Tại buổi họp báo về tình hình Biển Đông do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều nay 9/5, rất nhiều câu hỏi nóng đã được các đại biểu là Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Luật gia Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam và Luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ trả lời.
|
Nhiều câu hỏi đã làm nóng hội trường buổi họp báo. |
Việt Nam không bao giờ rút tàu trước khi đàm phán
Tại cuộc họp báo, trả lời cho câu hỏi Hội luật gia Việt Nam có bình luận gì về việc Trung Quốc mới đây đã gợi ý Việt Nam rút các tàu của mình ra khỏi khu vực rồi sẽ tiến hành đàm phán, Luật sư Trần Công Trục quả quyết, không có việc Việt Nam phải rút tàu trước khi đàm phán. Đề nghị này là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Khu vực đặt giàn khoan không dính dáng gì đến Trung Quốc, hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí giàn khoan cách đảo Lý Sơn khoảng 100 hải lý, cách ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế 80 hải lý. "Rõ ràng đây không phải là vùng chồng lấn, không liên quan gì đến Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Vì vậy, Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền. “Việt Nam sẵn sàng đàm phán hòa bình, không để xung đột ảnh hưởng đến hòa bình, ta kiên trì, kiềm chế những không phải bằng mọi giá. Thái độ của Trung Quốc khi đưa ra gợi ý đó là gây sức ép và không bình thường, chắc chắn không bao giờ Việt Nam làm việc vô lý đó", ông Trục nói.
Trả lời câu hỏi "Chúng ta cần có những biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề này không?", luật sư Lê Minh Tâm cho biết, thế mạnh của Hội là phân tích lý giải các vấn đề pháp lý. Việc sử dụng biện pháp như thế nào cần có nhiều tư vấn của các tổ chức hội khác. Chúng ta phải có giải pháp mạnh mẽ và khẳng định hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp, công ước quốc tế.
|
Luật sư Trần Công Trục (cầm micro) đang trả lời câu hỏi của phóng viên các báo, đài trong nước. Ảnh: Nguyễn Hoàng. |
Hội đang chuẩn bị lập quỹ luật gia đầu tiên mang tên Phan Anh để trao giải thưởng cho những cá nhân, tổ chức có nghiên cứu xuất sắc về đấu tranh với vấn đề biển Đông.
"Thế mạnh của chúng ta là pháp lý nên phải khai thác điều này. Trong 5 năm vừa qua, Hội Luật gia thường xuyên phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về biển Đông thu hút hàng chục nước tham gia", ông Lê Minh Tâm cho biết.
Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ bị xử như thế nào?
Việc Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam, theo luật pháp quốc tế sẽ bị xử phạt như thế nào? Theo Luật sư Trần Công Trục, căn cứ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các tiêu chuẩn cụ thể cho phép các quốc gia ven biển mở rộng phạm vi vùng biển của mình, vùng này nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu như vậy là vi phạm UNCLOS, là hậu quả của việc vận dụng, giải thích có ý đồ của phía Trung Quốc để lợi dụng công ước để biến thành tài sản riêng của mình, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, để đạt được mục tiêu của mình trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Công ước đã có chế tài, quy tắc, thủ tục để các bên đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về luật biển, ta hoàn toàn có thể làm điều đó. Philippines đã làm rồi với bộ hồ sơ dày và đầy đủ, kiện lên một hội đồng trọng tài quốc tế có 5 thành viên, hồ sơ đang được thụ lý, nhận được sự đồng tình ủng hộ trong nước họ, khu vực và thế giới, vụ việc đang tiến triển tốt.
Việt Nam cũng là thành viên ký UNCLOS và cũng có thể làm điều hết sức chính đáng đó như một biện pháp hòa bình. Trong nội dung đàm thoại giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với người đồng cấp Trung Quốc cũng nêu rõ: Việt Nam sẵn sàng áp dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này. Việc đưa vấn đề này lên các cơ quan tài phán quốc tế là bình thường, đúng đắn và văn minh trong một xã hội hiện đại.
