Tạo hình tử cung rồi thụ tinh nhân tạo

Google News

(Kiến Thức) - Hỏi về những ca khó đã được thụ tinh nhân tạo thành công, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cười: "Thực ra, đến đây toàn là ca khó rồi". Thế nhưng, trong trí nhớ của TS Nguyễn Xuân Hợi, Khoa Thụ tinh Nhân tạo, một trong những ca khó nhất khoa đã thực hiện thành công là vào năm 2006, do PGS.TS Tiến thực hiện.

"Công trình" tạo phôi và giữ thai

Bệnh nhân tên Hoàng Hòa, được phát hiện tử cung có vách ngăn. Vách ngăn này chia đôi buồng tử cung thành 2 khoang. Theo cách hiểu thông thường của những người không chuyên về y, tử cung chia khoang thì vẫn có con được, chỉ có điều là chỗ ở của thai nhi sẽ chật chội và thai dễ sinh non. Nhưng thực tế không phải như vậy. Vách ngăn này dày, choán cả buồng tử cung. 

TS Nguyễn Xuân Hợi cho biết, trường hợp này phát hiện nguyên nhân khó có con ngay từ đầu, nhưng để giải quyết lại khó khăn. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến là người thực hiện nội soi cắt vách ngăn, sau đó tạo hình lại buồng tử cung. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế cùng kinh nghiệm phẫu thuật nội soi ở trình độ cao. Nếu phẫu thuật viên không khéo, có thể gây thủng tử cung. Nhưng nếu sợ thủng tử cung mà "dọn" không triệt để, bệnh nhân có thể phải mổ lại. Ca mổ hôm đó như một sự "trình diễn", rất nhiều bác sĩ theo dõi để học tập, rút kinh nghiệm. Và rồi, ca mổ đã thành công như mong đợi.

Bệnh nhân sau đó được thụ tinh nhân tạo. Chuyển phôi thành công, được song thai. Thế nhưng, đến 22 tuần bệnh nhân lại đẻ non, không giữ được thai. Lần thực hiện thứ 2 cũng vậy. Đến lần thứ 3, vẫn chuyển phôi đậu 2 thai, nhưng để phòng tử cung lại tiếp tục co bóp dễ sảy thai như những lần trước, các bác sĩ quyết định chỉ giữ một thai. Lần này, bệnh nhân đã mẹ tròn con vuông là một bé trai khoẻ mạnh.

 Y học hiện đại đã giúp nhiều gia đình có con nhờ thụ tinh nhân tạo.


Phôi cấy sẽ là thai khoẻ

TS Hợi cho biết, khác với nhiều trung tâm chỉ làm thụ tinh trong ống nghiệm, ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, các bác sĩ làm thụ tinh trong ống nghiệm vừa đồng thời là bác sĩ phẫu thuật nội soi. Điều này giúp xử lý được nhiều ca khó, tỷ lệ thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm cao hơn. Thêm vào đó là việc bảo tồn thai sau khi nuôi cấy thành công cũng đã có những bước tiến mới. Nhiều bệnh nhân thai chết lưu nhiều lần, lặp đi lặp lại ở khoảng 5 - 6 tuần là thai chết, sau khi xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân có vấn đề về rối loạn di truyền. Vậy là phải tìm cách để xử lý. Ở những bệnh nhân lớn tuổi (38 đến hơn 40 tuổi), bác sĩ sẽ phải chú ý vấn đề chọn lọc phôi tốt, sàng lọc để phôi không bị bệnh. 

Theo PGS.TS Tiến, trước đây, người ta xét nghiệm nhiễm sắc thể để loại trừ thai dị dạng, bất thường, thì nay ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư tiến hành sinh thiết phôi để đánh giá. Như vậy, phôi chuyển vào tử cung gần như chắc chắn là khoẻ mạnh. Chi phí cho việc sinh thiết phôi rất tốn kém, nhưng đó là điều cần thiết, đặc biệt đối với những ca đã có thai nhưng thai chết lưu liên tục. Để thực hiện việc này, bác sĩ sẽ hút tế bào phôi để đánh giá bất thường. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng để làm được điều này là cả một bước tiến về mặt khoa học. "Về hỗ trợ sinh sản, trên thế giới có kỹ thuật gì thì ở Việt Nam cũng thực hiện được kỹ thuật đó", PGS Tiến vui mừng chia sẻ như vậy.

PGS Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay quy định "một cặp vợ chồng cố gắng trong một năm mà không có con thì được coi là vô sinh". Lúc này, các cặp vợ chồng nên đến các cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa để thăm khám; với mỗi cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau. Chẳng hạn, nếu người vợ bị viêm nhiễm thì sẽ điều trị cho dứt chứng viêm nhiễm, nếu bị tắc nghẽn ở vòi trứng thì sẽ khai cho thông, nếu nguyên nhân ở người chồng thì điều trị bệnh ở chồng, một số trường hợp phải thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bơm tinh trùng... Nói như vậy để thấy, không phải cứ vô sinh là thụ tinh trong ống nghiệm (nhiều trường hợp thấy chậm có con là cứ nằng nặc đòi bác sĩ cho thụ tinh nhân tạo). Chữa vô sinh có nhiều phương pháp, căn cứ trên người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Thụ tinh nhân tạo là phương pháp cuối cùng khi các phương pháp khác đã bó tay. 
Hương Anh

Bình luận(0)