Làng rắn Lệ Mật thành “phố” ẩm thực

Google News

(Kiến Thức) - Làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề nuôi rắn. Nhưng giờ đây khi đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, người dân phá chuồng nuôi rắn xây nhà ở. Nhiều nhà hàng ẩm thực rắn mọc lên.

Phá chuồng rắn lấy đất xây nhà

Ông Trương Bá Huân, Chủ nhiệm HTX, Trưởng ban Quản lý làng nghề Lệ Mật cho biết: Nghề bắt rắn, nuôi rắn không biết có từ bao giờ. Nhưng căn cứ vào sử sách còn lại thì làng nghề chúng tôi có từ vài trăm năm trước. Những năm 80 thế kỷ trước, Lệ Mật là trung tâm cung cấp rắn cho cả nước. Rắn từ khắp các nơi đổ dồn về Lệ Mật, xuất khẩu sang cả Trung Quốc. Bắt rắn, nuôi rắn trở thành nghề kiếm sống của dân làng Lệ Mật. Từ đàn bà đến trẻ con, ai cũng biết bắt rắn. Rắn cũng là món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày.

 Tuy thoát chết, nhưng ông Triệu mang thương tật suốt đời vì rắn cắn.

Nhờ có rắn mà dân làng thoát nghèo, nhiều gia đình có của ăn của để. Đó cũng là giai đoạn huy hoàng nhất của nghề nuôi rắn Lệ Mật. “Nhưng đến năm 1993, Nhà nước ban hành Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có rắn. Từ đó nhiều người chuyển sang nghề khác kiếm sống. Đến năm 2006, tôi nghe nói trên xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có làng nuôi rắn. Tôi cùng một số anh em trong xã lên trên đó xem cách thức họ nuôi và về xây dựng đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề rắn Lệ Mật, kết hợp du lịch ẩm thực”. Được chính quyền quận Long Biên phê duyệt, chúng tôi mua rắn giống, nhờ các chuyên gia hướng dẫn cách nuôi”, ông Huân cho hay.

Cũng theo ông Huân, trước đây mọi người nuôi rắn tự do, nhưng bây giờ phải có sự quản lý của chính quyền địa phương. Các hộ phải xin giấy phép chăn nuôi, đảm bảo đủ điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường mới được nuôi. Phải mất 12 năm gián đoạn, làng nghề nuôi rắn Lệ Mật mới trở lại ổn định. Hiện, làng có khoảng 30 hộ được cấp phép nuôi rắn.

Ông Huân đưa ra con số mà ai cũng phải giật mình: “Năm 2011, trong làng có tới hơn 500 hộ xây nhà mới, họ được đền bù do các công ty mua đất làm khu công nghiệp. Đồng nghĩa với đó, hàng loạt chuồng rắn bị phá bỏ. Họ không còn tha thiết với nghề nuôi rắn nữa. Giờ, một số ít hộ chăn nuôi rắn cũng chỉ để duy trì nghề truyền thống và kết hợp kinh doanh ẩm thực”.

“Vua rắn” cũng suýt mất mạng vì rắn

Chúng tôi gặp ông Trương Xuân Triệu (62 tuổi) được dân làng Lệ Mật gọi là “vua rắn”. Ông là một trong những người thợ bắt rắn giỏi trong làng. “Gia đình tôi nhiều đời làm nghề bắt rắn. Thuở còn để tóc trái đào, tôi đã cùng bố đi bắt rắn, một buổi đi học, một buổi đi bắt rắn. Lớn lên, tôi theo anh em làm nghề bắt rắn kiếm sống”, ông Triệu nhớ lại.

 Nhiều nhà cao tầng mọc lên, nghề nuôi rắn mai một.

Ông Triệu từng đi bắt rắn tận Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Ông còn nhớ rất rõ, cái lần mấy anh em ông lên Thái Nguyên bắt rắn, lúc về bom đạn làm hỏng đường tàu, phải vào nhà dân ngủ nhờ, vừa đói vừa khát. Mấy anh em đi bộ ròng rã cả tuần lễ mới về đến nhà.

Ông Triệu bảo: “Ngày đó, rắn nhiều lắm, từ rắn ráo, rắn nước đến rắn hổ mang... Một ngày bắt được vài cân rắn là bình thường. Nhưng giá rẻ quá, mỗi con rắn chỉ đổi được một bò gạo. Rắn bắt về bán cho HTX Lệ Mật, một phần để xuất khẩu sang Trung Quốc, phần để lột da, lấy mật ngâm rượu và phần lớn để bán cho người dân ăn. Mãi sau này có người trong làng học được cách cách lấy nọc rắn làm thuốc”.

