Buông lỏng quảng cáo y tế: Còn nhiều người chết oan

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều phòng khám và hãng dược, thực phẩm chức năng không ngần ngại quảng cáo thổi phồng về chức năng, tác dụng đối với người bệnh, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc...

Liên tiếp chết người do tin “quảng cáo”

Dư luận chưa hết bàng hoàng trước cái chết tức tưởi của một nạn nhân nữ tại phòng khám Maria - Thái Thịnh năm 2012 vừa qua. "Tức nước vỡ bờ", liên tiếp sau đó những người từng là nạn nhân của phòng khám này lên tiếng tố sự gian dối, quảng cáo trên trời lừa đảo khách hàng của phòng khám này. 

Dư luận cũng nhiều lần đặt câu hỏi là vì đâu mà dù phòng khám này có rất nhiều điều tiếng, về thái độ phục vụ, chất lượng khám bệnh và cả trình độ chuyên môn bác sĩ… nhưng các quảng cáo về phòng khám này vẫn được phát thường xuyên, liên tục, rầm rộ trên các kênh khác nhau. Chính vì tin quảng cáo nên nhiều người vẫn tin tưởng lao vào chữa bệnh nên mới có tai nạn đáng tiếc đến chết người đó.

Thẩm mỹ viện Linh Nhung mới gây chết người gần đây

Thẩm mỹ viện Linh Nhung mới gây chết người gần đây

Sau sự việc xảy ra tại phòng khám Maria, cái chết bất thường của chị Trần Thị Thu Hương (SN 1971) tại thẩm mỹ viện Linh Nhung sau khi đi xóa sẹo môi làm dư luận một lần nữa giật mình. Chị Hương được xác định là  tử vong do sốc phản vệ. 

Trường hợp tử vong tại thẩm mỹ viện Linh Nhung không phải là hy hữu vì trước đó đã có rất nhiều nạn nhân đã phải chết tức tưởi khi đi làm đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ tư nhân. 

Việc phẫu thuật thẩm mỹ cao, đòi hỏi các cơ sở y tế về thẩm mỹ phẫu thuật phải có tay nghề bác sĩ cao, có nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ. Nhưng thực tế hiện nay nhiều thẩm mỹ viện vì lợi nhuận, dù được cấp phép một số thủ thuật đơn giản nhưng vẫn ngang nhiên “treo đầu dê bán thịt chó”, quảng cáo trên trời đánh lừa khách hàng dẫn đến những tai nạn không đáng có.

Các chết xảy ra năm 2011 của chị Bùi Bích Lộc (38 tuổi, ở phố Lê Duẩn) sau khi đến Trung tâm thẩm mỹ Hà Nội (257 Giải Phóng) để bơm ngực với giá 2600 USD là một minh chứng. Mặc dù cơ sở này không có giấy phép phẫu thuật bơm ngực, nhưng cơ sở vẫn nhận làm cho chị Lộc. Sau ca làm đẹp không lâu, chị Lộc thấy khó thở, buồn nôn rồi tử vong… 

Hay 19/4/2005, chị Ngô Thị Kim Hoa, 26 tuổi, trú tại xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội đi bơm sillicon, nâng ngực ở thẩm mỹ viện Hồng Chi ở số 1 dốc ga Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chị Hoa cũng tử vong sau đó, nguyên nhân được xác định là do suy tim cấp và phù phổi cấp, mất sức phản vệ vì dị vật vào cơ thể…

Lý giải về nguyên nhân những tai nạn chết người vẫn liên tiếp xảy ra với người dân sau khi sử dụng các dịch vụ y tế được quảng cáo rầm rộ, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng, Cục An toàn Thực phẩm, cho biết: “Thực tế trong thời gian quan nhiều đơn vị cũng cấp các sản phẩm, dịch vụ y tế lợi dung kẻ hở quản lý quảng cáo sai sự thật, dẫn đến nhiều tai nạn chết người cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. 

Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện nhiều sai phạm trong phẫu thuật thẩm mỹ. Thực tế, có nhiều cơ sở chỉ được hành nghề giải phẫu những ca tiểu phẫu nhưng dám quảng cáo và thực hiện những đại phẫu dẫn đến tử vong của khách hàng".

Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng "một tấc đến trời"

Về việc quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết: "Nhiều doanh nghiệp cố tình lách luật, gây hiểu nhầm với người tiêu dùng thông qua cách ghi nhãn mác".

Ông Phong dẫn chứng, có mặt hàng thực phẩm chức năng chỉ có hàm lượng vitamin C 50gram, nhưng khi ghi nhãn lại ghi chữ vitamin C 500gram.

Ngoài ra, nhiều thực phẩm chức năng ghi chứa đông trùng hạ thảo, sâm, linh chi... trong khi người tiêu dùng chịu không thể phân biệt tốt hay xấu, thật hay giả vì tình trạng dán nhãn tùy tiện, lẫn lộn.

Quảng cáo thổi phồng của một loại thực phẩm chức năng bị phát hiện

Quảng cáo thổi phồng của một loại thực phẩm chức năng bị phát hiện


Hay như nhiều loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, nhưng được quảng cáo chữa bách bệnh, chữa cả HIV, chữa cả ung thư, chữa cả vô sinh. Hậu quả là người bệnh tin mua sử dụng không đi khám đi chữa bệnh… nhưng tiền mất tật mang, hối không kịp. 

Đã có nhiều trường hợp như thế xảy ra trong thời gian vừa qua, đặc biệt đối với người bị ung thư. Với bệnh ung thư, nếu đi xạ trị sớm thì có thể khỏi hoặc kéo dài cơ hội sống của người bệnh, nhưng nhiều người vì tin vào các thực phẩm chức năng được quảng cáo chữa bách bệnh nên cứ dùng thực phẩm chức năng nên bệnh phát nặng đi xạ trị, phẫu thuật cũng không cứu được. 

Gần đây, có quảng cáo của một loại vòng đeo tay trang sức được quảng cáo là chữa huyết áp, chữa bệnh tim mạch… Đáng lẽ người bệnh huyết áp, tim mạch hàng ngày họ phải uống thuốc, những tin vào vòng đeo tay được quảng cáo là điều chỉnh được huyết áp, chữa được huyết áp không uống thuốc nữa nên bị đột quỵ, đến tử vong… 

Đó là những trường hợp điển hình đã bị phát hiện, xử lý nhưng thực tế còn nhiều quảng cáo sai sự thật khác chưa được phát hiện, xử lý đang tiềm ẩn nguy cơ.

“Tôi có thể khẳng định một điều là sẽ còn nhiều người chết oan nếu buông lỏng quảng cáo y tế”, ông Phong nói.

Các hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế là những loại hàng hóa và dịch vụ đặc biệt… 

Hàng hóa ở đây là các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Dịch vụ là khám bệnh, chữa bệnh, giải phẫu thẩm mỹ… Mà nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe thậm chí đến tình mạng của người sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ Y tế.

Luật An toàn thực phẩm được quốc hội thông qua năm 2010, có nói rất rõ: Tổ chức cá nhân có thực phẩm trước khi quảng cáo phải gửi nội dung đến cơ quan chuyên môn để được xác nhận nội dung, thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Vì nếu không xiết chặt quảng cáo trong lĩnh vực y tế sẽ dẫn tới nhiều hậu quả đặc biệt tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.



Thu Nguyên

Bình luận(0)