Sắp có loại “pháo” đốt thoải mái, không bị cấm?

Google News

Sáng 17/5, tại Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), đã diễn ra hội thảo về sản xuất kinh doanh pháo hoả thuật giải trí.

Hội thảo nhằm thảo luận, làm rõ một vấn đề được dư luận rất quan tâm: Có thể đưa loại pháo hỏa thuật không gây tiếng nổ, không gây mất an toàn và ảnh hưởng tới môi trường vào sản xuất đại trà, lưu thông rộng rãi trên thị trường hay không?

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Khắc Hội, Giám đốc nhà máy Z121 cho biết: Nhà máy thành lập năm 1966, ngoài nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, hiện là đơn vị duy nhất sản xuất pháo hoa và phụ kiện nổ tại Việt Nam. Do một số phụ kiện của pháo hoa có liên quan đến phụ kiện nổ như mồi lửa điện, dây cháy chậm, thuốc phóng, thuốc màu nên trong đại lễ mừng đất nước thống nhất năm 1975, chúng tôi được giao nhiệm vụ sản xuất và trình diễn pháo hoa. Cũng từ đó, pháo hoa, pháo nổ đã được sản xuất, cung ứng cho thị trường cả nước.

Trên thế giới pháo hoa, pháo nổ được dùng rộng rãi trong các hoạt động văn hoá văn nghệ, vui chơi giải trí của tổ chức, cộng đồng, gia đình và cá nhân. Một số sản phẩm hoả thuật khác và họ gọi là pháo hoa đồ chơi, pháo hoa sân khấu. Chúng tôi gọi là pháo hoả thuật giải trí và có thể có khái niệm như sau: “Các loại sản phẩm tạo hiệu ứng ánh sáng, màu sắc, âm thanh nhưng không gây tiếng nổ”.

 Một số sản phẩm hoả thuật giải trí được trình diễn tại nhà máy Z121 trước
 cuộc hội thảo.

Tại hội thảo, Nhà máy Z121 đã trưng bày và giới thiệu tới 20 sản phẩm hoả thuật giải trí, có nhiều loại hấp dẫn đã được sử dụng trong nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hoá tập thể thời gian qua như: Ống phun nước bạc, tháp nến hạnh phúc, cánh hoa xoay, ống phun sao, ống chữ lửa, giàn phun sao trên xe đạp, ống phun viên rồng lửa, ngọn lửa nhấp nháy, đuốc lửa cầm tay màu đỏ…

Theo Đại tá Nguyễn Khắc Hội, trong Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng pháo và Thông tư số 08/2010/TT-BCA ngày 5-2-2010 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 36 thì nhóm sản phẩm pháo hoả thuật giải trí không bị cấm. Tuy nhiên, cũng có nét tương đồng của pháo hoa và pháo hoả thuật giải trí như: Dùng phản ứng tạo lửa, màu sắc, âm thanh, nên cần thiết phải có hội thảo hôm nay để các địa biểu đại diện cho các bộ, ngành thảo luận, đồng thuận việc công nhận pháo hoả thuật giải trí là một loại pháo không bị cấm. Chúng tôi kính đề nghị Bộ Công an sớm bổ sung vào khoản 3, điều 3, Thông tư 08 nội dung: Pháo hoả thuật giải trí là sản phẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, tạo điều kiện để chúng tôi sản xuất, kinh doanh pháo hoả thuật giải trí, thoả mãn nhu cầu giải trí lành mạnh của nhân dân”.

Trước hội thảo, Nhà máy Z121 đã tổ chức 2 buổi trình diễn các loại pháo hoả thuật giải trí độc đáo, được các đại biểu khen ngợi, đánh giá cao. Đại tá Nguyễn Khắc Hội cho biết thêm: “Mong muốn lớn nhất là chúng tôi là nếu được sự đồng thuận của hội thảo và của các ban ngành chức năng tới đây, chúng tôi sẽ có thể sản xuất pháo hoả thuật giải trí vào dịp Tết này phục vụ nhân dân”.

Vậy quan điểm của các đại biểu, các ban ngành chức năng tại hội thảo như thế nào? Có hay không việc pháo hoả thuật không bị cấm và được sử dụng rộng rãi? Tết Nguyên đán tới đây, pháo hoả thuật giải trí có thể được lưu hành trên thị trường không? Báo Quân đội nhân dân điện tử sẽ tiếp tục cập nhật nội dung hội thảo.
TIN BÀI ĐỌC NHIÊU

Theo Infonet

Bình luận(0)