Đề phòng rắn cắn dịp cuối thu, đầu đông

Google News

Những ngày gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn.

- Những ngày gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn. Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm, đã vào mùa rắn mò ra ăn để sau đó ngủ đông, vì thế nếu người dân không cẩn thận sẽ dễ bị rắn cắn.

Trường hợp bị rắn cắn đang điều trị ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Trường hợp bị rắn cắn đang điều trị ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Ngày 18/10, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có tới 4 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Qua thăm khám tại vết thương, kết hợp với lời kể của bệnh nhân, các bác sĩ nhận định: Một trường hợp bị rắn lục cắn, 2 trường hợp bị rắn hổ mang cắn, một trường hợp bị cạp nia cắn. Mỗi bệnh nhân bị cắn trong một hoàn cảnh khác nhau.
 
Đáng chú ý là bệnh nhân Nguyễn V.H. (ở Bắc Ninh), nhìn thấy rắn cạp nia định bắt để ngâm rượu, không may bị rắn cắn. Vào viện từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau, bệnh nhân khó thở, bác sĩ đã phải cho bệnh nhân này thở oxy. Chiều 18/10, tức là khi đã vào viện được gần 1 ngày, bệnh nhân vẫn mệt, lờ đờ.

Trong tình trạng khá tỉnh táo, nằm ở phòng bên cạnh, bệnh nhân nữ ở Vân Đồn (Quảng Ninh) vào viện với vết thương ở chân đã có dấu hiệu hoại tử. Bệnh nhân nữ cho biết, mình không cảm nhận được là bị rắn cắn, nhưng có vết thương khi đang ở trên bè, nghi là rắn cắn nên vào viện. Hiện vết thương đau nhức, có một vùng tím đen. Căn cứ vào vết thương, các bác sĩ đã khẳng định đúng là bệnh nhân này bị rắn cắn, hơn thế, còn biết được đây là rắn hổ mang cắn.
 
Vừa nhập viện, vẫn đang ngồi ở xe lăn tại hành lang là anh Đỗ V.T. (33 tuổi, ở Hưng Hà, Thái Bình). Anh T. cho biết, 9h tối hôm trước, khi đi về nhà, qua mấy đống gạch, anh đã bị rắn cắn. Vết thương tại chỗ vẫn còn hằn 2 răng, đau nhức. Bác sĩ xác định anh T. đã bị rắn hổ mang cắn.

TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngoại trừ trường hợp tai nạn, bị rắn cắn mà không biết, người dân khi thấy rắn nên tránh xa, không trêu chọc, không bắt rắn. Vào mùa này, buổi tối, nên cẩn thận khi đi qua những nơi rậm rạp như lùm cây hoặc đống gạch - nơi rắn có thể ẩn nấp.
 
Ở các vùng nông thôn, buổi tối nếu thấy gà kêu quang quác ở chuồng gà, nên thận trọng vì rất có thể rắn đã mò vào chuồng gà, gặp người đến sẽ "đớp". Khi đã xác định bị rắn cắn, đặc biệt lại biết đó là rắn độc, không nên garo vết thương mà chỉ nên băng ép rồi đến nơi cấp cứu gần nhất.
 
Tuyệt đối không tự chữa rắn cắn theo các cách truyền miệng như uống lá, dùng phao câu gà ấn vào vết thương hay ăn chanh... Thực tế, đã có những trường hợp bị rắn cắn mà lại thêm chảy máu dạ dày vì ăn chanh, nhiễm trùng vết thương vì dùng phao câu gà ấn vào... Đây là những cách chữa rắn cắn không có cơ sở khoa học.

Hoài Hương
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)