Không thống kê, kiểm soát được phụ gia thực phẩm Trung Quốc

Google News

"Số lượng lớn phụ gia thực phẩm ở nước ta là nhập lậu, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc không thống kê, không kiểm soát được".

̣(Kienthuc.net.vn) - "Số lượng lớn phụ gia thực phẩm ở nước ta là nhập lậu, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, không thống kê, không kiểm soát được".

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Phong - Phó cục trưởng cục VSATTP cho biết tại hội thảo phụ nữ nói không với kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm không an toàn vừa qua tại Hà Nội.
 
Các tiểu thương ký cam kết thực hiện kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn.

Hiện Việt Nam cho phép sử dụng 23 nhóm PGTP với 337 chất (bao gồm cả hương liệu), bằng 1/5 so với Trung Quốc, 1/3 so với Nhật Bản và gần 1/9 so với Hoa Kỳ.

Trên thực tế, các PGTP không nằm trong danh mục được cho phép tại Việt Nam nhưng nằm trong danh mục của Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) thì tùy trường hợp vẫn được xem xét sử dụng.

PGTP được sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm 5-10%. Số còn lại được nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP - cho biết: “PGTP nhập chính ngạch từ Trung Quốc chiếm tới 30%. Trong khi đó số lượng lớn PGTP là nhập lậu, chủ yếu cũng nhập từ Trung Quốc, không thống kê được, không kiểm soát được”.

Theo kết quả khảo sát từ năm 2008-2011 của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với một số nhóm thực phẩm có tỷ lệ sử dụng cao tại thị trường phía Bắc, có tới 15,6% mẫu phở và bánh giò dương tính với hàn the; 12,5% mẫu nước giải khát chứa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép; 12% mẫu nước giải khát và mì ăn liền chứa phẩm màu kiềm.

Điều đáng nói là những phụ gia được sử dụng trong những thực phẩm đó đều là những hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm hoặc cho phép nhưng lại dùng quá liều lượng.

Những con số này chứng minh cho việc đa số người sử dụng, buôn bán PGTP không hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ cũng như tác hại của PGTP độc hại.
 
Cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được các phụ gia độc hại trong thực phẩm.
Cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được các phụ gia độc hại trong thực phẩm.

Bà Lê Thị Phương -  một tiểu thương bán hàng ở chợ Đồng Tâm cho biết: “Mỗi khi báo đài phản ánh một thực phẩm độc hại nào đó thì chúng tôi mới được nghe thêm tên của một PGTP độc hại, còn trước đó thì không hề biết tên của nó là gì, có hại như thế nào?

Nếu có mua về thì chỉ biết mô tả về màu sắc và công dụng của gói phụ gia như giới thiệu của người cung cấp. Nhiều loại phụ gia còn không có tên, không chữ trên bao bì đóng gói đơn giản người ta chỉ nói là dùng để làm gì thì chúng tôi bán và giới thiệu vậy”.

Bà Phương cũng không đồng tình với cách cung cấp thông tin về PGTP trên báo đài trong thời gian qua: “Cùng một loại thực phẩm sử dụng PGTP, hôm nay thì bảo nó độc hại, ngày mai lại bảo là dùng được. Chúng tôi không biết thực hư thế nào để tránh. Vì thế những hội thảo của Cục VSATTP giúp chúng tôi nâng cao nhận thức và trách nhiệm như thế này là vô cùng cần thiết”.
 
Thông tin từ bộ Ytế: Nhiều chất bảo quản, chất phụ gia khi vào cơ thể được di chuyển vào máu rồi đến các bộ phận của cơ thể. Bình thường các chất không độc sẽ được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu, hay đường mồ hôi nhưng các chất độc là kim loại nặng hay các phức hợp bền vững từ các hoá chất phụ gia độc hại không thể đào thải được.

Khi di chuyển trong máu và dừng lại ở một bộ phận nào đó, quá trình tích tụ các chất độc hại này sẽ tăng lên khi chúng ta tiếp tục ăn các loại thực phẩm có chứa các chất độc hại này. Đến khi đạt ngưỡng, chất này tác động làm tổn thương không hồi phục gene tế bào và làm sai lệch quá trình nhân đôi của gene. Và đây là sự khởi đầu cho bệnh ung thư.

Thu Nguyên

Bình luận(0)