Gặp cụ ông biết “thần chú” chữa bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Cụ Nguyễn Huy Giang (tổ dân phố Hồng Bàng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bước sang tuổi 97, nhưng những câu "thần chú" chữa hóc xương của cụ vẫn còn rất hiệu nghiệm.

Cách đây 4 năm về trước tôi đã về thăm cụ, được mục sở thị cách chữa hóc xương của cụ đơn giản mà hiệu quả. Về thăm cụ lần này tôi thấy cụ vui hơn, bởi các con cụ sau bao nhiêu năm bươn trải kiếm sống, đã xây cất được căn nhà mái bằng, đón cụ về ở. Cụ đã truyền được câu "thần chú" chữa hóc xương cho người cháu nội của mình.

"Chỉ cần biết tên tuổi, địa chỉ chữa là khỏi"

Sau khi từ nhà cụ Giang về Hà Nội, tôi vẫn còn hơi áy náy. Bởi khi vào thăm cụ, tôi vội vã quá đến mức quên mua quà bánh để biếu cụ. Khi đến thị trấn Thanh Lãng theo trí nhớ tôi rẽ vào một ngõ nhỏ tìm căn nhà cấp 4 cũ nát bên bờ ao, mái nhà mà cụ Giang đã gắn bó. Một người trong ngõ nói rằng cụ Giang giờ không ở dưới này nữa, cụ đã được con cháu đón về ở cùng.

Gặp lại cụ, dù năm nay đã bước sang tuổi 97 nhưng tôi thấy cụ Giang vẫn còn rất minh mẫn, bước chân của cụ vẫn còn hoạt bát. Cụ bảo, những người đến nhờ cụ chữa thường là người nghèo, bị hóc xương ở những vị trí khó mà các bệnh viện khó có thể lấy xương ra. Khi họ đã nhờ đến cụ là cụ chữa, cụ không bao giờ đòi hỏi tiền thù lao. Cụ không nhớ nữa, hơn 60 năm qua đã chữa cho biết bao nhiêu người khỏi hóc xương.

Chỉ cần xếp ba chiếc que thẳng hàng, đọc “thần chú”, người hóc xương
có thể khỏi. 

Đặc biệt có những trường hợp ở xa hàng nghìn cây số, không cần gặp trực tiếp, cụ chỉ cần biết tên tuổi, địa chỉ chữa vẫn khỏi. "Năm ngoái có vợ chồng anh Lê Văn Trọng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đến nhờ tôi chữa hóc xương cho con trai. Họ cầm trên tay tờ Báo KH&ĐS nói rằng nhờ tờ báo này mà họ đã tìm được tôi".

Người vợ mếu máo trình bày với cụ Giang rằng, vợ chồng chị thuộc dạng hiếm muộn. Lấy nhau về 7 năm mới sinh được cậu con trai. Giờ người con trai đó đã được 9 tuổi, nhưng do ăn uống bất cẩn đã nuốt cả chiếc xương gà xuống cuống họng. Vợ chồng chị đã đưa con đến bệnh viện để lấy xương ra, nhưng khi kiểm tra bác sĩ nói chiếc xương gà đã mắc sâu vào góc khuất trong cuống họng, không thể dùng thiết bị gắp xương ra được. 

Vợ chồng họ đưa con đi chữa nhiều nơi, nhưng vẫn không được. Lần này họ lặn lội đến tận nhà cụ Giang với ý định mời cụ vào An Giang ra tay "cứu mạng" con trai họ. Nghe nói vậy, cụ Giang hỏi tên tuổi, địa chỉ của cậu bé và cho họ gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình sức khoẻ của con mình. Anh Trọng gọi điện về nhà tiếng cậu bé vừa khóc vừa kêu đau đớn, chiếc xương gà vẫn còn nằm trong họng. 

Cụ Giang để vợ chồng anh Trọng trong nhà uống nước, cụ ra ngõ "làm phép" đọc câu "thần chú" xin cho cậu ta khỏi hóc xương. Khoảng chừng hơn 30 phút sau cụ Giang vào nhà bảo vợ chồng họ gọi điện lại thì người con trai vui mừng thông báo chiếc xương đã trôi xuống dạ dày.

