“Khách hàng khó đòi tiền cọc nhà từ ông chủ Vĩnh Hưng“

Google News

(Kiến Thức) - Ông Chủ tịch Nguyễn Hoàng Long bị bắt, đồng nghĩa với việc Công ty Vĩnh Hưng có thể không còn khả năng tài chính để thực hiện các dự án hoặc hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiến Thức, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật sư BQH và cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nhà Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) bị bắt là kết quả của một quá trình làm liều của ông Long. Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, Công ty Vĩnh Hưng và Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi đã có những giao dịch không bình thường về việc mua bán 32.000 tấn thép, để có được số tiền vay Ngân hàng Bảo Việt là 225 tỷ đồng. Việc đưa ra tuyên bố bàn giao thép của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi chỉ là cách đối phó với ngôn luận hoặc cơ quan công an khi bị cho là có giao dịch mờ ám. 

 Hiện trạng dự án chung cư 409 Lĩnh Nam. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, việc ông Long bị bắt đồng nghĩa với việc Công ty Vĩnh Hưng có thể không còn khả năng tài chính để thực hiện các dự án hoặc hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng. Do vậy, khả năng người mua nhà đòi lại được tiền đặt cọc là vô cùng khó khăn. "Tôi cho rằng Công ty Vĩnh Hưng không còn khả năng trả lại tiền cho khách hàng, thậm chí khách hàng phải xác định đây là khoản thua lỗ vì đầu tư mạo hiểm vào công ty này. Hơn nữa, tôi cho rằng, toàn bộ khoản tiền mà Công ty Vĩnh Hưng nhận được từ khách hàng đã bị sử dụng sai mục đích và chi tiêu hết. Cho dù ông Long có bị khởi tố thêm một tội danh nữa thì cũng khó có khả năng tài chính để trả lại tiền cho người mua. Mặt khác, nếu dự án không được xây dựng, cơ quan chức năng có thể thu hồi lại đất dự án và người mua sẽ thiệt thòi", luật sư Bùi Quang Hưng nhìn nhận.

Luật sư Hưng nói thêm: "Khi ông Long bị bắt, tôi cho rằng, khó có ai có thể đủ năng lực tài chính và điều kiện thay thế ông Long gánh vác trách nhiệm đối với các dự án và với khách hàng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi thị trường bất động sản trầm lắng và không ai muốn tiếp tục bỏ vốn vào các dự án bất động sản nữa. Công ty Vĩnh Hưng đứng trước khả năng bị các đối tác khởi kiện yêu cầu phá sản là rất cao. Tuy nhiên, với cơ chế hiện thời những tài sản mà Công ty Vĩnh Hưng đang thế chấp sẽ được ưu tiên xử lý nợ trước, còn người mua nhà phải chịu thiệt thòi lớn vì không nắm được bất cứ tài sản nào của công ty này. Nếu người mua truy tìm được những tài sản của công ty này thì nên khởi kiện để đòi lại tiền thông qua việc bán tài sản đó". 

Luật sư Bùi Quang Hưng khuyên: Người mua nên đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trao dự án của Công ty Vĩnh Hưng cho một đơn vị khác có khả năng thực hiện tiếp dự án. Người nào đã ứng trước tiền cho chủ đầu tư trước thì được xem xét giá mua. Các quyền lợi khác thì chủ đầu tư mới được hưởng hoàn toàn. Như vậy, may ra người mua mới có cơ hội để nhận được nhà ở. Còn đối với trường hợp, khách hàng muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Vĩnh Hưng, có thể kiện công ty này để có bản án và yêu cầu thi hành án để đòi lại tiền. Tuy nhiên, người mua cũng phải nhận thấy rằng khả năng không còn tài sản để thi hành án là rất cao. 

Còn theo thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm, Đoàn Luật sư Hà Nội, các khách hàng đã có quan hệ hợp đồng với Công ty Vĩnh Hưng cần tự mình (hoặc thuê tư vấn luật) rà soát lại hợp đồng và quá trình thực hiện hợp đồng đã ký để có phương án bảo vệ quyền lợi của mình. Về nguyên tắc, nếu khách hàng có giao dịch hợp pháp với Công ty Vĩnh Hưng thì công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý với khách hàng, còn nếu khách hàng là nạn nhân trực tiếp của một tội phạm thì kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm dân sự với các nạn nhân đó. 

Luật sư Phạm Văn Phất cũng cho biết, để xác định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mua nhà của khách hàng với Công ty Vĩnh Hưng thì cần phải xem xét giá trị pháp lý của giao dịch và các nội dung cụ thể mà các bên liên quan đã thỏa thuận với nhau. Quan hệ đặt cọc nếu đã được xác lập hợp pháp thì cần căn cứ vào thỏa thuận đặt cọc để giải quyết cho vấn đề phát sinh, xác định bên vi phạm nghĩa vụ và xử lý tiền đặt cọc. Các đối tác nếu nhận thấy Công ty Vĩnh Hưng lâm vào tình trạng phá sản thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố phá sản Công ty Vĩnh Hưng. Tất nhiên, quyền yêu cầu cũng cần phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục kèm theo các tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật Phá sản.

BÀI LIÊN QUAN:


Nguyễn Đóa

Bình luận(0)