Lâu rồi không có ai về xem chúng tôi biểu diễn

Google News

(Kiến Thức) - Sau đợt Thụy Điển về làm phim, rối nước làng Ra (nay là làng Phú Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) vắng bóng khách.

Phường rối Ra nghìn năm tuổi

Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Trưởng phường rối nước làng Ra cho biết: "Tôi không biết làng chúng tôi có phải là cái nôi của múa rối nước không. Nhưng tính ra làng chúng tôi biết múa rối hơn nghìn năm nay. Theo truyền thuyết kể lại rằng, vào thế kỷ XI, sau nhiều năm tu hành ở Trung Quốc và Ấn Độ, trên đường vân du, thấy đất Sài Sơn (Quốc Oai) phong cảnh hữu tình, dân cư trù mật, Pháp sư Từ Đạo Hạnh đã cho xây dựng chùa Thầy làm nơi tu hành. Ở đây, Ngài đã dạy cho dân làng Ra hát chèo, múa rối nước và để lại ba mẫu ruộng ở xứ Đồng Vai cho phường rối làm vốn. Số ruộng đất này sản xuất để phục vụ hoạt động của phường rối của làng".

Vì thế hằng năm, vào dịp lễ hội Chùa Thầy (từ mùng 5 - 7 tháng Ba âm lịch) phường rối làng Ra biểu diễn các tiết mục múa rối nước để tưởng nhớ ông tổ nghề múa rối, đã dạy nghề cho dân làng.

Rối nước làng Ra có khoảng thời gian ngừng hoạt động, đó là những năm chiến tranh. Nhưng khi hòa bình phường múa rối hoạt động trở lại. Họ là những nghệ sĩ không chuyên nhưng rất gắn bó với công việc "Phường múa rối làng Ra hiện có 20 người, trong đó có nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt các cụ già ngoài 80 tuổi nhưng rất nhiệt tình với công việc. Những người trong phường rối đều có hoàn cảnh khó khăn. Hằng ngày họ bươn trải nhiều nghề để kiếm sống. Nhưng mỗi khi có đơn vị nào mời đi biểu diễn họ đều rất hăng hái tham gia. Họ tham gia không phải vì thù lao, muốn mọi người biết đến truyền thống múa rối của làng", ông Đoàn cho hay.

Ít bạn trẻ quan tâm tới múa rối. 

"Chúng tôi còn thì rối nước làng Ra còn"

Ông Đoàn bảo, những trò múa rối được dân làng đúc kết từ những kinh nghiệm sản xuất như nhảy qua vòng lửa, giã gạo, cướp cờ... Những trò chơi này gần gũi với cuộc sống của người nông dân. Nhân vật trong các vở diễn là những con vật gắn bó với người nông dân. Như con nghé lội ruộng, con trâu đi bừa. Để ca ngợi, khích lệ tinh thần làm việc của người nông dân.

Trước đây trong tour du lịch của khách nước ngoài đến Hà Nội, làng Ra cũng là điểm đến. Người nước ngoài họ rất quan tâm tới múa rối. Ông Đoàn kể: "Mấy năm về trước người nước ngoài họ về nhìn thấy chúng tôi biểu diễn các tiết mục múa rối họ thích lắm. Họ thuê cả đoàn chúng tôi biểu diễn để xem. Thậm chí có đoàn phim bên Thụy Điển về đây dựng bộ phim về làng múa rối. Họ ăn ở trong làng vài năm trời để tìm hiểu cuộc sống của những người dân quê tôi. Họ nghiên cứu từng trang phục, động tác của người múa rối. Người dân phấn khởi vì nghề truyền thống được quan tâm".

Đó có lẽ là thời hoàng kim nhất của phường múa rối làng Ra. Mấy năm gần đây khi kinh tế bị suy thoái, Nhà nước cũng ít quan tâm với bộ môn nghệ thuật này. Phường rối làng Ra cũng thưa vắng dần khách du lịch lui tới. "Lâu rồi không có đoàn khách nào về xem chúng tôi biểu diễn. Nhưng chúng tôi xác định đây là môn nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại, dù xã hội không quan tâm chúng tôi vẫn duy trì nghề. Khi nào chúng tôi còn thì rối nước làng Ra còn", cụ Nguyễn Văn Bình, 85 tuổi cho biết.

