Bức tranh cổ và bộ “Tam sanh hữu hạnh”

Google News

(Kiến Thức) - Vào một đêm khuya năm 1992, cụ Vương đang ngủ bỗng giật mình thức giấc vì nghe tiếng "rầm" do vật gì đó rơi xuống trong bóng tối của căn nhà cổ chứa đầy đồ xưa...

Bức tranh cổ rơi trong đêm

Vật rơi dường như không chỉ đánh thức cụ mà đánh thức cả nghìn cổ vật được cụ đam mê sưu tập suốt đời đang có mặt trong "vuông nhà cổ tích" vào đêm ấy. Tìm quanh, cụ thấy vật rơi là một bức tranh cổ của Hòa Lan (Hollandais) do cụ mua hơn 60 năm trước đó tại Salle des ventes ở Sài Gòn, được treo trên vách từ ngày đầu có ngôi nhà xưa. Bức tranh mang ký hiệu "DW.naar: J. du Chattel" do nhà Commissaire - priseur  rao bán, là tranh có nguồn gốc từ một chiếc tàu thủy binh của Pháp từng tham chiến ở Việt Nam nhưng sau vì "tàu bị phế thải nên cho bán tranh ra". 

Cụ quý bức tranh ấy lắm song cụ bảo mình già lắm rồi không còn giữ được nó bao lâu nữa. Từ chỗ nghĩ ngợi lo lắng cho số phận bức tranh cổ nên dù có xót xa cụ cũng tìm cho nó một chủ nhân mới, vì thế cụ đã viết một bức thư chân tình gửi đến ba người mà cụ trông cậy gửi gắm gồm: nhà văn Sơn Nam, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và bác sĩ Rô. 

Hiện ông Trần Đình Sơn vẫn còn giữ thư trên. Thư có đoạn rất cảm động: "Hiện nay tôi đã quá cao niên, không muốn tu bổ bức tranh này và định bán. Tôi biết có ba bạn đủ sức cứu vớt vật này nên viết thơ mời lại xem (...) Ngoài bác sĩ Rô và Sơn Nam ra, thì có Cao Sơn (Trần Đình Sơn) cũng đủ điều kiện như nhau và là người sưu tập có lòng với cổ vật lịch sử như bức tranh này. Tôi xin mời 3 em đến rồi tùy ý, ưng hay không ưng, sẽ thương lượng lại, bằng không ai bằng lòng, thì tôi chỉ còn nước gói lại chớ không có sức tái tạo vì chán nản, sức già, không còn hăng hái như xưa nữa, vì không muốn làm hư một vật có giá trị, mấy hàng lỗ mỗ, mong 3 em hiểu cho". 

Cụ Vương Hồng Sển (trái) và nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn
với chân đèn "độc long" thời Khang Hy. 

Chẳng khác nào cưới được vợ trẻ!

Khi bức tranh bị rơi đột ngột đã đánh động một loạt hồi ức của cụ về các đồ xưa từ khắp nơi, khắp miền đã tựu về quanh cụ, trong đó có 3 món tâm đắc, cụ xem là báu vật mà mình hi hữu và hân hạnh có được gọi là bộ "Tam sanh hữu hạnh". Ba món ấy có một mối duyên kết nối kỳ lạ theo chuỗi thời gian kế tiếp nhau về với nhà cụ Vương, mà vật đầu tiên đã nói ở bài trước là chiếc bầu "Độc long quá hải" của chúa Trịnh. Hai món còn lại gồm một cái liễn cổ (thố) thời Thiệu Trị và một cái bầu dùng chưng rượu thời Ung Chánh. 

Cụ vừa mừng, vừa hân hạnh, nhưng cũng lại vừa thấy lo lo trong lòng mỗi lần nghĩ tới những chủ nhân trước kia của chúng nay đã thành ma hết, nên cụ bộc lộ phần nào điều ấy qua thư gửi Cao Sơn có đoạn:"Về thú chơi đồ cổ, chuyện ngỗng độc long 1273 này (số thứ tự trong sưu tập) tôi rằng "Tam sanh hữu hạnh" là sự hiển nhiên và xét ra tôi không nên quá tham, muốn giữ đủ ba món đều quý là: liễn Thiệu Trị, bầu chưng rượu Ung Chánh, ngỗng độc long này (...) có 3 món cổ vật trên người ngoài ganh ghét, tổn thọ. Mình chết, con cháu chưa chắc giữ đủ, thà rằng có một món cho độc đáo đủ di dưỡng tinh thần là hơn". 

Mối duyên nhen nhúm từ ngày cụ mua cái liễn Thiệu Trị do ông Hoàng Đàm ở Sài Gòn bán vào mùa hè 1985 với giá 3.500 đồng lúc ấy. Điều cụ Vương đắc ý là cái liễn này có các chấm lá cây biến hình chim phượng, dưới đáy chạm mấy chữ Hán:"Tứ Bồ Tát, tả biên, bệ hạ thướng", cụ hỏi: "Chùa nào có bốn ông Bồ Tát nơi chái tả và ông vua nào đã hiến chùa vật này?" và nâng niu không muốn rời: "Tôi đem liễn về tâng tiu chơi... đến ngày có một bạn vong niên ở với tôi rất tốt, ông này hỏi tôi đổi cổ ngoạn với nhau, để lại ông ấy cái liễn Thiệu Trị (số thứ tự 555) kia và ông gởi lại tôi làm chủ một bầu hồ lô bằng sứ". 

Bầu hồ lô đó rất đặc biệt đề hiệu là Đại Thanh Ung Chánh chia làm hai phần. Phần trên có dáng nửa trái bầu và ăn khớp với vành miệng của phần dưới. Phần dưới là một cái tô rộng dùng để chứa vật lỏng như nước hoặc rượu. Công dụng của hồ lô này là dùng để hâm rượu cho nóng mà uống: "Tầng trên chứa rượu, tầng dưới chứa nước nấu sôi cho lửa không bốc lên đốt cháy rượu kia", làm bằng sứ thật trắng và trong như bạch ngọc. Bên ngoài hồ lô người nghệ sĩ chế tác đã phác họa vài nét tài hoa thành hình mấy con chim: "Con thì bay (phi), con thì đang há miệng như kêu la (minh), con thì khoanh đầu úp cánh để ngủ (túc), con nữa lại chúi đầu xuống nước tìm kiếm cá ăn (thực) - vẽ bốn dáng của chim như trên là đủ nghĩa "phi - minh - túc - thực", gợi bốn thú riêng của con người mạnh khỏe là "Ăn - ngủ - phóng uế - và làm cái kia, đứa trên đứa dưới". 

Cụ ôm cái bầu ấy về nhà, đánh số thứ tự 1269 trong sưu tập của mình và ngắm nghía suốt ngày với tâm trạng của một ông già: "Trong lòng được vật quý mà không khác cưới được hầu non (vợ trẻ)!".
Giao Hưởng

Bình luận(0)