TQ lệnh cấm bắt cá vùng chủ quyền VN là hành vi xâm lược “mềm“

Google News

(Kiến Thức) - Đơn phương ra lệnh cấm bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đang thực hiện hành vi xâm lược "mềm". Họ làm thế để thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông?

Ngoài việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động gây hấn nhằm vào các tàu chấp pháp và tàu kiểm ngư của Việt Nam. Một số tàu đánh bắt cá của ngư dân đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn mạnh miệng tuyên bố thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông bao gồm cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam từ 16/5 đến 1/8/2014.
Những hành động ngang ngược trên của Trung Quốc khiến dư luận Việt Nam và thế giới cực lực lên tiếng phản đối. Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi cấm đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là hành vi xâm lược "mềm" và những hành vi đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là hành vi trái pháp luật Quốc tế và vô nhân đạo. Nhiều ý kiến còn cho rằng, nên trang bị vũ khí cho lực lượng kiểm ngư và các tàu đánh cá của Việt Nam để họ tự bảo vệ mình trong vùng biển chủ quyền…
 Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam.
Kiến Thức có cuộc trao đổi với Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, ông Trần Cao Mưu để làm rõ các vấn đề trên.
- Tàu Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động gây hấn làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc còn uy hiếp, đâm chìm tàu cá Việt Nam, bắn đạn pháo sáng cảnh báo… ngay trong đợt cao điểm của đợt cá trên biển, ngư dân bám biển sản xuất. Ông đánh giá thế nào về những hoạt động ngang ngược này?
Đây là những hành động cực kỳ thô bạo, vô nhân đạo của Trung Quốc. Trong Luật biển, khi tàu đánh cá nào đó bị tai nạn, sóng gió nhấn chìm thì những tàu khác sẽ đến giúp.
Tuy nhiên, Trung Quốc vốn được coi là láng giềng tốt với 16 chữ vàng và 4 tốt lại thô bạo đâm vào tàu cá của Việt Nam. Những hình ảnh trong đoạn clip vào chiều ngày 26/5 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy, 4 tàu sắt của Trung Quốc đã truy đuổi, chèn ép, tấn công tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Việt Nam. Chiếc tàu Trung Quốc mang số hiệu 11202 đã tông thẳng vào đuôi tàu cá.
Sau cú va chạm mạnh, tàu của ngư dân Việt Nam nghiêng hẳn về một bên, không dừng lại, tàu Trung Quốc tiến tới đâm lần thứ 2 vào mạn tàu cá khiến nó chìm xuống. Khi tàu cá Việt Nam bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vẫn vô cảm chạy qua, không cứu ngư dân trên tàu. Những hành động vô nhân đạo này là không thể chấp nhận, không thể tha thứ. Chúng ta phải lên án mạnh mẽ hành động này, kêu gọi tính nhân văn của con người, sống với nhau phải có văn hóa dù quốc gia này với quốc gia khác.
- Nhiều ý kiến cho rằng, tàu Trung Quốc tấn công tàu đánh cá của Việt Nam, do Trung Quốc tự ý ban hành lệnh cấm bắt cá trên biển Đông bao gồm cả khu vực vùng biển chủ quyền của Việt Nam từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2014. Ông nhận định như thế nào về hành vi ra lệnh cấm bắt cá phi lý này của Trung Quốc?
Hàng chục năm nay kể từ năm 1999, từ tháng 5 đến tháng 8, Trung Quốc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên biển Đông, trong đó có cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và một số nước trong khu vực. Đây là hành động phi pháp, ngang ngược của Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, để thực thi lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc luôn huy động lực lượng lớn CSB thường xuyên có những hành động quấy phá ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Họ xua đuổi thậm chí đánh đập, phá tàu của ngư dân Việt Nam. Tất nhiên, lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc không có giá trị trên vùng biển của Việt Nam và ngư dân của chúng ta vẫn ra khơi bởi đó là vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
