Nghệ sĩ Đức Hiền: “Cha đẻ” của 200 vở cải lương

Google News

(Kiến Thức) - Vào nghề viết kịch bản cải lương muộn hơn so với thế hệ tác giả đàn anh nhưng soạn giả Đức Hiền gặt hái nhiều thành công từ số lượng kịch bản khủng của mình.

Lời khích lệ đánh thức đam mê

Lớn lên trong một gia đình nổi tiếng về đờn ca tài tử, thân phụ của soạn giả Đức Hiền là nghệ nhân Hai Minh đờn kìm rất nổi tiếng. Từ nhỏ soạn giả Đức Hiền vốn say mê đờn ca tài tử nhưng không được cha truyền nghề, năm 17 tuổi ông vào học trường Quốc gia âm nhạc cùng lớp với các nghệ sĩ nổi tiếng như Mỹ Chi, Kiều Phương Loan, Tú Trinh... Học được một năm ông mê hát và diễn nên theo đoàn hát Dạ Quang Châu học nghề với ông bà bầu nổi tiếng là vợ chồng nghệ sĩ Tám Dân, một thời gian sau ông gia nhập đoàn hát lớn nổi tiếng thời bấy giờ là Đoàn Tiếng hát Dân tộc và trở thành đàn em của nhiều nghệ sĩ như Thành Được, Ngọc Giàu, Hùng Cường, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Nga, Mộng Tuyền...

Ông kể lại, được vào một đoàn mà toàn gặp rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nên ông có nhiều cơ hội để học hỏi từ khả năng diễn xuất và cơ hội thể hiện mình, lúc đó ông cũng viết nhiều bài cải lương ca lẻ và gây được tiếng vang. 

Soạn giả Đức Hiền. 

Một soạn giả lớn tuổi là Hoa Phượng sau khi đọc xong các vở ông viết đã nói: "Mày đã có khiếu nghe về âm nhạc là bắt nhịp được, rồi làm kép hát lâu năm cho nhiều đoàn Tiếng hát Dân tộc, Hoa Thế hệ, Thanh Minh - Thanh Nga, Tây Giang nên có nhiều kinh nghiệm sân khấu, giờ chuyển qua viết tuồng đi". Lời khích lệ ấy đã đánh thức lòng đam mê về viết tuồng và ông chính thức viết vào năm 1980 với kịch bản đầu tay là "Giấc mộng phù hoa" cho Đoàn Cải lương Phù Sa. Sau đó ông tham dự trại sáng tác và chuyên tâm vào lĩnh vực viết kịch bản. 

Soạn giả Đức Hiền cho biết, quan trọng nữa là giữa người viết, người đạo diễn và diễn viên phải ăn khớp, một vở tuồng phân vai cho từng nhân vật nó phải xuyên suốt và tạo tình huống ca ngâm. Cái khó nhất trong kịch bản cải lương là đưa bài ca cổ vào đoạn nào cho kép, đào chính hát, khi nhân vật và tình huống hoặc xung đột đến đỉnh điểm thì viết lời ca như thế nào cho hợp lý, thậm chí là lời ca phải hợp với giọng và hơi của người. Viết cải lương phải biết nhấn bài ca cho nhân vật mà mọi người gọi là đo ni đóng giày, đang lúc trò chuyện vui vẻ mà ca bài dài và sầu thảm là hỏng ngay rồi.

Người viết lại vở Thạch Sanh

Muốn viết được phải chịu khó, chịu khổ để đi về quê, vào tận hang cùng ngỏ hẻm, đi để có vốn sống thực tế, mở mang kiến thức. Khi đã am hiểu thì sẽ chọn được đề tài hay và lời ca được trau chuốt, nói thì dễ nhưng rất nhiều người viết xong đi chào cho các trưởng đoàn, trưởng đoàn và hội đồng nghệ thuật chọn mới đưa cho đạo diễn, nếu xem xong họ trả lại là coi như mất công toi... Tuy vậy, thời đó, ông bầu các đoàn cũng xộp lắm, một kịch bản khi được nhận và công diễn cả tuần rồi trừ chi phí vé mời thì được nhận số tiền thù lao 6%, kịch bản đó được nhiều đoàn hát thì tiền càng nhiều, không riêng gì ông mà các soạn giả khác đa phần đều có nguồn thu nhập khá nhiều nên cuộc sống ổn định. 

Một điều cần thiết cho công việc soạn tuồng cải lương là lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp. Có lần, nghệ sĩ Tám Lang (tay trống gánh hát Năm Kim Thoa) có gợi ý ông viết lại kịch bản Thạch Sanh, nhân vật thái tử Thủy Tề là nam đã được đổi thành nữ, kịch bản này được Đoàn Phước Chung diễn rất thành công, đến nay các vai diễn công chúa thủy tề là được lấy từ kịch bản của ông. Theo ông, viết kịch bản cho đào kép hát không nhất thiết phải cứng nhắc bám theo cốt truyện mà phải linh động thì mới tạo ra tính linh hoạt của vở diễn.

Soạn giả Đức Hiền tự hào: "Nghề viết cải lương với tôi nó đã thấm vào máu, bây giờ tôi vẫn là cây viết chủ lực cho các trại sáng tác và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM".

Soạn giả Đức Hiền (tên thật là Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1947 tại Châu Đốc - An Giang) đã có 200 vở cải lương được dàn dựng, công diễn và và thu hình, trong đó 90% kịch bản cải lương và 10% là hát bội.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Quỳnh Anh

Bình luận(0)