Nghệ sĩ Đoàn Thiên Kim: Suýt chết trong đêm diễn

Google News

(Kiến Thức) - Nhắc đến nghệ sĩ Đoàn Thiên Kim (SN 1934), khán giả truyền hình quen thuộc với những vai diễn làm mẹ, bà ngoại, vú em. Những người yêu cải lương thế kỷ trước còn biết bà khi còn là đào chánh cho Đoàn hát Kim Thoa ở Sài Gòn.

Đang diễn... bị nổ bom

Buổi chiều Sài Gòn đầy nắng, trong khu nhà Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM, bà kể lại kỷ niệm đáng nhớ của thời trên sân khấu. Khi hiệp định Geneve được ký kết đất nước chia hai miền, giới cải lương đã ý thức được tinh thần thống nhất đất nước và đoàn kết nhân dân hai miền Nam - Bắc.  

Soạn giả trẻ Kinh Luân, do Duy Lân đạo diễn dàn dựng vở "Lấp Sông Gianh" với ngụ ý thống nhất đất nước qua mối tình của đôi trai gái. Đây là vở diễn tâm huyết được diễn tại rạp Công Nhân ngày 19/12/1956 (trước đây gọi là rạp Nguyễn Văn Hảo) với thời gian tập luyện mất một tháng. 

NS Thiên Kim trong vai bà nội phim Mẹ chồng nàng dâu. 

Khi công diễn, bà và các đồng nghiệp đang diễn đến đoạn mọi người trên sân khấu kéo xuống một nửa bản đồ và dưới sân khấu kéo lên nửa tấm bản đồ còn ráp lại thành hình chữ S với khẩu hiệu "Việt Nam đời đời thống nhất" thì một tiếng nổ vang lên, khói bao trùm sân khấu. Quả bom đã cướp đi sinh mạng của một nhiếp ảnh gia, một nhân viên hậu đài, nghệ sĩ Ba Khương bị thương và chết trên đường đi cấp cứu, đạo diễn Duy Lân mất một chân vĩnh viễn. Riêng bà bị thương và một số mảnh đạn găm vào người đến nay vẫn còn. 

Bà nhớ lại, thời đó nhiều nghệ sĩ cải lương thông qua vở diễn của mình lên tiếng cho sự mong mỏi thống nhất đất nước đều bị chính quyền theo dõi sát sao.

Nghệ sĩ Thiên Kim và diễn viên Minh Cường tại Viện Dưỡng lão TPHCM. 

Cuộc đời rẽ sang trang mới

Sau sự cố khủng khiếp xảy ra tại sấn khấu, Đoàn hát Kim Thoa sau một thời gian cũng giải tán, bà bước ra đời tần tảo buôn bán để nuôi con, duyên nợ không trọn vẹn với hai lần đò càng làm cho một người nghệ sĩ vốn đa sầu đa cảm dễ vỡ trở nên rắn rỏi hơn. Một mình ngược xuôi nuôi năm người con khôn lớn, thành đạt, bà nhanh nhẹn và rất nhập vai khi diễn nên chuyển qua đóng phim truyền hình, kịch nói, những vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim gồm: Huyền Trân Công Chúa, Quán gấm đầu làng, Chàng trai không biết ghen, Vĩnh biệt đàn bà, Võ sĩ bất đắc dĩ, Người bất hạnh, Đất lành chim đậu, Bên thềm hoa vẫn nở, Bỗng dưng muốn khóc, Đón con về, Vua sân cỏ, Mẹ chồng nàng dâu, Chàng trai không biết ghen, Hạnh phúc quanh đây...

Ở tuổi 80, nghệ sĩ Thiên Kim vẫn là người "đắt sô" và được nhiều đạo diễn quý mến, những bộ phim có vai bà nội bà ngoại họ đều nhớ đến nghệ sĩ Thiên Kim. Bà nói rằng, cuộc đời nghệ sĩ như một cuộc rong chơi, những đổ vỡ trong lòng hay cuộc sống không trọn vẹn nó cũng là nhân duyên mà mỗi người phải tự đứng lên sau khi vấp ngã. Với bà, nhìn vào sự trưởng thành của các con thì bà đã quên đi những khổ cực của quá khứ, với hiện tại bà sống trong viện dưỡng lão cùng đồng nghiệp một thời nên rất vui. Anh em ở đây hiểu nhau lắm, hằng tháng cứ ngày rằm, viện dưỡng lão tổ chức hát cải lương phục vụ miễn phí mọi người, tuy cao tuổi nhưng mỗi lần hát trong lòng hào hứng lắm...

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong gia đình có tiếng là cải lương nhà nòi, cha của nghệ sĩ Thiên Kim là kép độc Sáu Đỏ lừng danh (cũng là thầy của cố NSƯT Hoàng Giang), 8 tuổi bà đã theo Đoàn hát Kim Thoa đi khắp nơi, Đoàn hát Kim Thoa cô Năm Kim Thoa và nhạc sĩ Tư Chơi làm bầu. Từ những vai diễn đào con trong các vỡ "Khúc ly ca, Gánh gia đình", bà được mời về Đoàn hát Bích Thuận và nổi danh với vai công chúa trong "Tam Hoàng tử tranh hôn", vai  Điêu Thuyền trong vở "Phụng Nghi Đình". Sau đó Thiên Kim về hát đào chánh cho gánh hát Tiếng Chuông, Nam Hồng rồi quay lại hát đào chánh cho gánh Kim Thoa là gánh bà đã từng hát.
Nguyên Quỳnh

Bình luận(0)