50 năm chữa trĩ bằng cây cao su

Google News

(Kiến Thức) - Đó là một phương thuốc mà thầy lang xứ Mường Nguyễn Văn An sử dụng suốt 50 năm qua để chữa trị cho những bệnh nhân mắc trĩ.

Lương y Nguyễn Văn An từng làm Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thái Bình, TP Hòa Bình thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã được học nghề bốc thuốc cứu người từ mẹ là danh y xứ Mường Nguyễn Thị Khịt.
Bài thuốc gia truyền
Xứ Mường ở Hòa Bình luôn là một vùng đất bí ẩn. Từ xa xưa, người dân tộc Mường đã biết dùng những cây cỏ quanh nhà hoặc trong rừng để chế ra những dược liệu quý. Sau bao đời, những tinh hoa ấy được các ông lang, bà mế Mường đúc rút truyền thụ lại cho truyền nhân.
Ông An là truyền nhân đời thứ 4 nắm giữ phương thuốc chữa trị bệnh trĩ. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Khịt từng là một danh y nổi tiếng khắp xứ Mường. "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động", mẹ tôi là người Mường Bi nên học được phương thuốc này từ ông nội", ông An cho biết.
Ông An chữa bệnh trĩ bằng bài thuốc từ cây cao su (cây Cùn Tịu). 
Hồi còn bé, chính mắt ông An đã được chứng kiến mẹ mình chữa bệnh theo cách đầy kỳ thú. Ví như năm 1950, đại dịch đậu mùa xảy ra đã lấy đi sinh mạng của bao nhiêu con người. "Mẹ tôi lúc ấy đã cùng những ông lang, bà mế chữa trị cho bệnh nhân. Thậm chí, bà còn đem theo thuốc xuống vùng xuôi để cứu nhiều người thoát chết", ông An nhớ lại.
Có lần, ông An thấy mẹ mình nhai trầu rồi phun vào vết thương của con trâu. Chỉ một lúc sau, đầu đạn trong thân con trâu tự rơi ra ngoài mà không cần dùng dao kéo phẫu thuật. Chính cách chữa bệnh độc đáo mang hơi hướng thần bí này đã được bà Khịt áp dụng chữa trị vết thương cho các thương binh vùng chiến khu Việt Bắc trong suốt một thời gian dài.
Nhưng theo ông An, gia truyền nhà ông giỏi nhất là chữa bệnh trĩ. Nhờ vào bài thuốc từ cây Cùn Tịu mà bao nhiêu người đã được khỏi bệnh. "Cùn Tịu tiếng Mường nghĩa là cao su. Đó là một loại cây thân leo có tác dụng làm thuốc rất tốt. Tác dụng của loại cây này là kéo búi trĩ lại vị trí ban đầu nên không cần phẫu thuật", ông An chia sẻ.
Cùn Tịu, tiếng Mường tức là "cao su". 
50 năm chữa bệnh khó nói
Theo mẹ đi chữa bệnh ở khắp nơi, đến năm 20 tuổi, ông An chính thức trở thành truyền nhân đời thứ 4 của dòng họ chuyên chữa trị bệnh khó nói. Thoắt cái đến nay đã 50 năm trong nghề, ông An không nhớ mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu bệnh nhân. 
"Ngày trước, khi tôi còn làm ở trạm xá địa phương thời kỳ chiến tranh thì bệnh nhân rất đông. Số nhiều những người bị trĩ là nông dân, nguyên nhân một phần do làm việc quá nặng nhọc. Bài thuốc từ cây Cùn Tịu hoàn toàn có tác dụng với chứng bệnh này. Hơn nữa, đó chỉ là một loại cây thân leo có sẵn trong rừng nên cũng dễ để bào chế", ông An cho biết. 
Tuy nhiên, để chữa trị có hiệu quả một cách nhanh chóng, ông An đều khuyên bệnh nhân kiêng kỵ chất tanh như tôm cua cá, kể cả thịt bò, thịt gà mà chỉ nên ăn thịt nạc thăn sau khi đã nấu kỹ. Nhất là trong thời gian đang uống thuốc thì người bệnh nên sử dụng những loại thức ăn như rau xanh, trái cây để dễ tiêu hóa. Thậm chí cần tránh căng thẳng và không làm việc hoặc vận động quá mạnh.
Phương thuốc từ cây Cùn Tịu mà theo ông An, sau khi băm nhỏ phơi khô có gia giảm vào đó một vài vị thuốc rồi đem sắc uống. Với bệnh nhân nặng, chỉ cần uống 2 thang, nhẹ chỉ 1 thang là khỏi. "Đặc tính của cây Cùn Tịu như dây cao su, có thể kéo bũi trĩ trở lại vị trí ban đầu. Phương thuốc này tôi đã nghiên cứu, còn có tác dụng giảm mỡ bụng đối với những người bụng phệ", ông An giải thích.
