Bi kịch con dâu vô thánh... gặp mẹ chồng cuồng tín

Google News

(Kiến Thức) - Lần đầu tiên về ra mắt nhà chồng tương lai, tôi đã biết mẹ anh rất tín tâm (anh không cho tôi dùng từ mê tín dị đoan). Nhà tôi thì thuộc dạng vô thần vô thánh nhưng tôi nghĩ, nếu tín tâm vì mong tốt cho con  cháu, như mẹ, thì cũng chẳng sao cả.

Lấy anh rồi tôi mới biết mẹ chồng tôi thực sự không phải chỉ là tín tâm, mê tín bình thường mà có lẽ phải dùng tới từ cuồng tín. Ngay chủ nhật đầu tiên sau lễ cưới, mẹ đã làm cho vợ chồng tôi một cái lễ trả các loại nợ tào quan âm phủ, tôi không biết hết bao nhiêu tiền, nhưng chỉ riêng vàng mã để phục vụ cho cái lễ ấy đã phải chở 2 xe tải loại nhỏ.

Một năm, mẹ chồng tôi đi không biết bao nhiêu chùa chiền, làm không biết bao nhiêu lễ lạt. Nào thì sang tên đổi phận; nào thì thay tuổi thay danh, nào thì dâng sao giải hạn. Năm nào cũng thấy mẹ bảo có hạn, tháng nào cũng thấy mẹ bảo có vận...

Nói thật, nếu mẹ chồng tôi chỉ làm như thế thì tôi cũng tùy mẹ, vì mẹ già rồi, chùa chiền lễ bái, thôi thì tốn tiền một ít nhưng tâm trạng thanh thản cũng được. Nhưng mẹ còn bắt tôi phải theo. Rồi việc gì mẹ cũng quy tại số, tại phận.

Con tôi sinh non, khó nuôi, mẹ bảo mệnh nó khó, phải bán cho nhà chùa. Tôi không đồng ý, mẹ giận. Chồng tôi đi đá bóng trật khớp, mẹ cũng bảo tại hai đứa không hợp tuổi, phải làm lễ di căn đổi mệnh. Câu đầu tiên trong mọi chuyện của mẹ bao giờ cũng là “con phải duy tâm mới được”.... Rồi suốt ngày mẹ đi gọi hồn, bảo nói chuyện với người âm, rồi gọi điện thoại hàng tiếng đồng hồ bắt tôi phải nghe chuyện bác này, ông kia dưới ấy...

Tôi không báng bổ gì thánh thần cả, nhưng tôi là người sống duy lý, tôi thờ cúng tổ tiên, lễ tết vì đó là tục lệ đẹp biết ơn người đi trước của dân tộc; Tôi nghĩ duy tâm cũng không xấu, nhưng bắt người khác phải tin như mình thì không hay. Ấy thế mà lúc tôi bày tỏ ý kiến với chồng, nhờ anh góp ý mẹ đừng buộc tôi phải này phải nọ thì anh đùng đùng nổi giận, bảo tôi không vì chồng vì con...

Tôi mệt mỏi mấy cái chuyện này quá. Làm thế nào để mẹ chồng tôi, chồng tôi hiểu rằng mọi thứ chỉ nên có giới hạn, và đừng bắt ai phải đi theo đức tin của riêng mình bây giờ?
 
Nguyễn Thúy Hằng (Hoàng Cầu, Hà Nội)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáp: Trong mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, luôn có những mâu thuẫn, khác biệt. Nếu không tìm được tiếng nói chung, chúng ta sẽ cố gắng để tôn trọng và chung sống với sự khác biệt, không bắt ép, ảnh hưởng đến người khác.

Hãy đối mặt với sự giận dữ của chồng, nhẹ nhàng nói cho anh ấy hiểu, ngoài chuyện đức tin này ra, chị luôn làm mọi điều vì chồng, vì con. Việc gọi những hành động của chồng và mẹ chồng là mê tín dị đoan, cuồng tín có thể khiến hai người giận dữ, cảm thấy không được tôn trọng, vì đó là niềm tin của họ, không dễ dàng gì thay đổi.

Hãy trò chuyện thẳng thắn với chồng và mẹ chồng chị, rằng “con luôn sẵn sàng làm mọi điều tốt đẹp cho cả gia đình, từ trước đến giờ, con học hỏi và làm theo rất nhiều kinh nghiệm quý báu của mẹ. Về chuyện đức tin, mẹ có thể làm lễ lạt cúng bái liên quan đến cả gia đình, họ hàng, nhưng riêng chuyện của con và các cháu, hãy để con quyết định. Bởi vì nếu mẹ làm lễ cho con hay cháu, mà bản thân trong lòng con không thực sự tin tưởng, thì như mẹ nói, lễ đó cũng không có tác dụng.”

Chắc chắn mẹ chị sẽ không hài lòng, nhưng “mất lòng trước được lòng sau”, dần dần bà cũng sẽ quen, còn hơn chị cứ ấm ức chịu đựng mệt mỏi rồi tổn hại đến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu về lâu dài. Sau khi trao đổi rõ ràng, hãy thể hiện sự kính trọng, thương yêu đối với bà như trước, kể cả thời gian đầu bà có chiến tranh lạnh với bạn đi nữa. Tìm ra những sở thích, điểm tương đồng của hai mẹ con, cùng dành thời gian cho những mối quan tâm chung đó cũng là cách tốt để vun đắp tình cảm mẹ con, bất chấp niềm tin khác biệt.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa.

Bình luận(0)