“Trồng nhà” ra tiền, cổ thụ chết oan!

Google News

(Kiến Thức) - "Việc chặt hàng loạt cổ thụ để xây đường tàu điện ngầm... là vì người ta không hiểu giá trị của cổ thụ đối với Thủ đô"- ông Nguyễn Nguyên Cương nói.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường: "Nếu tính toán, tôi chắc có nhiều phương án, không nhất thiết phải hy sinh cổ thụ". Ông Cương đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi khi chứng kiến nhiều cây cổ thụ của thủ đô bị "hạ gục"
Vô giá, không thể bán mua
- Ông nghiên cứu về cây cổ thụ lâu chưa?
- Tôi là một trong những người xây dựng cuốn Atlat cây cổ thụ Hà Nội năm 2009 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Trong cuốn sách đó thì thống kê Hà Nội có bao nhiêu cây cổ thụ?
- Có 725 cây đạt đủ tiêu chí là cây cổ thụ có tuổi thọ trên 100 năm và là những cây lưu giữ những nguồn gene quý, có ý nghĩa về mặt khoa học. Còn số cây vài chục tuổi thì khá nhiều, theo Công ty Công viên Cây xanh thì Hà Nội có trên 200 nghìn cây xanh thuộc 150 loài, riêng xà cừ có khoảng 56 nghìn cây. Thực ra thì số cây sống đến 30 - 40 năm đã có thể được coi là cổ thụ rồi.
- Số cây này tăng hay giảm theo thời gian?
- Nó chỉ có giảm đi thôi. Trồng một cái cây để nó trở thành cổ thụ thì lâu lắm, nhưng nếu không chăm sóc, thậm chí là phá hoại thì nó chết với tốc độ nhanh hơn nhiều.
 Ông Nguyễn Nguyên Cương.
- Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 (tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội) và hai nhà ga số 8 đoạn qua khách sạn Deawoo, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị sẽ phải đốn hạ hơn 30 cây xà cừ cổ thụ từ dốc Voi Phục đến khách sạn Daewoo. Theo Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị, thành phố đã xem xét, cân nhắc rất kỹ các phương án nhưng vẫn phải đốn hạ những cây này. Ông có suy nghĩ gì?
- Nói đây là những cây cổ thụ thì cũng không sai, chỉ có điều nó chưa phải là giống loài quý hiếm đưa vào sách đỏ. Gần đây đi đường, thấy hàng loạt cổ thụ bị đốn hạ phục vụ cho công trình giao thông, tôi thấy đau lòng. Người ta có quyền thì người ta làm gì cũng được. Tôi nghĩ người ta đã không nhận thức được vai trò của cây cổ thụ đối với Hà Nội, họ không quan tâm đến bảo tồn cổ thụ, vì nó không ra tiền. Đã bảo tồn là mất tiền, gìn giữ là mất tiền, giá trị của cổ thụ không mua không bán được, dù nó là tài sản vô giá.
- Vấn đề là phương án chặt bỏ cổ thụ đã được cân nhắc rất kỹ rồi?
Tôi nghị họ không cân nhắc đâu, cứ làm bừa đi thôi. Đây, ngay trước cửa nhà tôi, chỉ có một tí chỗ vòng cua thôi mà họ không mở rộng ra, nhất định phải chặt những cây cổ thụ đi.
- Nhưng làm thế họ được cái gì?
- Thì được công, được tiền. Cứ đi một vòng Hồ Tây thì thấy, mỗi đoạn xây dựng làm kè một kiểu khác nhau vì mỗi đơn vị thi công một kiểu. Ý tôi là họ chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mà không nghĩ đến cái chung. Họ cứ bày ra, nên nhiều khi đáng lẽ công trình chỉ thi công hết 5 tỷ đồng thôi thì họ cố vẽ ra cho lên đến 20 - 30 tỷ cơ. Đấy, cái đường sắt cao tốc Bắc Nam đấy, nhà khoa học bảo nếu làm nghiêm túc thì chỉ 7 tỷ USD thôi, nhưng người ta vẫn báo cáo phải hết hàng trăm tỷ cơ. Rõ ràng chặt cây là thảm họa rồi. Tôi xin đặt câu hỏi, ban quản lý dự án tính toán gì, tính toán như thế nào mà lại chủ trương chặt nhiều cây thế?
- Với một dự án hàng tỷ đô la thì việc hy sinh một vài cái cây thì hẳn là không nguy hại quá?
- Đừng so sánh tiền ở đây và cũng đừng lợi dụng cái nọ cái kia để chặt cây. Đừng chọn cách làm dễ dàng nhất mà hãy vắt óc suy nghĩ những phương án tối ưu.
Cây chết oan!
- Tôi tự hỏi vì sao ngay từ lúc ban đầu xây dựng dự án này người ta không công khai phương án chặt cổ thụ, mà đến giờ khi dự án sắp hoàn thành mới đưa ra quyết định đó?
- Từ xưa đến nay có gì công khai đâu, công khai như thế mà gặp phải sự phản đối thì làm sao dự án suôn sẻ.
- Hà Nội có phải là thành phố có nhiều cổ thụ không ạ?
- Là một trong những thành phố có cây sống lâu năm chứ cũng không phải nơi có nhiều cổ thụ, TP HCM cũng có rất nhiều cổ thụ. Hà Nội có 7m2 bóng mát/đầu người, ở Beclin (Đức) thì tỷ lệ này là 60m2, tỷ lệ cổ thụ của Hà Nội cũng chưa là gì cả.