Vợ chồng anh Trọng thán phục tài chữa hóc xương của cụ Giang sát đất. Lúc đầu họ đặt lễ một triệu đồng, sau đó họ đặt thêm hai triệu đồng nữa. Nhưng cụ Giang cương quyết từ chối. Cụ Giang nói: "Thầy tôi dạy rằng cứu người là chính, chỉ nhận 50 nghìn đồng gọi là tiền thuốc nước thôi. Bao nhiêu năm qua, tôi chữa bệnh chưa bao giờ lấy của ai quá số tiền đó. Dù tôi biết rằng, nếu họ đi viện chắc chắn họ phải bỏ ra tiền triệu. Nhưng tôi nghĩ, mình chữa bệnh để phúc cho con cháu. Nhiều nhà hoàn cảnh khó khăn, khi tôi chữa khỏi bệnh họ biếu chè thuốc tôi còn không lấy".

Cụ Giang nhổ cây cà dại trong vườn để cắt cơn trẻ mới sinh quấy khóc. 

Đã tìm được truyền nhân

Ngoài chữa hóc xương, cụ Giang còn có biệt tài cắt những cơn khóc của những đứa trẻ mới sinh. Cụ Giang cho biết, những đứa trẻ mới sinh khoảng vài tháng thường khóc suốt đêm, có cháu khóc ròng rã cả tháng trời. Trẻ con mới sinh ra khóc nhiều là đúng, nhưng cháu nào khóc đến cả tháng trời thì cũng có vấn đề, nếu như không phải ốm đau bệnh tật thì là do phải vía. Vì thế, nhiều gia đình nhờ tôi đến đốt vía.

"Cách đây 4 hôm chị Lưu Thị Thắng (thôn Đồng Xáo, thị trấn Thanh Lãng) nhờ tôi đến nhà đốt vía cho con. Chị Thắng nói khi sinh ra ở viện mấy hôm thì cháu rất ngoan, nhưng từ khi về nhà, đêm nào cháu cũng khóc. Tôi bảo chị lấy ít lá cà dại để trong phòng, đốt bó hương và cắm vào sát chân tường gần phòng cháu ngủ. Sau đó tôi dùng dùi đục đục vào tường, vài ngày sau đứa bé không khóc nữa".

Cụ Giang giải thích, những đứa bé hay quấy khóc là do vía người đến thăm xấu, làm cho đứa bé sợ, sinh ra hay khóc. Vì thế, cụ phải "làm phép" như thế để đuổi vía xấu ra khỏi đứa trẻ.

Biết biệt tài của cụ Giang, có lần một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mời cụ về chữa cho bệnh nhân, nhưng cụ từ chối. "Ai biết đến tôi, tìm đến nhà thì tôi chữa, tôi không muốn làm cho bất kỳ cơ sở y tế nào, như thế mang tính chất thương mại. Tôi còn sống, chỉ muốn làm phúc cho mọi người", cụ Giang tâm sự.

Cụ Giang sinh được 4 người con, điều cụ mong mỏi suốt bấy lâu nay là sẽ truyền lại câu "thần chú" chữa hóc xương cho các con mình. Cụ đã thử truyền, nhưng rồi không có ai học được. Cụ sẽ rất buồn bã nếu sau này cách chữa hóc xương của cụ bị thất truyền. Nhưng may mắn thay, cuối năm ngoái người cháu đích tôn của cụ đã học được bí quyết chữa hóc xương của cụ. Như thế tâm niệm bấy lâu nay của cụ đã thành hiện thực. Sau này cụ nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng.

"Tôi mới học được cách chữa hóc xương bằng "thần chú" của cụ Giang. Thực sự để học cách chữa này không khó, nhưng không phải ai học cũng chữa được. Phải là người có duyên, có tâm đức tốt chữa mới hiệu nghiệm. Tôi đã chữa được cho vài trường hợp bị hóc xương", anh Nguyễn Huy Hưng, cháu nội của cụ Giang cho biết.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU
Đức Lợi

Bình luận(0)