“Bắt rắn trở thành nghề kiếm cơm của người dân Lệ Mật, nhưng rắn cũng lấy đi sinh mạng của nhiều thợ rắn. Có người chết do bị rắn độc cắn, có người mang thương tật suốt đời. Người bác ruột của tôi với hơn 40 năm kinh nghiệm bắt rắn, cũng bị rắn hạ độc”, ông Triệu buồn rầu nói.

Thấy tôi nhìn vào vết sẹo khá lớn ở cổ tay, ông Triệu giải thích: “Hơn 30 năm về trước, nghe nói trong Sài Gòn nhiều rắn, tôi vào đó hành nghề. Một hôm, tôi bắt được con rắn hổ mang nặng khoảng 3,5kg. Trong lòng cảm thấy rất vui vì sẽ được khoản tiền kha khá. Khi vừa mở túi ra để bắt rắn bán cho khách, do sơ ý tôi bị nó cắn vào tay. Tôi chỉ kịp nhờ người khách vuốt máu độc ra, dùng dây buộc chặt tay lại để nọc độc không ngấm vào trong, sau đó tôi ngất lịm không biết gì nữa. Một tuần lễ sau, người nhà mới đưa tôi về Hà Nội chữa trị. Chất độc không ngấm vào người nên tôi thoát chết. Nhưng phần thịt ở tay bị hoại tử, bác sĩ phải nạo tận vào xương, giờ đây bàn tay mang tật suốt đời”.

Nuôi rắn phục vụ ẩm thực

Sau vụ chết hụt đó, ông Triệu đã quyết định chia tay với nghề bắt rắn để mở cửa hàng ẩm thực về rắn. Hiện ở làng Lệ Mật, hệ thống nhà hàng ẩm thực mang tên Quốc Phương, Quốc Triệu đều của gia đình ông. Ông Huân cho biết thêm, kể cả 30 hộ đăng ký nuôi rắn, nhiều hộ cũng không nuôi nữa nên các nhà hàng chủ yếu nhập rắn từ Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Chúng tôi đến thăm trang trại rắn của nhà hàng Quốc Phương. Đây là nơi nuôi rắn lớn nhất làng. Anh Nguyễn Văn Khải, người trực tiếp chăm sóc rắn cho biết: “Chúng tôi nuôi rắn được 8 năm nay, chủ yếu là rắn ráo trâu, hổ mang bành. Mỗi năm chúng tôi xuất chuồng hàng tạ rắn. Ở đây vừa nuôi rắn thương phẩm chế biến món ăn cho thực khách, vừa nuôi rắn sinh sản. Nuôi rắn không khó, quan trọng là phải biết đặc tính sinh học, cơ chế ăn uống sinh hoạt của rắn. Rắn rất kén thức ăn. Trước đây chúng tôi cho ăn cóc, giờ cóc hiếm nên phải mua gà mới nở cho rắn ăn. Vào mùa đông, rắn không ăn uống, ngủ suốt 3 tháng”.

Anh Khải mở từng hộp rắn giống cho chúng tôi xem và bảo, những loại rắn nhỏ này nuôi phải mất cả năm mới xuất chuồng được. Chúng tôi muốn xem rắn hổ mang, anh Khải ngần ngại một lúc mới mở nắp chuồng và nói: “Loại rắn này nguy hiểm lắm, không cẩn thận nó cắn chết người như chơi. Trước khi cho rắn ăn, tôi phải uống thuốc giải độc, đề phòng bị rắn cắn”.

“Hiện, còn rất ít hộ nuôi rắn để duy trì nghề truyền thống của làng. Chúng tôi cũng không khuyến khích người dân nuôi vì hiện nay diện tích đất bị thu hẹp, nuôi rắn vừa mất vệ sinh, vừa khó đảm bảo an toàn cho người dân. Sắp tới chúng tôi đề xuất lên quận Long Biên lập khu chăn nuôi rắn tập trung để phục vụ du lịch và văn hóa ẩm thực” - Ông Trương Bá Huân (Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, Trưởng ban Quản lý làng nghề Lệ Mật)
 

Đức Lợi

Bình luận(0)