Dị nhân kê đơn thuốc qua lời kể

Google News

Dù chỉ học hết lớp 7, nhưng ông Nguyễn Thanh Bình có "biệt tài" kê đơn thuốc Tây cho bệnh nhân chỉ qua những lời họ miêu tả.

- 57 tuổi, chân bị teo cơ, lưng bị gù chỉ ngồi một chỗ, không có bằng cấp nhưng 20 năm qua ông Nguyễn Thanh Bình (Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Nội) vẫn kê đơn thuốc chữa bệnh cho người dân quanh vùng. Dù chỉ học hết lớp 7 nhưng ông có "biệt tài" kê đơn thuốc Tây cho bệnh nhân chỉ qua những lời họ miêu tả.

Vài nghìn đồng là khỏi

Thời thanh niên ông Bình rất giỏi chơi đàn, ông độc tấu nhiều bản nhạc vàng cổ điển rất hay, những bản nhạc đó làm say đắm nhiều thiếu nữ trong làng. Có cô gái bỏ cả công việc đồng áng để nghe ông chơi đàn. Có người muốn làm vợ ông, nhưng ông nghĩ tạo hóa đã sinh ra mình như vậy, ông không muốn ai đó vì ông mà hy sinh cuộc sống của họ.
Chúng tôi đến thị trấn Thường Tín, hỏi thăm nhà ông Bình "què" ai cũng biết, bởi tiếng tăm chữa bệnh của ông. Mới đầu buổi sáng nhưng trước ngõ nhà ông đã có nhiều người đang chờ đến lượt nhờ ông khám bệnh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chị gái ông Bình cho biết: "Hằng ngày tôi phụ giúp Bình lấy thuốc bán cho người dân. Trước đây tôi từng làm trạm y tế xã nên cũng có chuyên môn về y dược. Quanh năm suốt tháng, chị em tôi làm từ 5h30 sáng đến 10h30 tối. Buổi trưa và chiều tối chỉ dành ít thời gian ăn uống nghỉ ngơi lại tiếp tục công việc. Tuy Bình chỉ ngồi một chỗ, sức khoẻ không được tốt nhưng cậu ấy vẫn cố gắng chữa bệnh cho người dân".
 
Khi vào nhà, chúng tôi thấy một người đàn ông gầy gò, lưng gù ngồi khoanh chân trên tấm phản gỗ, miệng hỏi người đối diện bị bệnh gì và đôi tay cứ thoăn thoắt cắt những vỉ thuốc đưa cho bệnh nhân. Không ai bảo ai, người bệnh đứng xếp hàng lần lượt chờ ông Bình kê đơn thuốc.

Ông Bình kê đơn thuốc Tây cho bệnh nhân qua cách miêu tả về bệnh của họ, chủ yếu là những bệnh đơn thuần như đau đầu, đau bụng, cảm cúm, ho... Thuốc chữa bệnh của ông cũng không có gì đặc biệt, chỉ là thuốc tân dược bán trên thị trường. Ấy vậy mà lúc nào nhà ông cũng có người xếp hàng lấy thuốc.

Đem những thắc mắc đó, tôi hỏi bà Nguyễn Thị Nở, một người dân trong xã đến lấy thuốc. Bà Nở cho hay: "Ông Bình đã có uy tín chữa bệnh cho người dân lâu năm. Ông ấy là "bác sĩ" của nhiều gia đình quanh vùng. Người bệnh đến không chỉ lấy thuốc về uống mà ông ấy còn khám, tư vấn nên uống loại thuốc nào. Thuốc của ông cắt "mát tay" uống nhanh khỏi. Năm ngoái vào đêm tối, con trai tôi bị đau bụng quặn ở rốn, mọi người hốt hoảng lo lắng định đưa cháu đi bệnh viện, nhưng sau khi nhờ ông Bình cắt cho liều thuốc, giá chỉ vài nghìn đồng, uống khoảng lúc sau cháu đã cắt được cơn đau.
Ông Bình ngồi trên tấm phản kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Ông Bình ngồi trên tấm phản kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Thầy thuốc là tướng, thuốc là quân lính

Trời lấy đi của ông đôi chân, nhưng ông còn bàn tay và khối óc. Vì thế, ông không chịu khuất phục số phận. Trước đây, ông Bình từng bươn chải với nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như mở lớp dạy đàn, làm mây tre đan, cuộn pháo...
Gần 12h trưa chúng tôi mới được ông Bình dành cho ít phút để nói chuyện. Nhâm nhi chén nước chè trên tay, ông bộc bạch tâm sự: Khi sinh ra tôi là đứa trẻ kháu khỉnh, phát triển bình thường, nhưng từ khi lên 4 tuổi tôi bị mắc chứng bệnh bại liệt, đôi chân cứ bị teo dần và không đi được nữa.

Khi mới chớm bệnh, bố mẹ ông cũng đưa lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, để chữa. Nhưng lúc đó không có thuốc đặc trị, bác sĩ chỉ cho thuốc chống teo cơ và căn dặn, để chân được phục hồi quan trọng nhất phải tập luyện thường xuyên. Về nhà bố mẹ ông cũng nhắc nhở con tập luyện, nhưng lúc đó Bình còn nhỏ không chú ý việc luyện tập cơ chân. Vì thế, đôi chân teo dần rồi liệt hẳn.

