Tại sao lấy Hà Nội làm chuẩn ngữ âm?

Google News

(Kiến Thức) - Trong số rất nhiều phương ngữ, các nhà nghiên cứu đã chọn ra tiếng Hà Nội làm chuẩn. Vậy tại sao lại có lựa chọn này?

Chính quyền Sài Gòn cũng dùng tiếng Hà Nội làm chuẩn
Câu chuyện về việc tại sao lại lựa chọn tiếng Hà Nội làm chuẩn mà không phải là tiếng Mường, Tày, Thái... là vấn đề lớn được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. PGS.TS Phạm Văn Hảo, người từng tham gia biên soạn đại từ điển tiếng Việt giai đoạn đầu đã đưa ra những câu chuyện thú vị liên quan đến việc lựa chọn này. Trong đó, phải kể đến lịch sử tiếng Hà Nội, kể từ khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán cách đây hơn 1.000 năm. Lúc này tiếng Hà Nội chỉ dừng ở phạm vi nhỏ bé là làng, khu vực tồn tại ở vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay. Khi Ngô Quyền dành độc lập, xây dựng Cổ Loa thành kinh đô thì tiếng Hà Nội bắt đầu phát triển. 
Ở giai đoạn đầu, hệ thống chính quyền nhà nước và các văn bản thành văn thường sử dụng tiếng Hán làm chữ viết, trong khi vẫn phát âm theo tiếng Hà Nội. Đến khi chữ Nôm ra đời, hệ thống văn bản thành văn mặc dù viết chữ Nôm nhưng vẫn phát âm tiếng Hà Nội. Sự phát triển này đã nói lên sức sống mãnh liệt của tiếng địa phương Hà Nội mà hiện nay được coi là phát âm chuẩn tiếng Việt. Đến thế kỷ XVII, khi Alexandre De Rhodes nghiên cứu ra từ điển tiếng Việt, trong đó ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh nhưng vẫn phát âm theo tiếng Hà Nội.
Sau khi hệ thống ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh ra đời, nó tồn tại và phát triển song song với hệ thống chữ Nôm và ngày càng được truyền bá rộng rãi với tiếng nói vẫn theo tiếng địa phương Hà Nội.
 Ảnh minh họa.
PGS.TS Phạm Văn Hảo tiết lộ: Để đưa ra được hệ thống ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, trong đó phát âm theo tiếng Hà Nội, Alexandre De Rhodes đã có nhiều thời gian lặn lội từ Nam ra Bắc nghiên cứu cách phát âm của mỗi vùng miền. Trước khi đưa ra cuốn từ điển tiếng Việt bằng chữ Latinh đầu tiên, ông đã ở kinh thành Thăng Long suốt 3 năm, ghi âm tiếng Hà Nội. Tiếp đến ông vào vùng Nam Trung Bộ nghiên cứu tiếng nói của cư dân vùng này và cuối cùng là ghi âm tiếng Nam Bộ bằng chữ Latinh. 
Sau hơn 10 năm nghiên cứu, ông đã đưa ra hệ thống chữ Latinh cùng với cách phát âm theo tiếng Hà Nội. Đến thế kỷ thứ XVIII, chữ Latinh đã được dùng trong các tác phẩm nghệ thuật, văn, thơ của Nguyễn Du, thậm chí là trong cả hệ thống văn bản nhà nước phong kiến. Vì sự dễ nhớ, dễ học của chữ viết Latinh nên nó đã phát triển hết sức mạnh mẽ trên một không gian rộng lớn. Đến thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng đã tuyên bố lấy hệ thống chữ viết Latinh làm chữ Quốc ngữ, đánh dấu sự phát triển đỉnh cao, toàn diện của hệ thống này. Trong đó, phát âm chuẩn phải theo tiếng Hà Nội.
