Cả nhà ngộ độc vì cho thuốc diệt muỗi vào nồi canh

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện này mới tiếp nhận và điều trị một gia đình bị ngộ độc thuốc diệt muỗi khi cho vào nồi canh vì nhầm là gia vị.

Trao đổi với Kiến Thức sáng 13/6, bà Nguyễn Thị Cương - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện có tiếp nhận vào điều trị cho 4 bệnh trong cùng một gia đình vì ngộ độc. Khi nhập viện, cả 4 bệnh nhân đều trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói, kích thích và hốt hoảng.
Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc trên là do cho nhầm thuốc diệt muỗi vào nồi canh. Giải thích với bác sĩ, gia đình cho biết, đó chỉ là sự nhầm lẫn, vì tưởng là gói gia vị.
Sau khi ăn canh khoảng 1 tiếng, cả 4 người bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như trên và đã được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hà Đông.
 Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nơi 4 bệnh nhân bị ngộ độc điều trị.
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, rất may là gia đình đã đưa đi cấp cứu kịp thời, nên cả 4 bệnh nhân không có biến chứng gì. Sau khi cấp cứu đếm ngày 11/6, bằng cách rửa dạ dày, truyền dịch và giải độc.
Tính đến thời điểm hết ngày 12/6, bác sĩ Nguyễn Thị Cương xác nhận cả 4 trường hợp ngộ độc do dùng nhầm thuốc diệt muỗi đã hoàn toàn tỉnh táo, tính mạng được đảm bảo và đã được bệnh viện cho xuất viện.
Trước đó, Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi bị ngộ độc dầu luyn dẫn đến viêm phổi nặng. Nguyên nhân do người lớn chứa dầu trong vỏ chai nước ngọt, khiến trẻ uống nhầm.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng nhầm hóa chất dẫn đến ngộ độc không phải là trường hợp hiếm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Thậm chí là ngay cả người lớn cũng dễ bị nhầm, điển hình là trường hợp cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Nghị khuyến cáo, các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em, không nên đựng hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống (chai lavie, nước ngọt…) hoặc những chai lọ không nhãn mác.
Lê Phương - Thu Hiền

Bình luận(0)