Phụ huynh ép học đến đâu mà con tự tử?

Google News

(Kiến Thức) - Một số vụ học sinh tự tử vì sức ép học hành khiến không ít phụ huynh hoang mang, nhất là ở thời điểm liên tiếp diễn ra các kỳ thi.

Những cái chết đau lòng

Bị cha mẹ liên tục thúc giục phải cố gắng học, ôn thi cuối kỳ cho tốt, một thiếu nữ 16 tuổi đang học lớp 10 đã ra cầu lặng lẽ nhảy xuống sông tự tử. Cái chết đau lòng xảy ra vào tối ngày 14/5, nạn nhân là em Phú Thị D. ngụ tại thôn 10, xã Đắk La, huyện Đắk Hà (Kon Tum). Sau khi tìm vớt được thi thể nạn nhân, cơ quan chức năng phát hiện có một bức thư tuyệt mệnh của em D. để lại cho cha mẹ. Nội dung bức thư là lời trách móc cha mẹ ép em học quá sức của mình.

Trước đó, người dân thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cũng phát hiện thi thể một học sinh chết trôi trên sông Xáng Nàng. Nạn nhân là Huỳnh Thị Ngọc Tr. (SN 2002, ngụ ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy), học sinh lớp 5A3 Trường tiểu học thị trấn Nàng Mau 1. Khi kiểm tra tại nhà, cơ quan điều tra đã thu được một lá thư để trên bàn học với nội dung muốn đi xa. Người nhà Tr. cho biết, ba ngày trước khi gặp nạn, Trinh có bị mẹ la và đánh vì không làm bài tập.

 Gia đình ép con học tới đâu mà con em họ phải tự tử? Ảnh minh họa: Internet

Khoảng thời gian tháng 7-8/2010 cũng liên tiếp xảy ra những vụ học sinh tự tử vì cha mẹ bắt đi học thêm.

Vì mẹ ép phải đi học hè, M.Ng. 15 tuổi, học sinh lớp 8 ở TP. Tân An, Long An đã uống 30 viên thuốc Paracetamol để tự tử. Rất may, Ng. đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời, giữ lại mạng sống. Lý giải cho hành động dại dột này, Ng. nói: “Khi tỉnh dậy ở bệnh viện em cảm thấy hối hận và thương cha mẹ. Nhưng em cũng mong người lớn hiểu được suy nghĩ của em”.

Cũng khoảng thời gian đó, một học sinh nam 15 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM phải nhập viện cấp cứu ngộ độc thuốc an thần. Nam sinh này tìm đến cái chết chỉ vì bố mẹ la mắng không chịu đi học thêm. Khi được bác sĩ hỏi, cậu học sinh lớp 8 cho biết, không chịu đến lớp học thêm vì chán ngán với học ở lớp, hè là dịp để xả hơi. Bố mẹ cứ nghĩ em lười biếng và la mắng. “Cho rằng bị xúc phạm và làm nhục, nam sinh này đã uống chục viên thuốc an thần để tìm đến cái chết”- một bác sĩ ở Khoa cấp cứu kể lại câu chuyện trên. 

Một học sinh lớp 9 ở TP HCM cũng do buồn chuyện học tập đã nhảy lầu tự tử. Vụ việc xảy ra vào sáng 1/4/2010, tại Trường THCS Quang Trung (quận Tân Bình, TP HCM). Do bài kiểm tra của em Phùng Bảo Tr. (15 tuổi, học sinh lớp 9/5 Trường THCS Quang Trung) bị điểm kém nên bị giáo viên khiển trách trước lớp. Lúc đó, Trân đã khóc rồi bất ngờ chạy nhanh ra cửa lớp lao từ tầng 3 xuống sân trường. Tr. được đưa đi cấp cứu trong tình trạng gãy chân, tràn dịch phổi, chấn thương đầu và nhiều thương tích khác trên cơ thể.

Cũng vì áp lực thi cử, đã xảy ra không ít vụ thí sinh tự tử do thi trượt. Như trường hợp em Trịnh Công S. (HS lớp 12 chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Khiết, trú huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chết tại rẫy cách nhà khoảng 3km. Được biết, sau khi thi đại học, đối chiếu với đáp án, thấy bài làm của mình không tốt, S. đã bỏ nhà đi và trong lúc quẫn trí em đã uống thuốc sâu tự tử.

Trước đó, ngày 20/8/2009, em Nguyễn Thị V. (SN 1991, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã tự tử bằng lá ngón do thất vọng trước kết quả dự thi ĐH. Ngày 14/8/2006, em Nguyễn Thị Diệu T. (SN 1988, ở Nam Định) cũng đã treo cổ tự tử trong phòng riêng sau khi biết tin mình thi trượt ĐH.

Vì đâu?

