Chủ tịch Vương Đình Huệ: Hà Nội là bộ mặt, trái tim của cả nước

Google News

Nhấn mạnh Hà Nội là trái tim của cả nước, Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội

Hà Nội là bộ mặt, trái tim cả nước
Phát biểu tại tổ về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội không chỉ là đô thị đặc biệt mà còn là Thủ đô của cả nước. Trong đó, Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế.
Chu tich Vuong Dinh Hue: Ha Noi la bo mat, trai tim cua ca nuoc
 Chủ tịch Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11. Ảnh: Mai Loan.
Theo đó, quy mô kinh tế Hà Nội ngày càng lớn, hiện chỉ thua TP HCM, thu ngân sách cũng đã tương đương TP HCM, đặc biệt thu nội địa rất lớn. Hà Nội cũng được xác định là đầu não chính trị, hành chính quốc gia.
"Hà Nội vừa là bộ mặt và là trái tim của cả nước, là tất cả những gì tinh túy nhất. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố vì hòa bình là những danh hiệu được thế giới trao tặng. Gần đây UNESCO trao tặng cho Hà Nội danh hiệu Thành phố thiết kế sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỉ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước.
Như nhiều đại biểu đã nói: Xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thì nêu tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả Nhà nước”. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đầu tư rất lớn công sức cho dự án luật này, khởi động từ sớm ngay từ khi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Cơ quan trình dự án Luật là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã làm việc với nhau từ sớm về dự án Luật Thủ đô và đầu tư nhiều công sức. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp hai lần làm việc chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, ông không chỉ thực hiện trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cũng là trách nhiệm của công dân trên địa bàn Thủ đô và từng đảm nhận nhiệm vụ là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Do đó dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, công sức đến dự án Luật này.
Đến nay dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 được các đại biểu ghi nhận dù mới trình lần đầu nhưng đã có chất lượng khá tốt.
Ủng hộ phân cấp, phân quyền cho Thường trực HĐND 
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập rõ hơn về mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Theo ông, việc thí điểm bỏ HĐND phường tại Hà Nội được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội nhận thấy khá phù hợp. Theo đó, chỉ bỏ HĐND cấp phường còn chính quyền nông thôn vẫn như vậy, vẫn có UBND và HĐND; đô thị vẫn giữ lại HĐND quận, huyện. Nghị quyết 15 cho phép áp dụng mô hình này, đến nay sau khi tổng kết thì muốn luật hóa, nghĩa là tương đối chín.
Về tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, số lượng tăng chỉ là 30 người, trong khi không tổ chức HĐND cấp phường thì Hà Nội giảm được khoảng 6.000 người.
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết của Trung ương về giảm số lượng đại biểu HĐND, vì Nghị quyết 18 không nói giảm biên chế ở cấp nào cụ thể. Việc chỉ tăng thêm mấy chục đại biểu cho Thành phố trong khi bỏ HĐND cấp phường là dễ hiểu và hợp lý”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND Thành phố, dự thảo Luật quy định giao Thường trực HĐND Thành phố một số thẩm quyền. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc cũng là cần thiết và coi như mô hình thí điểm để sau tổng kết đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện quyền hạn theo quy định của luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Như vậy Thường trực Hội đồng nhân dân dù chưa là một cấp nhưng là thiết chế có những quyền hạn riêng.
Dẫn lại kinh nghiệm từ quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công khi không quy định cho Thường trực Hội đồng nhân dân những cái quyền hạn liên quan đến đầu tư công, sau đó Chính phủ đã phải ban hành Nghị định quy định cho phép Thường trực Hội đồng nhân dân được điều chỉnh tên dự án, tổng mức đầu tư đối với dự án nhóm C và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Đến Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội trong điều kiện phòng, chống dịch đã cho phép Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết một số nội dung. Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây cần có nghiên cứu để quy định trong pháp luật về một số quyền hạn cho Thường trực Hội đồng nhân dân.
Ủng hộ quy định của dự thảo Luật về việc trao quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng việc trao những quyền cụ thể nào cần phải tính toán phù hợp. Nếu thực tiễn Hà Nội triển khai tốt thì có thể quy định phổ quát nội dung này.
>>> Mời quý độc giả xem video Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) chia sẻ về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô, "tất cả vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước":
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)