Trong suốt 50 năm chữa bệnh khó nói, ông An tổng kết những người hay bị bệnh trĩ là những người ít vận động hoặc làm việc với tư thế đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Đặc biệt, nhân viên văn phòng có nguy cơ bị bệnh rất cao. Thậm chí, ngay cả những người bị bệnh viêm phế quản mạn và dãn phế quản, khi bị tăng áp lực do lao động nặng hoặc ho cũng có thể bị bệnh trĩ.
Nước cây Cùn Tịu sau khi sắc. 
Lương y của người nghèo
Suốt 50 năm chữa trị bệnh khó nói, cho đến bây giờ, cuốn sổ ghi tên bệnh nhân của ông An đã lên tới hàng chục. Có những cuốn đã ngả màu thời gian, ố màu ngà bạc hoặc vàng như hun khói. Trong những quyển sổ ấy, tên và địa chỉ bệnh nhân được ghi rõ ràng. Thậm chí, còn ghi cả hoàn cảnh của từng bệnh nhân.
Trong số hàng nghìn bệnh nhân, có không ít những hoàn cảnh éo le. Có những người vì lao động quá sức mà bị trĩ; lại có những người vì nhiều lần mang nặng đẻ đau mà dẫn tới căn bệnh khó nói này. Nhưng dù hoàn cảnh thế nào, thì ông An cũng không lấy tiền bệnh nhân.
"Cái cây Cùn Tịu mình vào rừng lấy một lúc là có cả đống. Với lại, số nhiều bệnh nhân bị bệnh trĩ là hoàn cảnh khó khăn do làm việc cật lực, cho nên tôi cứ chữa được là tôi chữa. Trước tôi làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã nên cũng có lương để nuôi gia đình. Bây giờ lại có lương hưu nên có điều kiện để chữa miễn phí cho người khác", ông An bày tỏ. 
50 năm nay, ông An đã chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân. 
Chị Đinh Thị Tước, người xã Phong Phú (Tân Lạc) mắc bệnh trĩ đã lâu, khi chị khi sinh cháu thứ 2 thì bị bệnh tình ngày một nặng hơn. Vì điều kiện kinh tế nghèo khó nên không có tiền đi bệnh viện. Nghe người dân kể về ông An, chị mới nhờ chồng đưa đến. 
Sau khi thăm khám ông An đã bốc 2 thang thuốc được thái mỏng từ cây Cùn Tịu và dặn cách sắc. Đồng thời, dặn bệnh nhân kiêng kỵ những món ăn có hại trong thời kỳ uống thuốc. Chị Tước làm theo và chỉ 2 ngày sau thì bệnh trĩ gần như biến mất. Vợ chồng họ đem theo số tiền nhỏ xuống trả công nhưng ông An từ chối.
Mặc dù mới trải qua cơn tai biến, nhưng ông An vẫn cố gắng làm việc. Mỗi tháng, ông tư vấn và chữa trị cho hàng chục bệnh nhân. Tuy nhiên, vì tuổi già mới qua cơn bạo bệnh nên ông An không thể đi rừng lấy thuốc nữa. Ông bảo, nếu ai lên nhờ chữa bệnh về trĩ thì cố gắng mang theo một hoặc hai cây Cùn Tịu đã thái sẵn, ông sẽ mách cách pha chế để tự điều trị.
"Ông An có thâm niên làm Trạm trưởng Trạm Y tế 38 năm. Ngoài kiến thức về Tây y thì ông còn tham gia chữa trị bằng Đông y theo kinh nghiệm của người Mường. Hầu hết các bệnh nhân bị bệnh trĩ đến chữa đều được ông An điều trị bằng phương thuốc từ cây Cùn Tịu hiệu nghiệm này".
BS Nguyễn Thị Đào (Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thái Bình)
"Bệnh trĩ ở cấp độ nhẹ có thể tự chữa trị, nếu để chuyển sang giai đoạn nặng thì việc điều trị bệnh trĩ sẽ trở nên rất khó khăn. Thông thường thì phải có sự can thiệp của phẫu thuật. Tuy nhiên, cây Cùn Tịu khi được kết hợp với một số vị thuốc nữa sẽ có tác dụng kéo búi trĩ trở lại và không cần phẫu thuật".
Lương y Nguyễn Văn An
Trần Hòa

Bình luận(1)

Minh Hiền

minh L

Xin chào ban biên tập,em tên L, đã phải sống chung với bệnh trĩ khoảng 2 năm nay rồi. Hôm nay đọc được bài báo về cách chữa bệnh trĩ bằng cây "cao su" của người mường, em muốn xin địa chỉ của vị lương y chữa bệnh trĩ. Rất chân thành cảm ơn!!!