 Cụ Bình và cụ Lương là hai người cao tuổi nhất của phường rối làng Ra.

Rối nước làng xuất ngoại

Không chỉ tham gia các hoạt động văn hóa trong nước, rối nước làng Ra tự hào đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới để biểu diễn và được yêu quý. Đó là lời của cụ Nguyễn Hữu Lương (83 tuổi), người đã gắn bó gần như suốt cả cuộc đời với rối nước. Cụ Lương cho biết: "Gia đình tôi vốn có truyền thống múa rối, ông tôi, bố tôi trước đây đều là "trùm" rối nước, đào tạo cho nhiều thế hệ theo nghề. 17 tuổi tôi được ông nội đưa vào phường rối. Lúc đầu vào phường rối chỉ được cử đi chăn trâu, cắt cỏ cơm nước cho các cụ. Dần dần các cụ mới dạy đục đẽo làm ra con rối đến cách buộc dây điều khiển rối. Tôi vừa học vừa tập làm vài năm có thể làm tất cả công việc trên sân khấu múa rối".

Cụ Lương là người cao tuổi nhất nhì phường rối làng Ra, nhưng hễ nơi đâu mời đoàn đi diễn cụ đều hăm hở tham gia. Những chuyến xuất ngoại để lại nhiều kỷ niệm trong cụ. "Cách đây mấy năm phường rối chúng tôi được Đài Loan mời sang biểu diễn. Tôi đi biểu diễn nhiều nơi, chưa thấy nơi đâu hiếu khách như bên đó. Họ rất quý những người biểu diễn múa rối. Khi họ thích một tiết mục nào đó, họ hỏi cụ thể người điều khiển con rối đó để tặng quà. Có khi họ muốn mua lại chú rối đó. Về giá trị tiền bạc không nhiều, nhưng thực sự chúng tôi rất xúc động trước cử chỉ đó. Biểu diễn ở đất khách quê người được trọng dụng như vậy còn gì hơn. Tuy nhiên, cũng có nơi chúng tôi chỉ được tán thưởng bằng những tràng pháo tay. Như thế cũng vui rồi", cụ Lương nhớ lại.

Cụ Lương khôi phục những chú rối chuẩn bị đi biểu diễn. 

Mong mỏi hai từ nghệ nhân

Cụ Lương tâm sự: "Múa rối nước đã ngấm vào máu chúng tôi, đi biểu diễn để duy trì và phát triển môn nghệ thuật truyền thống. Nếu chúng tôi nghĩ đến lợi ích kinh tế thì có lẽ làng Ra không còn ai múa rối nữa. Đi biểu diễn rối chỉ là vì niềm đam mê, còn đa số những người hoạt động trong phường rối đều làm thợ mộc, thợ nề, chăn nuôi. Nhiều khi chúng tôi còn mang tiền nhà chi phí vào việc ăn ở đi lại. Trong khi đó một chuyến đi biểu diễn không đủ tiền mua quà cho con. Cách đây 10 năm về trước cả ngày lội xuống nước múa rối thù lao chỉ được 1 nghìn đồng".

"Làng chúng tôi múa rối hơn nghìn năm, nhiều đời, nhiều thế hệ trong làng gắn bó với con rối, nhưng chưa được xã hội trọng dụng. Những người cả đời gắn bó với con rối như chúng tôi không mong mỏi gì hơn, chỉ mong sao được Nhà nước công nhận là "Nghệ nhân múa rối". Trong khi đó nhiều ngành nghề khác, có người chỉ hoạt động vài năm đã được tổ chức này, đơn vị nọ phong tặng là nghệ nhân. Cũng vì lẽ đó giờ thế hệ trẻ không nhiệt huyết với nghề truyền thống của cha ông", ông Đoàn than thở.

"Phường rối nước làng tôi từng tham gia trong các sự kiện long trọng của đất nước. Từng đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Để bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này chúng tôi cũng mong mỏi Nhà nước có sự quan tâm hơn nữa để khích lệ tinh thần mọi người tham gia. Để duy trì hoạt động, phường rối chúng tôi đã nhận biểu diễn dài hạn với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam một tháng 4 lần".
Ông Nguyễn Hữu Đoàn (Trưởng phường rối nước làng Ra) 

Đức Lợi

Bình luận(0)