Xôn xao UBND huyện Ba Vì “trốn” BHXH của 38 người

Google News

(Kiến Thức) - UBND huyện Ba Vì lý giải việc ký hợp đồng lao động 1 năm với  38 nhân viên và không tham BHXH là để họ "học hỏi kiến thức". Theo luật sư, như vậy là vi phạm luật lao động.


Hợp đồng dấu đỏ... thỏa thuận bằng miệng

Đến lúc này có khá nhiều lao động đã và đang làm việc tại các phòng, ban của UBND huyện Ba Vì, Hà Nội bức xúc. Họ được cơ quan này ký hợp đồng lao động với thời hạn 1 năm (12 tháng) và hưởng mức lương tối thiểu là 1.050.000đ/ tháng/người nhưng lại không được tham gia đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội (BHYT, BHXH).

Các nhân viên hợp đồng làm việc như nhân viên biên chế.

Trao đổi với PV Kiến Thức, một nhân viên hợp đồng 1 năm không được đóng BHYT, BHXH cho biết: "Hợp đồng được UBND huyện ký có dấu đỏ hẳn hoi nhưng chúng tôi chẳng được hưởng gì từ chế độ xã hội. Tiếng là tốt nghiệp ĐH, đi làm cho Nhà nước nhưng chẳng khác mấy anh lao động chân tay, cứ ráo mồ hồ thì hết tiền”.

Anh Tứ (trái) và anh Đề là những nhân viên không được đóng bảo hiểm.

Anh Nguyễn Quang Đề (30 tuổi, ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) – nhân viên Phòng nội vụ huyện nói: “Tôi ký hợp đồng lao động từ năm 2011 có thời hạn 1 năm nhưng không được đóng BHYT, BHXH”.

Còn anh Trương Văn Tứ (ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội), cũng là nhân sự Phòng nội vụ huyện tâm sự: “Tôi ký hợp đồng lao động với UBND huyện Ba Vì từ tháng 12/2012 với thời hạn 1 năm, không được đóng BHYT cũng như BHXH. Với số lương 1.050.000đ/tháng, tôi nghĩ là rất eo hẹp với cuộc sống hiện tại, nhưng vẫn phải cố gắng làm việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để được UBND huyện xét chỉ tiêu biên chế”.

Hỏi về khả năng vào được biên chế, anh Tứ cười: “Mình phải cố gắng hơn, biết làm thế nào được, tình thế phải vậy”.

Làm việc với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Lê Dũng – Phóng trưởng phòng Nội vụ, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Ở UBND huyện Ba Vì có 38 hợp đồng lao động  được ký với thời hạn năm theo vụ việc không được đóng BHYT, BHXH. Trước khi ký với người lao động và căn cứ theo thực tế, đồng thời có thỏa thuận là không có BHYT, BHXH. Ngoài lương ra, các nhân viên này không có khoản gì thêm”.

 Ông Nguyễn Lê Dũng trao đổi với PV Kiến Thức

Về vấn đề hợp đồng lao động của các nhân viên trên, ông Dũng nói: “Đa số hợp đồng ký với các nhân viên chủ yếu thỏa thuận bằng miệng (thỏa thuận không đóng bảo hiểm - PV). Việc ký hợp đồng là căn cứ vào tiêu chí hàng năm của UBND huyện, ngoài ra là để các nhân viên này thêm kiến thức để thi công chức”.

Nhưng ông Dũng cho biết thêm, bắt đầu từ năm 2013 sẽ không ký hợp đồng như trước với các nhân viên này nữa. “Các phòng, ban có nhu cầu sẽ bố trí công việc cho các nhân viên làm theo thời vụ, hợp đồng thời vụ để các cháu có công ăn việc làm.

Các nhân viên làm ở UBND đã có hợp đồng thời vụ 1 năm, ai muốn đóng bảo hiểm tự nguyện thì đóng còn UBND không đóng cho. Trong 38 trường hợp ký hợp đồng 1 năm với UBND huyện Ba Vì đều có bằng cấp và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi làm việc tại các phòng, ban”.

Lý do "trốn" BHYT, BHXH

Trước việc các giáo viên, nhân viên ký hợp đồng 1 năm trên địa bàn vẫn được đóng bảo hiểm trong khi những người làm việc ở UBND huyện thì không, ông Dũng cho rằng: “Đó là những người ký theo luật viên chức của tỉnh Hà Tây cũ nên được đóng”.

Ông Dũng đề nghị: “Huyện Ba Vì là địa bàn rộng, mỗi năm chỉ tiêu công chức lại thấp nên rất mong UBND TP Hà Nội tăng chỉ tiêu thi công chức cho huyện để những lao động trên địa bàn huyện bớt thiệt thòi”.

Hợp đồng dấu đỏ thỏa thuận bằng miệng?

Ths Mai Đức Tân - Công ty luật hợp danh Incip – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì đơn vị sử dụng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, nếu UBND huyện Ba Vì tuyển dụng và ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với người lao động mà không tham gia bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật lao động và xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động liên quan đến các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần có biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên.

TIN LIÊN QUAN


Hải Ngọc

Bình luận(0)