- Hành vi cấm đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam có phải là một trong những hành động xâm lược của Trung Quốc?
Đây rõ ràng là hành động xâm lược "mềm" của Trung Quốc. Họ làm thế để thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Những hành động này là sai trái nhưng cực kỳ nguy hiểm bởi Trung Quốc có sự tính toán, chuẩn bị chặt chẽ để thực hiện xâm lược "mềm". Nếu chúng ta im lặng, không phản ứng, không biểu hiện thái độ, Trung Quốc sẽ coi đó là tự nhiên của nó và dần dần theo thời gian biến vùng biển chủ quyền của Việt Nam thành của Trung Quốc để đánh lừa dư luận quốc tế. Hoặc có thể, Trung Quốc sẽ biến những vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp rồi tuyên bố “gác tranh chấp cùng khai thác”. Tất nhiên chúng ta phải lên án mạnh mẽ, quyết liệt ngăn chặn hành động thô bạo, nham hiểm của Trung Quốc.
- Để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc, phá vỡ hành động xâm lược "mềm", ngư dân chúng ta vẫn kiên quyết bám biển. Chúng ta cần hỗ trợ gì cho ngư dân cũng như có biện pháp bảo vệ nào để họ yên tâm đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của chúng ta?
Chúng ta luôn kêu gọi và ủng hộ, hỗ trợ để ngư dân tiếp tục ra khơi sản xuất, đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Bởi ngư dân chính là những cột mốc khẳng định vùng biển chủ quyền Việt Nam. Hơn nữa, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là đơn phương và vô giá trị với ngư dân Việt Nam. Ngoài việc khuyến khích bà con ngư dân tiếp tục bám biển thì Nhà nước cũng cần phải có những chính sách phù hợp để đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, chính sách cụ thể về mặt an sinh, xã hội cũng như việc tổ chức các đội hình tàu cá của ngư dân bám biển. Hiện nay, chúng ta có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường số lượng tàu thuyền để có thể bảo vệ vùng biển chủ quyền của đất nước một cách an toàn. Các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt hơn nữa, ngăn chặn ngay những hành động vi phạm của Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
 Ông Trần Cao Mưu (Ảnh: báo hải quan)
- Nhiều chuyên gia cho rằng, nên trang bị một số thiết bị cho ngư dân như camera quay, ông đánh giá những ý kiến này ra sao?
Những hành động xâm phạm lãnh thổ trái phép và gia tăng gây hấn của Trung Quốc với lực lượng chấp pháp Việt Nam và tàu cá của ngư dân trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã vi phạm các thông lệ, luật pháp Quốc tế đặc biệt là luật biển năm 1982, gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến năng suất thu hoạch, hoạt động lao động của bà con trên vùng biển chủ quyền. Tuy nhiên, chúng ta đấu tranh phải theo chủ trương của Nhà nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta có thể trang bị camera quay để ngư dân quay lại bằng chứng nếu bị tàu Trung Quốc gây hấn hay làm hư hại.
Trên thực tế, tàu Trung Quốc trang bị máy phun nước cực lớn, vũ khí, đâm tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt Nam nhằm để gây sức ép với ngư dân. Nếu chúng ta không bình tĩnh, trang bị vũ khí cho ngư dân mà để xảy ra xung đột thì sẽ bất lợi cho chính chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần đấu tranh bình tĩnh, tỉnh táo, kiên trì, đấu tranh một cách đúng pháp luật. Mặc dù Trung Quốc liên tục tìm cách gây hấn, hành động manh động nhưng ngư dân ta, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam vẫn luôn bình tĩnh, đấu tranh một cách kiềm chế. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng vì chính nghĩa thuộc về Việt Nam, thế giới đang ủng hộ chúng ta. Khi nào buộc phải cầm súng thì bất cứ giá nào mình cũng phải cầm súng nhưng khi chưa cần thiết thì chúng ta chưa cần phải trang bị vũ khí cho ngư dân.
Xin cảm ơn ông Trần Cao Mưu về cuộc đối thoại này!
Hải Ninh

Bình luận(0)