ĐBQH: 90% ô tô, xe máy Hà Nội phải đỗ lòng đường, vỉa hè… gây tắc

Google News

ĐBQH cho rằng, các bãi đỗ xe của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, 90% còn lại phải đỗ lòng đường, vỉa hè và các nơi khác góp phần gây nên ùn tắc.

Các bãi đỗ xe ở Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu
Thảo luận tại tổ chiều 10/11 về nội dung sử dụng lòng đường, hè phố trong Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Phi Thường đề nghị bổ sung vào Luật Đường bộ quy định về việc cho phép sử dụng tạm thời gầm cầu cạn làm nơi để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ. Hiện nay ở Hà Nội có trên 8 triệu dân với có khoảng 6,7 triệu xe máy, khoảng 1,1 triệu ô tô, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt khoảng 13%... tỷ lệ này còn cách rất xa so với mục tiêu 20 - 26% mà chúng ta đề ra.
DBQH: 90% o to, xe may Ha Noi phai do long duong, via he… gay tac
 ĐBQH Nguyễn Phi Thường phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Mai Loan.
Diện tích giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe, theo quy hoạch phải đáp ứng 3 - 4% nhưng hiện nay ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được chưa đến 1%.
“Như vậy, khả năng đáp ứng nhu cầu đỗ xe trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt khoảng 10%, 90%, còn lại là đỗ lòng đường, vỉa hè và các nơi khác. Trong dự thảo tháng 7 năm 2023. Đây là một thực tiễn đang đặt ra với các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP HCM. Nếu cấm thì sẽ không biết đỗ đâu, còn ùn tắc hơn nữa”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, trong tương lai, sẽ phải có lộ trình đáp ứng từ 3-4% bãi đỗ xe theo quy hoạch. Nhưng trong lúc chờ đợi vẫn phải có giải pháp xử lý tạm thời.
“Nếu không được đưa vào Luật Đường bộ thì đề xuất đưa quy định này vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhưng nếu đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) thì TP HCM lại không được áp dụng Luật này”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông. Quy định này đã được đề cập ở Luật Giao thông đường bộ vào tháng 7 năm 2023 có nội dung này nhưng ở Dự thảo luật lần này không có.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay cho thấy, ở các đô thị, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị… khá phổ biến. Do đó, nên quy định linh động, phù hợp trong thực tiễn, trong một số trường hợp có thể cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác trên nguyên tắc vẫn phải bảo đảm an toàn giao thông.
Nguyễn Phi Thường nhất trí với việc thiết kế tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như các tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần rà soát để làm sao phân định rõ ràng giữa hai luật này, không có sự chồng chéo, trùng lắp về các quy định, cũng không để trống một số nội dung mà cả hai luật đều không quy định.
Rà soát tránh chồng chéo giữa hai luật
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Phi Thường, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng dự án Luật Đường bộ có liên quan với Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,, cho nên, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để bảo đảm không trùng lặp, không bỏ sót những quy định viện dẫn chỉ dẫn giữa hai luật.
DBQH: 90% o to, xe may Ha Noi phai do long duong, via he… gay tac-Hinh-2
 Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại tổ. Ảnh: Mai Loan.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ, qua nghiên cứu cho thấy, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật Đường bộ sửa đổi, có phạm vi điều chỉnh bao gồm các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tổ chức giao thông gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, dù đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan, nhất là ý kiến thẩm tra của Bộ Tư pháp, nhưng nội dung về phương tiện giao thông đường bộ, gồm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dụng... tại dự thảo Luật Đường bộ hiện nay đã được chuyển sang dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do có sự thay đổi như vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ.
Cụ thể, thứ nhất, về cơ sở dữ liệu đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ quy định về cơ sở dữ liệu vận tải đường bộ, trong khi Điều 61 của dự luật cũng xác định hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới...
Còn dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về cơ sở dữ liệu của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng... Như vậy, cơ sở dữ liệu vận tải đường bộ có thể gồm các thông tin về cá nhân điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện vận tải đường bộ. Chính vì vậy, có thể dẫn đến sự trùng lặp giữa 2 luật.
Thứ hai, về vận tải hành khách hàng hóa, dự thảo luật quy định vận tải hành khách bằng xe ô tô, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ gắn máy... liên quan đến nội dung này thì dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các loại hình vận tải.
Thứ ba, về vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe 4 bánh có gắn động cơ thì hiện nay dự thảo Luật Đường bộ không quy định là hoạt động kinh doanh vận tải, trong khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định đây là một hoạt động kinh doanh.
“Đề nghị phải có sự rà soát hai luật này để bảo đảm thống nhất liên quan đến các nội dung nêu trên. Ngoài ra, những quy định dẫn chiếu ở trên cũng phải được rà soát để bảo đảm sự thống nhất trong cách thức quy định”, đại biểu nhấn mạnh.
>>> Mời quý độc giả xem video Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) chia sẻ về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô, "tất cả vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước":
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)