Có thể tự mổ lấy thai cho sản phụ bị tai nạn?

Google News

Một người mẹ vô tình bị bắn chết, đứa con trong bụng đã ở tháng thứ 8. Khi được đưa đến bệnh viện mổ cấp cứu, thai nhi đã tử vong.

(Kienthuc.net.vn) - Một người mẹ vô tình bị bắn chết, đứa con trong bụng đã ở tháng thứ 8. Khi được đưa đến bệnh viện mổ cấp cứu, thai nhi đã tử vong. Trước đó, ở Bình Định có trường hợp một sản phụ tai nạn khi đang mang thai đã gần ngày sinh, tiến hành mổ cấp cứu giữa đường nhưng không cứu được con.

Ảnh  minh họa.
Ảnh minh họa.

Chuyện mẹ chết bất ngờ khi đang mang đứa con còn quẫy đạp vùng vẫy trong bụng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Thương những đứa trẻ  đã không kịp cất tiếng khóc chào đời. Chuyện người mẹ gặp nạn đã xảy ra, không ai muốn. Nhưng nếu như được mổ cấp cứu sớm hơn, có thể đứa trẻ đã được cứu sống. Vấn đề là ai mổ (một y tá qua đường, một người thân, người đầu tiên nhìn thấy dù không phải bác sĩ có mổ được không), mổ như thế nào, đứa trẻ có thể sống được bao lâu trong bụng sau khi mẹ mất? Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến trái chiều nhau cho thấy việc cấp cứu đứa con khi sản phụ mất bất ngờ không hề đơn giản.

Theo một chuyên gia sản phụ khoa, việc cứu đứa trẻ khi mẹ mất đột ngột không hề khó khăn, kể cả với người không có chuyên môn y tế. Theo chuyên gia này, khi sản phụ bị tai nạn giao thông hay tai nạn nói chung mà tử vong, những người xung quanh không cần di chuyển nạn nhân, chỉ cần một con dao không cần sát trùng mở bụng nạn nhân lấy đứa trẻ, cắt rốn từ xa (khi có thuốc sẽ sát trùng sau).
 
Tóm lại là bằng mọi cách rạch ngay thân tử cung, cắt và thắt rốn, sau đó bế đứa trẻ vào nơi an toàn rồi chuyển đến nơi cấp cứu gần nhất. Không cứ phải là y tế xã, phường; bất cứ người nào cũng có thể làm được; cứ mổ từ từ, rạch cơ tử cung, khi thấy tử cung thì lấy đứa trẻ ra. Việc xác định nạn nhân còn sống hay đã mất không khó. Chỉ cần vành đồng tử, nếu thấy đồng tử mắt giãn to, cộng thêm nạn nhân không còn thở thì tức là đã mất.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư khẳng định: Nên thận trọng với vấn đề mổ để cứu thai nhi vì trong thời điểm đấy, không ai khẳng định được nạn nhân đã chết hẳn. Nhỡ đâu nạn nhân chưa mất, người cấp cứu lại tưởng là đã mất, vội vàng rạch mổ mà gây chết người. Người gặp nạn có khi máu chảy lênh láng nhưng có khi vẫn sống. Ở nước ngoài, chỉ khi có xe cấp cứu đến xác định nạn nhân đã mất thì sau đó người ta mới rạch bụng lấy thai. Việc người dân hay một y tá xã, phường thương đứa trẻ mà rạch bụng nạn nhân lấy thai là điều rất khó, bởi rất có thể vì rạch mà nạn nhân chết.

BS Phạm Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư nêu quan điểm: Nếu sản phụ mang thai to mất bất ngờ, đứa con có thể được cứu sống nếu mổ ngay tại chỗ, không cần sát trùng.

Tuy nhiên, BS Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, không phải ai cũng làm được điều này bởi lẽ mổ trên người đã mất để cứu con cũng cần phải có chuyên môn, không phải cứ rạch là rạch. Phải là bác sĩ chuyên mổ đẻ thì mới mổ được nếu không sẽ dễ rạch vào đứa trẻ. Khi sản phụ mất, tử cung sẽ chết theo, tử cung chết sẽ bóp chặt lại khiến đứa trẻ khó sống. Kể từ khi sản phụ mất đến khi lấy được con ra cần đảm bảo trong thời gian không quá 5 phút, bởi nếu quá 5 phút, đứa trẻ ra đời dễ rơi vào đời sống thực vật.
 
Vào khoảng 0h10’ ngày 26/11, tại thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, Hà Nam đã xảy một vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là chị Phạm Thị Huệ (sinh năm 1985) đang mang bầu tháng thứ 8, đã bị người chồng dùng súng tự chế bắn vào ngực tử vong ngay tại chỗ. Vì đang mang bầu ở tháng thứ 8 nên lúc chị Huệ tử vong thì đứa con trong bụng đã quẫy đạp vùng vẫy do thiếu oxy. Thấy đứa bé trong bụng vẫn còn sống, người nhà liên gọi taxi đưa chị Huệ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam để cứu nhưng không kịp.

Bình luận(0)