“Xe đạp – xe độp, cái cửa – cái cữa, Ba Vì con bò vàng – Ba Vi con bo vang…” đó là một trong số ít những cặp từ chuẩn và địa phương mà vì nó đã có không ít tranh cãi để lý giải, để bảo vệ. Và vì nó, người xưa có câu “chửi cha không bằng pha tiếng” – cái ngôn ngữ vùng miền ấy nó đã trở thành thứ bản sắc bất khả xâm phạm.
Điều gì đã tạo nên ngôn ngữ địa phương vùng miền ấy? Đã nhiều năm nay, các nhà khoa học dày công nghiên cứu, lý giải sự khác biệt giữa ngôn ngữ các địa phương, tộc người, hoặc giữa các tộc người với nhau. Mặc dù kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở giả thiết, thế nhưng điều này đã hé lộ nhiều bí mật thú vị liên quan đến nguồn gốc tộc người và sự giao thoa văn hóa, ngôn ngữ ở Việt Nam.
Lạ lùng giọng nói Sơn Tây
Từ lâu, giọng nói khác lạ của người Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Yên Sở, Hà Nội... đã thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà ngôn ngữ học và lịch sử... Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nghiên cứu và tranh luận truy nguyên nguồn gốc chất giọng lạ lùng này. Tuy nhiên, đến nay dường như cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết...
Đã nhiều lần chúng tôi đến mảnh đất Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất... và nghe người dân nói chuyện với chất giọng không giống tiếng phổ thông. Thậm chí, ngay tại trung tâm Hà Nội ngày nay như vùng Yên Sở, quận Hoàng Mai cũng có một bộ phận cư dân nói giọng giống với người Sơn Tây, Thạch Thất... Vì sao vậy? Đây là câu hỏi lớn đã tiêu tốn quá nhiều giấy mực của giới nghiên cứu khoa học xã hội trong suốt mấy chục năm ròng, nhưng đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết, và kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở những giả thiết.
Trong một cố gắng nhằm truy tìm cội nguồn của người Sơn Tây, Thạch Thất... chúng tôi đã về những địa phương này tìm hiểu nguồn gốc của các dòng họ lâu đời tại đây. Thế nhưng, trong gia phả của những dòng họ này mới chỉ khái quát xa nhất khoảng 300 năm và cũng không nói rõ trước 300 năm đó thì tổ tiên của họ ở đâu đến.
|
Biểu đồ thanh điệu giọng nói của người Sơn Tây. |
Cụ Nguyễn Viết Chiến, 90 tuổi ở thị xã Sơn Tây kể rằng: “Người Sơn Tây chúng tôi sinh ra đã mang trong mình chất giọng lơ lớ, không ai biết tổ tiên, nguồn gốc của mình ở phương nào lưu lạc đến. Khi lớn lên chỉ thấy mỗi vùng này nói thứ giọng lạ lùng đó mà có khi người nghe cũng ngơ ngác không hiểu được chúng tôi nói gì”.
Trong một trò chuyện về giọng nói người Sơn Tây với PV Báo KH&ĐS, ông Nguyễn Tài Thái, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cũng thừa nhận rằng: “Tôi đã bỏ nhiều thời gian lăn lộn ở Sơn Tây, truy tìm ngồn gốc của họ nhưng không tìm ra được manh mối nào, những người cao tuổi nơi đây thậm chí cũng không nhớ rõ nguồn gốc của dòng tộc mình từ đâu đến... điều này đã gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc ngôn ngữ, tộc người khiến chúng tôi phải căn cứ trên những đặc điểm ngôn ngữ để truy nguyên nguồn gốc của họ”.
