và kinh đô Ngàn Hống, Ngọc phả Hùng Vương và Đại Việt sử lược dường như ghi chép chính xác hơn là sự nhào nặn của Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử chính thống của thời Lê!

 Bản đồ vị trí Cựu đô Ngàn Hống xác định theo Ngọc phả Hùng Vương (theo GS Ngô Đức Thọ).

Chuyện hoang đường có khi là sự thật

Vậy thì, chúng ta đánh giá Ngọc phả Hùng Vương như thế nào? Chúng ta không thể đòi hỏi Ngọc phả phải chính xác như sự thật lịch sử. Nhưng trong Ngọc phả có bóng dáng của lịch sử mà ta cần tìm hiểu. Ngọc phả là tâm linh, tình cảm, là khát vọng tìm hiểu của ông cha ta xưa về cội nguồn dân tộc.
 
Và, như nhận định của GS Ngô Đức Thọ sau khi dịch trọn vẹn văn bản quý báu này: "Đọc Ngọc phả Hùng Vương chúng ta bước vào thế giới của những huyền tích kỳ vĩ không chỉ liên quan đến thời kỳ lập quốc dựng nước mà còn xa hơn nữa đến cội nguồn dân tộc. Các địa danh, nhân danh trong Hùng Vương Ngọc phả sử sách đã viết nhiều, bàn nhiều nhưng hầu như cũng chưa vén được bao nhiêu lớp sương mù ngàn năm. 

Vì vậy, dịch xong Hùng Vương Ngọc phả, người dịch nhận ra rằng, ở đây không có ngôn ngữ cho người chú thích, khảo chứng để chứng minh những gì không đúng với lịch sử như chúng ta biết ngày nay. Thay vào đó, trong cuộc đi như hành trình của chàng Ôđixê đi tìm dân tộc mình, rải rác ta có thể nhận ra những điều tưởng như hoang đường lại được xác nhận ở một nguồn tin độc lập nào đó" (Lời người dịch).

Bạn đọc có thể xem Toàn văn bản dịch Ngọc phả Hùng Vương của GS Ngô Đức Thọ trên trang mạng: phanduykha.wordpress.com.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Phan Duy Kha

Bình luận(0)