Cánh cửa “bí mật” của người đàn ông siêu quyền lực Obama

Google News

Nhiều người thì thầm hỏi nhau: “Ngài Tổng thống Obama đã vào từ lối nào nhỉ?”.

Có lẽ trong cuộc đời làm phóng viên đối ngoại của tôi, cơ hội được tận mắt nhìn thấy các nguyên thủ hàng đầu thế giới ở khoảng cách gần luôn là một đặc ân của nghề báo. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama tháng 5.2016 cũng đã cho tôi một cơ hội tác nghiệp đặc biệt như vậy.
Canh cua “bi mat” cua nguoi dan ong sieu quyen luc Obama
 
Những lá thư gửi và nhận lúc 0 giờ
Trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam, hàng tháng trời, tại các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên luôn luôn đặt câu hỏi về kế hoạch chuyến thăm. Tuy nhiên câu trả lời chỉ có một: “Chuyến thăm đang được hai bên thu xếp”. Và, ngay cả khi Nhà Trắng đã phát thông cáo về chuyến thăm, phía Việt Nam vẫn... kín như bưng. Cánh phóng viên chỉ còn mỗi cách là “bám” vào Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, những cuộc gọi tới tấp để hỏi và cuối cùng thông tin chính thức cũng được đưa ra...
Nhưng, công đoạn khó khăn lại là đăng ký thẻ. Theo thông báo, có khoảng 400 phóng viên trong nước và quốc tế được tham gia đưa tin sự kiện, song con số phóng viên Mỹ chiếm khá đông. Một cuộc chạy đua để đăng ký thẻ lại bắt đầu. Ngày 17/5, Vụ Báo chí gửi email đến phóng viên để đăng ký tham gia đưa tin sự kiện, với dòng ghi chú: “Do sự kiện thu hút được sự quan tâm lớn của truyền thông và do không gian tổ chức sự kiện rất hạn chế (dự kiến, tại mỗi địa điểm của các cuộc tiếp xúc song phương, sẽ có không quá 10 phóng viên Việt Nam được tham dự), vì vậy xin các anh chị vui lòng đăng ký nhiều nhất 2 phóng viên/mỗi cơ quan báo chí. Dựa trên đăng ký thực tế nhận được, chúng tôi sẽ có kế hoạch thẻ tác nghiệp cụ thể cho từng sự kiện…”. Gửi đăng ký đi rồi, nhưng phóng viên vẫn không thể chắc chắn được rằng, mình có nằm trong danh sách bị hạn chế hay không.
Hai ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, các email qua lại giữa Vụ Báo chí và cánh phóng viên đối ngoại được trao đổi liên tục. Cho đến ngày 22/5, khi cầm trên tay tấm thẻ tác nghiệp sự kiện, phóng viên NTNN mới hoàn toàn yên tâm.
Chạy đua thông tin
Thế rồi, ngày quan trọng đã đến. Báo NTNN nhận được 1 thẻ tham gia đưa tin. Chúng tôi có 2 người, gồm một phóng viên ảnh và một phóng viên viết, dĩ nhiên phải thay phiên nhau để sử dụng triệt để tính năng của chiếc thẻ đó.
Thời gian đến Nội Bài của Tổng thống Obama thay đổi bất ngờ, thay vì rạng sáng 23/5 như thông báo trước đó, chiếc Không lực 1 chở Tổng thống Obama hạ cánh ở sân bay sớm hơn so với dự kiến, thời điểm đó là 21 giờ 35 phút đêm 22/5.
Nhưng để chắc ăn, từ 16 giờ chiều phóng viên đã phải có mặt ở sân bay quốc tế Nội Bài để làm thủ tục kiểm tra an ninh và soi các thiết bị tác nghiệp. An ninh tại khu vực sảnh VIP A rất nghiêm ngặt với nhiều vòng kiểm tra. Chó nghiệp vụ cũng được triển khai ở sảnh A để siết chặt an ninh.
Tấy cả phương tiện, đồ đạc tác nghiệp của phóng viên đều được để trong 1 căn phòng, sau đó mọi người được yêu cầu ra ngoài. Đến 21 giờ, lực lượng an ninh cho phép các phóng viên được vào từng tốp 5 người một. Công tác kiểm tra an ninh rất kỹ lưỡng đối với từng phóng viên. Sau khi qua 2 cửa kiểm tra, phóng viên được vào phòng lấy đồ. Tại đây, nhất cử nhất động của mỗi người đều được an ninh theo sát.
Trong khi phóng viên ảnh đang tác nghiệp ở hiện trường, tại toà soạn, bộ phận “bọc lót” gồm Thư ký toà soạn và các Biên tập viên cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để truyền tin trực tiếp.
Những thông tin mới nhất được truyền về từ sân bay, đôi khi chỉ là những dòng tin nhắn vội không có dấu của phóng viên, hoặc những hình ảnh mới nhất, độc nhất được truyền về đều được toà soạn xử lý nhanh gọn và mang đến cho độc giả Báo điện tử Dân Việt sớm nhất. Trong thời gian đó, chúng tôi phải sử dụng tất cả các hình thức liên lạc, từ email, điện thoại, facebook, zalo… miễn sao đạt được hiệu quả nhất trong cuộc đua thông tin này.
Khi chiếc xe “quái thú” chở Tổng thống Obama rời khỏi sân bay, và có tin rằng điểm đến là khách sạn JW Marriott, một cuộc săn tin tiếp theo lại bắt đầu. Nhưng cơ hội tác nghiệp ở đây để chụp được những hình ảnh đầu tiên của Tổng thống đã nhanh chóng khép lại, bởi chiếc xe chở Tổng thống đã bất ngờ đi vào khách sạn từ cửa sau, trong sự hối tiếc của rất nhiều người đón đợi ông ở cửa trước.
Những cánh cửa không ngờ đến
Trong suốt chuỗi hoạt động của Tổng thống Obama trong những ngày ở Việt Nam, có lẽ cuộc họp báo do ông và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì là cơ hội để cánh phóng viên được tiếp cận ông ở khoảng cách gần nhất và lâu nhất. Như quy định, chúng tôi phải có mặt khoảng 3 giờ trước khi sự kiện diễn ra.
Lọt qua cánh cửa kiểm tra an ninh, chúng tôi vào phòng họp báo, nhưng phải gần 2 giờ sau Tổng thống mới xuất hiện. Trong thời gian chờ đợi, cánh phóng viên chủ yếu ngồi... ngắm mật vụ Mỹ và các đồng nghiệp Mỹ cùng những thiết bị truyền thông “siêu hạng”. Phía Việt Nam chỉ được 5 cơ quan báo chí sử dụng máy ảnh và máy ghi hình trong sự kiện này, còn phía Mỹ cả một dàn máy quay phim, máy ảnh hùng hậu.