Trong một công trình nghiên cứu chưa được công bố, ông Thái đã sơ đồ hóa giọng nói và chỉ ra sự khác biệt trong thanh điệu của người Sơn Tây so với nơi khác. Cụ thể như thanh ngang có đường nét âm điệu đi xuống. Thanh huyền, đường nét âm điệu đi ngang, ví dụ như từ “con bo vang”... Hai đặc điểm này giống với phương ngữ Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh. Thanh hỏi có đường nét âm điệu đi lên, xuống. Thanh ngã, đường nét âm điệu lên, xuống giống như thanh nặng của tiếng phổ thông. Thanh sắc, đường nét lên, xuống giống với thanh hỏi của tiếng phổ thông, biến thể này giống với thanh sắc ở một số thổ ngữ của phương ngữ Nghệ Tĩnh.
|
PGS.TS Phạm Văn Hảo cho thiên về giả thiết người Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì chính là người Mường. |
“Có thể người Mường bị Việt hóa tại chỗ”
Theo ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, người đã dành 25 năm nghiên cứu về ngôn ngữ của cư dân vùng Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Yên Sở... thì có thể đưa ra 3 giả thiết về hiện tượng này. Thứ nhất, đây là vùng sinh sống của người Mường, được Việt hóa tại chỗ. Trải qua sự tiếp xúc ngôn ngữ trong một thời gian dài, kết quả của quá trình tiếp xúc này là một chất giọng lơ lớ như ngày nay của dân Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Yên Sở...
Ví dụ như từ “con bo vang”, trong khi ngôn ngữ chuẩn phải nói là “con bò vàng”. Sau khi nghiên cứu ngôn ngữ địa phương và so sánh với ngôn ngữ của dân tộc khác thì thấy hiện tượng này giống với tiếng Mường. Ví dụ, người Sơn Tây gọi con bò là “con bo” trong khi tiếng Mường cũng gọi là “con bo, con pó”... Trong khi đó, nếu xét ở góc độ địa văn hóa thì thấy vùng Ba Vì là nơi sinh sống của một bộ phận người Mường. Từ những bằng chứng này, các nhà khoa học đã đưa ra giả thiết về việc người Mường bị Việt hóa tại chỗ cho nên mới hình thành chất giọng đặc biệt của người Sơn Tây, Ba Vì... hiện nay.
Giả thiết thứ 2, theo PGS.TS Phạm Văn Hảo đó là có sự tiếp xúc văn hóa Việt – Chăm vào giai đoạn chiến tranh Việt – Chăm thế kỷ XIV. Đây là giai đoạn chiến tranh ác liệt giữa nước Việt và nước Chiêm Thành của người Chăm ở phía Nam, đỉnh điểm của cuộc chiến là việc vua Trần Duệ Tông tử trận năm 1377 trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành. Giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến kéo dài đến năm 1390 với dấu mốc quan trọng là vua Chế Bồng Nga của nước Chiêm tử trận, chiến thắng thuộc về quân dân nhà Trần. Sau đó, nhà Trần đã cho bắt nhiều tù binh người Chăm của nước Chiêm Thành ra phía Bắc làm nô lệ, phục dịch. Sự kiện này đã được sử cũ ghi chép lại rằng, Trần Nhật Duật, một mãnh tướng của nhà Trần cưỡi voi phủ dụ người Chăm đến các trại tù binh, bởi vị tướng này biết tiếng Chăm nên ông vừa là tướng dẫn dụ vừa kiêm phiên dịch tiếng Chăm...
Do nhà Trần bắt được nhiều tù binh Chăm nên thành lập các nhà tù rải rác từ vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến các vùng lân cận kinh thành Hà Nội. Đây cũng là lý do giải thích cho những đặc điểm giống nhau trong ngôn ngữ của người Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất với vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.
Một giả thiết khác được ông Hảo đưa ra đó là hiện tượng tồn nghi của ngôn ngữ, có nghĩa là ngôn ngữ có tồn tại sự không rõ ràng. Trước đây GS Nguyễn Văn Lợi cũng đã có những nghiên cứu chứng minh giả thiết này bằng ngữ âm thực nghiệm. Trong đó chỉ ra các siêu đoạn tính trong ngữ âm, ví dụ, các từ “nhà, và, hàng...” trong tiếng Sơn Tây và từ hướng nghiên cứu này, ông đã cho rằng, người Sơn Tây chính là người Mường.
(còn tiếp)
“Trong số các giả thiết được đưa ra, tôi thiên về giả thiết thứ nhất, đó là người Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất ngày nay thực chất là người Mường bị Việt hóa tại chỗ, trải qua quá trình tiếp xúc, pha trộn ngôn ngữ làm sản sinh ra chất giọng lạ lùng như hiện nay”.
PGS.TS Phạm Văn Hảo