Cụ ông cắm cờ tổ quốc vào xe đạp đi... nhặt đinh

Google News

Mang căn bệnh tê chân tay nhưng ông lại đi đạp xe nhặt đinh trên đường, coi đây là một việc có lợi cho sức khỏe và có ích cho xã hội. 

 - Một ông già năm nay 61 tuổi, bị bệnh tê chân tay, giọng nói run run, thân hình nhỏ thó nhưng hằng ngày vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp có cắm lá cờ tổ quốc đi hàng chục km để nhặt những chiếc đinh, ốc rơi trên xa lộ Hà Nội.

Khác hẳn với những người khỏe mạnh cùng tuổi, khi về hưu thì ở nhà nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, ông Nguyễn Quang Tạo ngụ tại khu Him Lam, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (TP.HCM) mang bệnh tê chân tay nhưng lại tâm niệm phải làm một việc gì đó cho cơ thể khỏe mạnh và có ích cho xã hội. Rồi ông quyết định chọn "nghề" nhặt đinh.

Ông Tạo luôn tâm niệm làm việc gì đó vừa có lợi cho sức khỏe vừa có ích cho xã hội...

Chứng kiến cảnh một ông già đầu đội chiếc mũ lưỡi chai, áo ba lỗ, quần sà lỏn cọc cạch trên chiếc xe đạp cắm lá cờ đỏ sao vàng, đầu xe treo lủng lẳng những chiếc túi, đoạn đi, đoạn dắt rồi lại cúi xuống nhặt vật gì đó, làm cho nhiều người không khỏi tò mò và đặt ra câu hỏi: Không biết ông này đang làm gì? Chẳng hiểu sao ông ấy lại phải khổ như vậy?...

Thế nhưng với ông Tạo những thắc mắc và ánh mắt soi mói của mọi người không ảnh hưởng đến công việc ông đang làm. Bởi vì ông coi đây là niềm vui, là hạnh phúc khi được làm những việc mà mình cho là có ích cho nhiều người và giúp đầu óc mình thư thái, cơ thể khỏe mạnh, bệnh giảm đi nhiều.

Và ông đã chọn "nghề" nhặt đinh trên xa lộ Hà Nội.

Ông Tạo kể lại cơ duyên đến với "nghề" nhặt đinh: Sau nhiều năm lao động cơ thể ông ngày càng rệu rã, chân tay tê không có cảm giác, khi chuyển xuống Thủ Đức, TP.HCM sinh sống do không có việc gì làm, ở nhà cả ngày nên bệnh tình càng nặng hơn. Đến bệnh viện khám, bác sĩ khuyên ông nên tập thể dục thường xuyên bằng phương pháp đi bộ hay xe đạp.

Từ đó ông bắt đầu đạp xe trên đường và nhiều lần tận mắt trứng kiến kẻ xấu rải đinh gây hại người khác, có vô số trường hợp bị thủng săm, thậm chí còn bị ngã xuống đường dẫn đến mất mạng. Trước những sự việc như vậy, bỗng nhiên trong đầu ông xuất hiện ý nghĩ mình sẽ vừa đi xe đạp vừa nhặt đinh.

3.jpg
Hàng ngày ông thường đạp xe đi nhặt đinh từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Sài Gòn.

Ông mua một lá cờ tổ quốc về buộc vào đầu xe và mua thêm chiếc túi nhựa để đựng đinh. Rồi ngày nào ông cũng đạp xe trên xa lộ Hà Nội từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Sài Gòn (hôm nào cảm thấy khỏe ông còn đạp ngược xuống đến cầu Đồng Nai), vừa đi vừa để ý xem có những cái đinh, ốc vít rơi vãi trên đường là ông nhặt cho vào túi.

Giải thích về lá cờ cắm trên xe đạp ông Tạo bảo: "Tôi cắm lá cờ này có hai ý nghĩa: Thứ nhất, đó là hình ảnh đất nước mình, nhìn thấy lá cờ là tự nhủ với bản thân sống sao cho có ích với gia đình, xã hội. Còn ý nghĩa thứ hai, tôi muốn nhắn nhủ với những kẻ dã tâm rải đinh xuống đường kia: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

4.jpg
Ông làm công việc này không phải do gia đình quá khó khăn...

Ông chậm rãi kể về một lần chạm mặt "đinh tặc": "Khi tôi đang nhặt đinh thì có hai người thanh niên rải đinh lúc trước quay lại kiểm tra, thấy tôi đang nhặt từng cái đinh một và cho vào túi, một người lại gần đặt tay giữ đầu xe gằn giọng: “Ông già kia! Ông đi nhặt đinh mà cắm cờ vào đầu xe làm gì?”

Tôi nhẹ nhàng bảo thế này: “Đây là tổ quốc mình đấy cháu”. Ngó nghiêng một lát anh thanh niên lại hỏi: “Ông rảnh lắm sao mà đi nhặt đinh?”. Tôi đáp lại: “Đã là tổ quốc mình thì phải yêu nước chứ cháu, không làm được việc tốt thì chớ nên hại người khác...”. Lườm nguýt một lát hai người thanh niên lên xe bỏ đi”.

... mà cảm thấy vui, đầu óc thư thái và sức khỏe tốt lên nhiều.

Ông Tạo cho biết: “Ấy thế mà tôi đã làm công việc này được 5 năm rồi, nghĩ lại cứ như mới ngày nào”. Từng ấy thời gian trôi qua, ông cũng không nhớ nổi mình đã nhặt được bao nhiêu kg đinh nữa. Ngày nào được nhiều ông đem cân thử thì được từ 0,3 đến 0,5kg. Những chiếc đinh, ốc vít nhặt được ông đem về nhà để, khi được kha khá bán lấy tiền làm quỹ thưởng cho các cháu nội ngoại có thành tích học tập tốt.

Như để thanh minh cho hành động của mình, ông giơ tay lên nói chậm rãi từng câu: “Bác làm thế này không phải vì nghèo, khó khăn…mà là bác làm cho vui, cho khỏe thôi, chứ nhiều người thấy bác làm họ lại hỏi và thắc mắc về hoàn cảnh gia đình”.

Nói rồi ông tiếp tục dắt xe đi mặc cho cái nắng chang chang đổ xuống, hình bóng ông nhanh chóng lẫn vào dòng xe cộ tấp nập chạy trên xa lộ Hà Nội.

Hứa Phương - Vũ Sơn

Bài đọc nhiều:

“Sinh nghề tử nghiệp“ buôn tóc xuyên Đông Dương “Sinh nghề tử nghiệp“ buôn tóc xuyên Đông Dương Tiền tỷ cũng không “bán“ bí quyết đúc đồng... Tiền tỷ cũng không “bán“ bí quyết đúc đồng... “Dị nhân“ 74 tuổi, sáng đá bóng, chiều đạp xe “Dị nhân“ 74 tuổi, sáng đá bóng, chiều đạp xe

[links()]  

 

 

Bình luận(0)