Luật đội mũ bảo hiểm ở một số nước trên thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Một số nước trên thế giới đã áp dụng luật đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe hai bánh trên đường từ rất lâu và ở mỗi nơi lại quy định khác nhau.


 Ở Mỹ, mỗi bang có quy định đội mũ bảo hiểm khác nhau. Trong đó, một số bang không áp dụng luật đội mũ bảo hiểm.

Luật đội mũ bảo hiểm ở Mỹ

Năm 1967, chính phủ liên bang Mỹ đã bắt đầu yêu cầu các tiểu bang phải ban hành luật sử dụng mũ bảo hiểm cho xe máy để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khi lưu thông trên đường. Bốn mươi tiểu bang của Mỹ ban hành và phổ biến rộng rãi luật đội mũ bảo hiểm; luật có hiệu lực vào cuối năm 1969. Đến năm 1975, mọi người ở tất cả các bang (trừ 3 tiểu bang) bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe máy trên dường.

Khi Bộ Giao thông Vận tải Mỹ áp dụng các hình phạt tài chính với những người không tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm vào năm 1976, Quốc hội đã phản đối bằng cách thu hồi quyền phạt người dân vi phạm của liên bang.

Từ năm 1976 tới 1978, luật sử dụng mũ bảo hiểm ở 20 bang suy yếu dần, chỉ áp dụng cho những tay đua trẻ, thường dưới 18 tuổi. Ngoài ra, 8 bang đã bãi bỏ yêu cầu sử dụng mũ bảo hiểm cho tất cả mọi người đi xe máy.
Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, một số tiểu bang phục hồi luật đội mũ bảo hiểm áp dụng cho tất cả các tay đua.

Năm 1997, luật đội mũ bảo hiểm ở bang Texas và Arkansas đã suy yếu chỉ áp dụng cho trẻ tay đua. Ở bang Kentucky và bang Louisiana, luật đội mũ bảo hiểm cũng lần lượt bị suy yếu vào năm 1998 và năm 1999, song lại được khôi phục lại vào năm 2004.

Luật đội mũ bảo hiểm ở bang Florida và Pennsylvania cũng suy yếu dần vào năm 2000 và 2003.

20 bang và quận Columbia áp dụng luật đội mũ bảo hiểm cho tất cả các tay đua và 27 bang khác áp dụng luật cho một số tay đua, thường dưới 18 tuổi.

Bang Illinois, Iowa và New Hampshire không áp dụng luật đội mũ bảo hiểm.

Luật đội mũ bảo hiểm ở Ấn Độ

 Một kiểu mũ bảo hiệu lạ mắt.

Ở Ấn Độ, luật đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy chỉ áp dụng với nam giới, chứ không có hiệu lực với phụ nữ. Hiện, chính phủ nước này vẫn đang cố gắng vận động những người phụ nữ đội mũ bảo hiểm để giảm thiểu những cái chết vô ích, cũng như giảm gánh nặng chi phí y tế cho hàng nghìn người bị thương nặng vì tai nạn giao thông mỗi năm.

Đạo luật của Ấn Độ ban hành năm 1988 quy định rằng tất cả mọi người điều khiển hoặc ngồi trên xe hai bánh đều phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, điều luật này đã nhận được sự phản đối từ cộng đồng tôn giáo Sikh. Sau đó, những người đàn ông của cộng đồng Sikh đã được miễn thi hành luật, lý do chủ yếu vì yêu cầu tôn giáo buộc họ phải đội khăn xếp.

Luật đội mũ bảo hiểm ở Indonesia

Từ năm 1988, Luật của Indonesia đã quy định người ngồi xe máy phải "đội mũ bảo hiểm". Tuy nhiên, một nghiên cứu cấp Chính phủ năm 2005 cho thấy, có tới 30% người điều khiển xe máy tại các thành phố không đội mũ bảo hiểm. Ở các khu vực nông thôn, số người đội mũ bảo hiểm càng ít.

Theo số liệu của Hiệp hội An toàn đường bộ Indonesia, có khoảng 23 trong tổng số 32 người thiệt mạng mỗi ngày vì tai nạn giao thông là những người điều khiển xe máy. Việc nâng cấp đường sá, đặc biệt tại các thành phố lớn như Thủ đô Jakarta, cũng không bắt kịp với số lượng người sở hữu xe máy ở Indonesia.

Năm 2007, nước này ban hành luật đội mũ bảo hiểm chất lượng đối với những người đi xe máy và áp dụng luật đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em.

Câu chuyện về mũ bảo hiểm ở Malaysia

Làn đường dành riêng cho người đi xe máy ở Malaysia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 1997 Malaysia đã tiến hành chiến dịch khuyến khích người đi xe máy đội mũ bảo hiểm đúng cách. Các đài truyền hình, giới báo chí của nước này đều tham gia tuyên truyền cho chiến dịch, chưa kể những biển quảng cáo lớn được treo khắp các góc phố.

Chính phủ Malaysia phối hợp đồng bộ với WHO, các tổ chức phi chính phủ và các trường ĐH để nghiên cứu đề ra tiêu chuẩn an toàn mũ bảo hiểm cho trẻ em và người lớn. Đồng thời, nước này cũng thực hiện nhiều chương trình giáo dục ý thức người dân đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là chương trình hành động đội mũ bảo hiểm kể từ năm 2000 đến nay.

Chính quyền Malaysia đặt ra các quy định rất khắt khe như luật người đi xe máy đội mũ bảo hiểm và người ngồi hàng ghế sau trên ôtô cũng phải thắt dây an toàn. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Giáo dục kết hợp thực hiện giáo dục kiến thức và kỹ năng an toàn giao thông bắt buộc đối với học sinh từ cấp tiểu học từ năm 2007.

Bà Jamilah Mohd Marjan giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu an toàn giao thông Malaysia khẳng định, nếu thực thi thành công các chương trình khuyến khích người đi xe máy đội mũ bảo hiểm thì có thể giảm số trường hợp người đi xe máy tử vong do tai nạn giao thông xuống rất nhiều.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyên Thảo (tổng hợp)

Bình luận(0)