Đến giai đoạn chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Bắc, Nam Việt Nam bị chia cắt, chính quyền Sài Gòn vẫn lựa chọn hệ thống chữ Latinh là Quốc ngữ, và phát âm theo tiếng Hà Nội. "Trước năm 1975, tôi đã từng tham gia một hội thảo với các nhà ngôn ngữ học của chính quyền Sài Gòn và thấy họ có hẳn một quy định và các hướng dẫn để viết và phát âm theo tiếng Hà Nội. Chẳng hạn như từ "con heo" phải viết là "con lợn" theo tiếng Hà Nội", PGS.TS Phạm Văn Hảo cho biết.
PGS.TS Vũ Kim Bảng (Viện phó Viện Ngôn ngữ học Việt Nam). 
"Làm gì có tiếng chuẩn!"
Trong khi tìm hiểu về những câu chuyện phía sau ngôn ngữ, chúng tôi đã nhận được những ý kiến phản biện về việc không thể gọi tiếng Hà Nội là phổ thông, là chuẩn được.
PGS.TS Vũ Kim Bảng, Viện phó Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: "Chúng ta phải hiểu rõ quy định tiếng phổ thông, phương ngữ, thổ ngữ là gì? Tiếng phổ thông là được sử dụng toàn dân, ai cũng sử dụng tiếng này. Phương ngữ là tiếng nói của một địa phương có phạm vi từ một tỉnh hoặc vài tỉnh, còn thổ ngữ là tiếng nói của một tộc người, ở phạm vi nhỏ. Xét trong quan niệm này nên phải gọi tiếng Hà Nội là "tiếng địa phương Hà Nội", còn chữ viết có thể gọi là chữ Quốc ngữ là chữ phổ thông".
Theo lý giải của ông Bảng thì "làm gì có tiếng chuẩn", bởi mỗi địa phương có một tiếng nói khác nhau. Điều này có thể nhìn rõ trên các kênh tuyền thanh, truyền hình ở mỗi địa phương cũng sử dụng tiếng nói khác nhau. Chẳng hạn, ở TPHCM, biên tập viên nói tiếng miền Nam khi lên sóng chứ đâu có nói tiếng Hà Nội. Hoặc ví dụ khác là ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, các phát thanh viên, biên tập viên đều nói phương ngữ của địa phương họ. Nếu quy định tiếng Hà Nội là phổ thông, là chuẩn thì tất cả các địa phương đều phải nói tiếng Hà Nội... Điều này chứng tỏ rằng, không có tiếng phổ thông hoặc tiếng chuẩn. Khi nói đến tiếng Hà Nội thì phải nói là "tiếng địa phương Hà Nội" đặt trong mối quan hệ bình đẳng với những phương ngữ khác.
"Chúng ta cần phải phân biệt tiếng nói và chữ viết. Có thể nói chữ viết phổ thông là chữ Quốc ngữ, nhưng không thể nói tiếng phổ thông là tiếng địa phương Hà Nội hay bất kể một vùng nào khác bởi vì nó không mang tính phổ biến".
PGS.TS Vũ Kim Bảng (Viện phó Viện Ngôn ngữ học Việt Nam)
Quách Dương

Bình luận(1)

Minh Hiền

Sáng Dân Cày

Có thể khảng định đồng nghĩa chữ La tinh thì Hà Nội lấy âm chuẩn ở một địa danh chuẩn nào đó. Muốn nói gì thì nói phải phát âm chuẩn Tiếng Việt, nếu các nhà nghiên cứu hãy đi tìm ngữ âm thì TV có 7 âm sắc nên rất phong phú ngôn từ, ở châu âu họ chỉ có 4 âm sắc. Chính vì điều này người Việt Học bất cứ ngôn ngữ nào đều phát âm chuẩn nhanh, châu âu thiếu 2 âm sắc nên họ rất khó phát âm TV. Phải đặt câu hỏi tại sao các cháu nhỏ tuổi cứ hát và phát âm bài hát T.Anh theo đĩa chỉ thời gian ngắn đi thi hát như ca sĩ nổi tiếng TG.