- Có phải hạ tầng giao thông càng phát triển thì cây xanh càng ít?
- Không phải thế, cứ đi các nước, chỉ cần quanh trong khu vực là sẽ thấy điều đó.
- Mất khoảng bao nhiêu lâu để có một thế hệ cây cổ thụ?
- Tôi nghĩ là phải hàng trăm năm, hoặc chí ít cũng phải 40 - 50 năm chứ không dễ gì có được, đấy là chưa kể sự tàn phá của tự nhiên, của con người. Nhiều người đối xử tàn ác với cây cổ thụ bằng cách ngày ngày đổ axit vào gốc cho cây chết để vỉa hè trước nhà mình thông thoáng. Có nhiều cây chết rất oan uổng, ngay trên bờ hồ Hoàn Kiếm, gần đền Ngọc Sơn, cổ thụ hàng trăm năm cũng bị chết do người ta đi tiểu vào đó.
- Quá trình chết luôn nhanh hơn quá trình sinh?
- Đúng thế, phải đến 50 năm nó mới thành cổ thụ, nghĩa là cũng tương đương với cả đời người. Trong khi đó vai trò của cổ thụ thì không phải nói nhiều, nó là lá phổi, là bóng mát, là sự trong lành của thành phố, nguồn gene thực vật...
Họ đang bóp nghẹt lá phổi của mình!
- Ông vừa nói số cổ thụ đang ngày càng ít đi, chúng ta đã tính tới trồng bổ sung để có thế hệ cây kế cận cho thế hệ cổ thụ?
- Tôi nhìn đi nhìn lại thì từ năm 1954 đến giờ chúng ta trồng được rất ít cây, chỉ trừ làm được một vài công viên ở mức khá hơn một chút. Các cây cổ thụ quý giá đều do người Pháp trồng, chứ chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc này.
- Theo nhìn nhận của ông thì với đà phát triển này, liệu sẽ đến lúc Hà Nội không còn cổ thụ?
- Chắc là không đến mức không còn cây nào, nhưng nó sẽ suy giảm dần dần nếu không được quản lý tốt. Các nhà khoa học cũng đóng góp ý kiến mãi, nhưng chẳng hiểu có đến tai các vị ấy không.
- Trong Atlat cây cổ thụ, ông đã kiến nghị điều gì để bảo vệ cổ thụ?
- Cần giao trách nhiệm rõ ràng cho một đơn vị cụ thể. Cây cổ thụ đa phần nằm ở công cộng, cần có chính sách giữa nhà nước và người dân phối hợp để bảo vệ cổ thụ. Chăm sóc định kỳ để cây được bền vững. Phải lọc ra những cây quý nhất để có biện pháp tôn vinh như một di sản, ít nhất là có một hàng rào bảo vệ, một dải lụa hay một bảng thuyết minh đặt bên cạnh.
- Từ đó đến nay đã có kiến nghị nào được thực hiện?
Chưa có điều gì được thực hiện cả, cũng chẳng hiểu họ giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, bảo vệ cho ai. Vì thế mà có những cây bị chết, bị cưa trộm, đào trộm mà chẳng ai làm được gì. Nếu nói cổ thụ là lá phổi của thành phố thì hành động chặt cây chính là họ đang bóp nghẹt lá phổi của chính mình, đe dọa sự sống của chính mình.
- Vấn đề là chưa ai chết vì không có cây xanh cả?
- Người ta cường điệu hóa, nếu Hà Nội không còn bóng cây nào thì sẽ giống hệt các thành phố trên sa mạc. Nắng nóng, oi bức, con người sẽ phải chịu đựng sự ngột ngạt ấy. Đáng lẽ người ta phải tính toán đến những yếu tố có tầm nhìn như vậy.
- Có người đề xuất, nên chăng với các dự án xây dựng ở thành phố cũng phải có quy định, chặt cây thì phải trồng bù cây?
- Liên Hợp Quốc quy định, chặt 1 cây cổ thụ thì phải trồng bù 1.000 cây khác. Ở một số nước họ có quy định 7 cây, nghĩa là lấy vợ, làm nhà, sinh con... đều phải trồng 7 cái cây.
- Nhưng đất Hà Nội là "tấc đất tấc vàng" nên áp dụng thế thì khó?
- Không phải là không có đâu, người ta vẫn phá đất trồng cây để "trồng nhà" đấy thôi. Bao nhiêu cao ốc, chung cư mọc lên từ những gốc cây đấy thôi. "Trồng nhà" thì ra tiền, chứ trồng cây thì đâu có ra tiền. Mỗi nhiệm kỳ của lãnh đạo cũng chỉ có 5 năm, còn nhiệm vụ của nhiệm kỳ sau là do người sau lo, thế thì cứ phải làm cái gì có lợi đã.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội, việc chặt hạ hàng loạt cổ thụ để xây đường sắt đô thị xét về kỹ thuật là đúng vì nó sẽ tránh ảnh hưởng đến tầm nhìn của tàu điện ngầm. Ngoài ra, cây xà cừ có rễ nông, mưa gió rất dễ bị đổ, ảnh hưởng tới công trình. Tuy nhiên, cây xanh cũng là di sản, cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, chọn phương án tốt nhất để tránh ảnh hưởng môi trường.
Tô Hội (thực hiện)

Bình luận(0)