Những vụ việc đau lòng trên khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo ngại, nhất là vào thời điểm các kỳ thi diễn ra dồn dập. 

"Ai chả muốn con em mình đạt kết quả học tập, thi cử cao nhất nhưng tất nhiên là không ép đến mức con stress, nghĩ quẩn. Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu học nhưng đến giờ ăn, giờ ngủ là phải nghỉ. Việc học quan trọng nhưng sức khỏe vẫn là nhất. Tôi không hiểu những gia đình kia họ gây sức ép như thế nào mà khiến chúng phải tự tử", chị Nguyễn Thị Nguyệt, phụ huynh học sinh lớp 9, THCS Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ. 

Trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa tâm lý, ĐH sư phạm TP. HCM cho rằng, những vụ việc học sinh tự tử vì áp lực học tập, thi cử xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều hình thức khác nhau: treo cổ, uống thuốc ngủ, nhảy sông... Tình trạng này cần được ngăn chặn ngay lập tức nếu không sẽ tác động tiêu cực đến suy nghĩ và định hướng hành động của trẻ mỗi khi bế tắc, dù đó chỉ là những lý do vụn vặt. 

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh tự tử, anh Hiếu cho rằng nó xuất phát từ gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân người đó. 

Về gia đình, tâm lý chung của các ông bố bà mẹ là kỳ vọng vào con cái. Thế nhưng nhiều người đã tạo áp lực bắt con phải học tập đạt kết quả tốt nhất trong thi cử và dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn. 

“Việc phụ huynh rèn luyện, đầu tư cho con cái học tập là việc tốt tuy nhiên phải biết cách thì nó mới là động lực cho con em học tập, nếu không nó là con dao hai lưỡi tạo nên những áp lực lên tâm lý và lối sống cho con em mình. Từ đó gây ra những căng thẳng dẫn đến những trạng thái tiêu cực, trong đó có tự tử. 

Ngoài ra, việc bố mẹ luôn luôn so sánh con cái mình với người khác phải bằng chúng bằng bạn, thậm chí bằng mình ngày xưa. Chính điều đó sẽ làm cho trẻ chán nản không phát huy đuợc những sở thích của bản thân. Từ đó sẽ dẫn đến những biểu hiện tiêu cực và cuối cùng của biểu hiện đó chính là tự tử”, anh Hiếu phân tích. 

Còn về phía nhà trường, theo giảng viên tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, nền giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn tạo cho học sinh những áp lực từ những kỳ thi khiến học sinh thường xuyên “nặng đầu” vì học hành, thi cử.  

“Ở các nước tiên tiến Châu Âu, học sinh chỉ học 4-6 môn văn hóa, ngoài ra là các môn học kỹ năng tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Trong khi đó, ở Việt Nam lại trái ngược hoàn toàn, học sinh phổ thông học 13 môn, thi tốt nghiệp 6 môn. Ngoài ra, các em còn phải trải qua rất nhiều kỳ thi và cùng dồn vào 1 thời gian nhất định. Vì thế khiến cho học sinh bị áp lực bài vở, điểm số dẫn đến stress và một số em đã tìm đến tự tử vì coi đó là con đường giải thoát duy nhất”, anh Hiếu chỉ ra những bất cập trong giáo dục hiện nay và mối liên quan với việc học sinh tự tử vì áp lực học tập. 

Ngoài ra, xã hội hiện đại tồn tại với tính cạnh tranh khốc liệt thể hiện ngay cả trong chuyện thi cử. Biểu hiện rõ nhất là sự chênh lệch về điểm chuẩn, tỷ lệ chọi giữa các trường qua từng năm. Chính điều này đã tạo nên áp lực cạnh tranh đối với các phụ huynh và phụ huynh lại đè lên đầu con em mình.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, theo thầy giáo “hot boy” còn có cả yếu tố bản thân. Những học sinh tự tử là do thiếu kỹ năng ứng phó với cuộc sống. Chính vì thế, khi gặp khó khăn, bế tắc trong học tập, các em dễ bị kích động dẫn đến hành động tiêu cực. 

Anh Hiếu cũng chỉ ra rằng: “Bên cạnh khối lượng kiến thức nặng, thi cử nhiều, nhiều trẻ hiện nay không có phương pháp học, không biết cân đối thời gian giữa học và chơi, lại không có bản lĩnh vững vàng trong cuộc sống nên dễ bị xáo trộn. Đôi khi chỉ vì một tác động nhỏ nhưng các em đã có những suy nghĩ tiêu cực rồi tự tử”.

Theo đó, để khắc phục tình trạng trên, anh Hiếu cho rằng, cần phải tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Gia đình nên gần gũi, lắng nghe, tôn trọng những suy nghĩ của con cái và có những định hướng đúng đắn về việc học hành của con em mình. 


Thuần Lương

Bình luận(0)