Việt Nam có nên tịch thu giàn khoan HD981 của Trung Quốc?
Hiện trên nhiều diễn đàn, có ý kiến cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tịch thu giàn khoan HD981 của Trung Quốc để thực hiện quyền tài phán và chủ quyền ở Biển Đông. Vậy ý kiến của Hội Luật gia Việt Nam ra sao?
Theo Luật sư Lê Minh Tâm, chuyện tịch thu giàn khoan trả lời rất khó. Vì chúng ta nghiên cứu, khai thác, cũng như giải đáp các câu hỏi xoay quanh việc thực thi pháp luật như thế nào, tính chính đáng, hợp pháp của nó ra làm sao. Chúng ta khẳng định hành động của Trung Quốc là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Việc giải quyết cụ thể thế nào?
Trong tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam, chúng ta yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan đó ra khỏi vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đấy là khẳng định của Hội Luật gia, còn có tịch thu được không thì câu chuyện đó khó trả lời.
Vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này để đặt giàn khoan?
Nhiều ý kiến băn khoăn vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này để đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng làm nóng hội trường buổi họp báo chiều nay. Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Trần Công Trục cho rằng, khi Trung Quốc bước một bước mới này họ đã tính toán rất nham hiểm.
|
Luật sư Lê Minh Tâm. |
Trung Quốc đã tính vào thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là các nước phương Tây, Mỹ, Nga đang có bận rộn ở Ukraina, nhân loại đang hồi hộp chờ xem điều gì đang xảy ra ở đó. Vấn đề Biển Đông mà người ta từng quan tâm không còn là vấn đề số 1 nữa.
Mỹ mặc dù tuyên bố mạnh mẽ nhưng vẫn lưu ý đến khu vực mà họ sát sườn hơn: Trung Đông, Ukraina, nên Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để nhảy vào. Trung Quốc cũng lợi dụng thời điểm các nước trong khu vực dù có tiếng nói thống nhất nhưng vẫn còn yếu tố của sự chia rẽ mà họ đã thực hiện chính sách chia rẽ khu vực này để triển khai. Rồi họ dựa vào thái độ, phản ứng của các quốc gia có lợi ích trực tiếp và gián tiếp trong quá trình họ thăm dò thử thách. Vì vậy đưa giàn khoan vào thời điểm này là sự tính toán nham hiểm của Trung Quốc mà ta cần lưu ý.
Việt Nam vận dụng Luật Biển như thế nào để xử lý tranh chấp?
Trả lời cho câu hỏi Việt Nam sẽ vận dụng luật Biển có hiệu lực mới đây trong xử lý vấn đề này như thế nào, Hội Luật gia có hoạt động tuyên truyền luật này hay không, Luật sư Lê Minh Tâm cho biết: “Chúng tôi làm theo cách của một tổ chức phi chính phủ. Tôi muốn nói thêm, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt trước hành động của Trung Quốc, Việt Nam đã thông báo với tất cả các hội luật gia trên thế giới, trong đó có tổ chức quan trọng là Hội Luật gia dân chủ thế giới với 92 nước thành viên. Chúng ta đã đề nghị. Tháng 11 năm ngoái, hội này đã ra một tuyên bố ủng hộ Việt Nam giải quyết vấn đề ở Biển Đông theo đúng Công ước Luật Biển 1982.
Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Luật Biển nên trong tuyên bố Hội đã đề nghị Trung Quốc phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển. Chúng ta sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tiếp tục đấu tranh đòi Trung Quốc phải thực hiện như vậy. Căn cứ Công ước, tất cả các thành viên nếu phát hiện thấy các vi phạm anh có thể kiện nếu thấy có đủ điều kiện và phía Chính phủ, còn Hội sẽ có ý kiến để có thể tham vấn, đề xuất. Chúng ta là tư cách hội chuyên môn thì khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm Công ước Luật Biển”.