"Từ nhỏ tôi không đi lại được nhưng tôi không chịu ngồi một chỗ mà dùng tay di chuyển, cứ nhảy cò cò như cóc nhảy, bò lết ra ngõ đi chơi cùng đám bạn. Nhiều hôm thấy tôi bò ra đường chơi, bố mẹ sợ ngã xuống ao nên ra đưa tôi về, nhưng hôm sau tôi lại trốn bố mẹ đi chơi tiếp. Tuy tôi bị liệt nhưng chơi đánh bi, đánh đáo, cờ tướng đều giỏi hơn bạn cùng lứa", ông Bình kể.

Tuổi thơ của ông nhớ nhất là những ngày tháng được người thân đưa đến trường trên lưng. Dù trời mưa hay nắng người bố luôn là bạn đồng hành đưa Bình đến trường học chữ. Những hôm bố mẹ Bình bận đi làm, những người bạn thân lại thay nhau đến nhà cõng Bình đến lớp.

Ông Bình cho hay, cơ duyên đến với nghề y xuất phát từ bản thân ông có rất nhiều bệnh. Từ bệnh bại liệt cướp đi đôi chân, rồi biến chứng ra nhiều bệnh khác. Vì thế, ông đã tự mình tìm đọc nhiều loại sách về y dược, thí nghiệm chữa cho mình trước sau đó mới chữa cho người khác. "Những bài thuốc Tây y đều có trong sách vở, các sách dịch lại từ nước ngoài để cho mọi người học và áp dụng. Vấn đề là người học như thế nào, các thầy cô truyền thụ kiến thức ra sao để học trò ứng dụng vào thực tế. Do đó, có người học được người không học được", ông Bình cho biết.

Ông Bình bảo: “Thầy thuốc như một vị tướng, các viên thuốc chữa bệnh cho người dân như những quân lính. Người thầy phải điều binh khiển tướng cho hợp lý, phù hợp với bệnh của mỗi người. Điều trị cho mọi người nhất là ở quê giá cả phải rẻ, hiệu quả thì người dân mới tin tưởng. Họ không mặc cả nhưng mình lấy giá sao cho phù hợp với túi tiền của họ. Tôi chỉ lấy tiền thuốc và ít công xá, chứ không lấy tiền khám bệnh. Mọi người thấy tôi chữa bệnh hiệu quả nên đến chữa đông".
Mới sáng mai nhưng có rất đông người dân đến khám bệnh.
Mới sáng sớm nhưng có rất đông người dân đến khám bệnh.

Chữa cho người, không thể chữa cho mình

"Cuộc đời tôi mất nhiều hơn được. Mất mát của tôi không gì bù đắp được. Nhưng số phận mình kém may mắn thì phải chấp nhận, không ai gánh chịu thay mình được. Con người không phải là gỗ đá và tôi cũng vậy. Thấy bạn bè thành đạt, có gia đình hạnh phúc tôi rất buồn. Nhưng cuộc sống còn nhiều người bất hạnh hơn. Tôi thấy mình hằng ngày vẫn tự làm việc nuôi sống bản thân, giúp ích cho người dân đã là may mắn, hạnh phúc lắm rồi", ông Bình tâm sự.

Dù "bốc thuốc" chữa bệnh cho rất nhiều người nhưng ông Bình không thể tự chữa cho căn bệnh quái ác của mình. Ông mong: "Có lúc tôi nghĩ nếu mình có điều kiện sang Mỹ chữa bệnh, nhờ các thiết bị kỹ thuật cao để kéo giãn cơ xương, giúp chân có thể đứng lên đi lại vài bước thì tốt biết bao. Ước mơ là thế nhưng thực tế thì khó mà thực hiện được. Vì thế nên giờ tôi chỉ mong sức khoẻ ổn định để được chữa bệnh cho người dân. Sống ở trên đời không làm việc thì buồn chán lắm".

Trước lúc chúng tôi ra về, ông Bình tâm sự: "Tôi cũng chỉ là người bình thường như bao người có hoàn cảnh bất hạnh khác, ai vào hoàn cảnh của tôi cũng phải cố gắng sống. Không đầu hàng, chấp nhận số phận của mình. Vượt lên những bất hạnh của bản thân để sống cho ý nghĩa".
Bệnh nhân chờ lấy thuốc.
Bệnh nhân chờ lấy thuốc.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng trạm Y tế xã Hạ Hồi cho biết: Ông Bình có kinh nghiệm khám, kê đơn thuốc Tây y cho người dân mấy chục năm qua. Chủ yếu là các bệnh đơn thuần như bệnh đau đầu, sốt cảm cúm.. mọi người rất tín nhiệm nên đến khám đông. Ông Bình không có bằng cấp, không được học về y nhưng ông tự đọc sách và được các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức về tập huấn truyền đạt các kinh nghiệm. Vì thế, ông biết về cơ chế dùng thuốc và khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bà Thu lại nói rằng, mấy năm nay ông Bình để cho người cháu có bằng cấp đứng ra đăng ký giấy phép hành nghề, ông Bình chỉ hỗ trợ thôi.
Đức Lợi

Bình luận(0)