Với chúng tôi, những phóng viên đối ngoại, dù phải chạy đua với sự kiện, hay chỉ được ngắm nhìn Tổng thống Obama chớp nhoáng, thậm chí chỉ nghe giọng nói của ông ở khoảng cách gần nhưng không có nhiều cơ hội để nhìn rõ mặt… thì đó cũng là những kỷ niệm khó quên, những đặc ân mà nghề báo đã mang lại.

Quả thực, đã từng tham gia đưa tin rất nhiều sự kiện đối ngoại, nhưng tôi chưa từng thấy một cuộc họp báo nào lại có không khí nghiêm trang và căng thẳng đến vậy. Hai bên lối đi, các đặc vụ Mỹ với khuôn mặt lạnh tanh đứng làm nhiệm vụ, như có cảm giác cặp mắt của họ có thể nhìn thấu mọi thứ, khiến không khí vừa căng thẳng lại thêm phần sốt ruột. Vì không được sử dụng máy ảnh, chúng tôi đành tác nghiệp bằng điện thoại. Khi giờ theo thông báo trong chương trình đã đến, tất cả ánh mắt và thiết bị ảnh, máy ghi hình đều hướng về cánh cửa chính để đón Tổng thống Obama. Nhưng thật bất ngờ, ngài Tổng thống lại bước ra bục phát biểu từ một cánh cửa rất nhỏ mà trước đó được đóng kín không ai ngờ đến.
Lần tác nghiệp thứ hai đó là khi Tổng thống Obama phát biểu trước 2.000 người Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (VNCC) sáng 24.5 cũng vậy. Và dĩ nhiên, cánh phóng viên lại luôn là người đến trước hàng giờ đồng hồ. Quy trình kiểm tra an ninh cũng phức tạp y hệt như những lần tác nghiệp của một ngày trước đó, lần này chỉ khác là vì diện tích của hội trường khá rộng, nên khoảng cách từ Tổng thống đến phóng viên không được gần như tại cuộc họp báo.
Cả hội trường đông nghịt người chờ đợi, thi thoảng lại có những đoàn tiền trạm của Tổng thống đến trước, do ở xa nhìn không rõ mặt người nên mọi người thường vỗ tay chào đón, xong khi phát hiện ra nhầm, những tiếng cười lại vang lên giòn giã, cứ như vậy cái sự “nhầm” diễn ra phải đến ít nhất 5 lần.
Cho đến khi tiếng của người dẫn chương trình vang lên thông báo, Tổng thống Obama đã đến, mọi ánh mắt lại đổ dồn về phía cánh cửa lớn thì thật bất ngờ, một giọng nói trầm ấm bằng tiếng Việt “Xin chào!” được vang lên từ sân khấu chính. Ngài Tổng thống đã đi ra từ một lối cửa nhỏ được nguỵ trang phía sau cánh gà của sân khấu trong sự reo hò, vỗ tay chào đón của hàng ngàn người. Trong khi mọi người vui mừng chào đón ông, cánh phóng viên lại có phần tiếc nuối vì đã bỏ qua những khoảnh khắc đầu tiên khi ông bước ra. Nhiều người thì thầm hỏi nhau: “Ngài Tổng thống đã vào từ lối nào nhỉ?”...
Ngài Tổng thống bắt đầu bài phát biểu. Mỗi khi ông dừng lại, những tiếng vỗ tay lại vang lên, còn chúng tôi quả thực nghe như nuối từng lời của Tổng thống, song lại không có thời gian để ngẩng lên nhìn ông, bởi ai nấy đều cắm mặt vào bàn phím máy tính và làm nhanh nhất có thể để chuyển tải các nội dung bài phát biểu đến bạn đọc...
Mời quý độc giả xem video Những chuyến công du triệu đô của ông Obama (nguồn Youtube):
Theo Dân Việt

Bình luận(0)