2023 được coi là năm thế giới ghi nhận nhiều thảm họa thiên nhiên nhất từ cháy rừng, động đất đến lũ lụt,... Bên cạnh đó ta tiếp tục phải đối diện với “mùa đông không lạnh” và nhiệt độ toàn cầu ngày một tăng. Cùng Tạp chí Tạp chí Kinh tế Môi trường điểm lại 10 sự kiện môi trường thế giới nổi bật năm 2023.
1. Khai mạc Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28)
Ngày 30/11, Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc (COP28) đã được khai mạc tại Dubai. Sau 2 tuần đàm phán khó khăn và nhiều tranh cãi, 200 nước tham dự Hội nghị COP28 đã đi tới thỏa thuận chung. Theo đó kêu gọi "chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng".
Thủ tướng tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28.
Quyết định Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GTS) lần đầu tiên được xem là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị COP28. Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh các nhà khoa học Mỹ, bà Rachel Cleetus, cho rằng đây chính là một bước cải tiến rõ rệt so với nhiều chỉ trích trước đó. Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi đây là một thỏa thuận "lịch sử". Tuy nhiên thành công hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào.
2. Bắc Cực trải qua mùa Hè ấm nhất trong lịch sử
Một báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 12/12 cho thấy nhiệt độ không khí bề mặt ở Bắc Cực trong mùa Hè năm 2023 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Báo cáo thường niên của NOAA cũng cho thấy các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và gây tác động sâu rộng trên toàn cầu.Sự nóng lên trên khắp các vùng phía Bắc Canada và Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada cộng với tình trạng lượng mưa dưới mức trung bình chính là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng ở khu vực này.
2023 tiếp tục ghi nhận nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ trái đất.
3. Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục đạt kỷ lục mới
Biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu tiếp tục là những mối quan tâm lớn của nhân loại trong năm qua. Năm 2023 tất cả các loại kỷ lục liên quan đến nhiệt đều bị phá vỡ, cao nhất trong 25.000 năm qua và có nguy cơ vượt quá giới hạn 2 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris 2015.
Những kết quả nghiên cứu trên cũng khớp với dự báo trước đây là năm 2023 sẽ nằm trong top 5 năm nóng nhất trong lịch sử và cũng khớp với xác nhận của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) vào ngày 14/9 rằng mùa Hè năm 2023 là mùa Hè nóng nhất trên Trái Đất, ít nhất kể từ năm 1880.
Ngoài ra, các nhà khoa học dự báo năm 2024 sẽ còn có những mức nhiệt độ cao hơn, phá vỡ nhiều kỷ lục cũ và các mùa đều nóng hơn năm 2023.
4. Thành lập Liên minh Xanh
Ngày 24/11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã thông báo thành lập Liên minh Xanh Canada-EU nhằm tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đặc biệt liên quan đến các thị trường carbon và hydro xanh.
Kết quả trên đạt được giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel.
5. Hưởng ứng ngày môi trường thế giới 2023
Ngày Môi trường thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).
Qua đó truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
Tại Việt Nam, nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023, ngày 19 tháng 5 năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 3556/BTNMT-TTTT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6), Tháng hành động vì môi trường năm 2023… Các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng sự kiện môi trường thế giới.
Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển.
6. Hoàn tất đợt 3 xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển
Ngày 20/11, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã hoàn thành đợt 3 xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy này ra Thái Bình Dương.
Trước đó TEPCO đã thực hiện 2 đợt xả, lần 3 xả khoảng 7.800 tấn nước thải đã qua xử lý ra vùng biển cách bờ khoảng 1km thông qua một đường hầm dưới biển. Chính phủ Nhật Bn cũng cho biết, mẫu cá đánh bắt từ các vùng biển gần Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima, nơi bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ cách đây 1 tháng không chứa tritium.
Cơ quan Thủy sản Nhật Bản Thông tin hằng ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động xả nước thải, nhằm xua tan những lời đồn tiêu cực ở trong và ngoài nước về tác động của hoạt động này đến môi trường. Kể từ mẫu ngày 8/8, không phát hiện tritium trong 64 mẫu cá đánh bắt.
7. IDB nâng tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu lên 150 tỷ USD
Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) sẽ tăng gấp ba lần nguồn tài trợ lên 150 tỷ USD trong 10 năm tới cho các dự án phục hồi và giảm nhẹ nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu ở Mỹ Latinh và Caribe.
Chủ tịch IDB tuyên bố rằng đây là cam kết mà tổ chức đa phương này mang đến Hội nghị Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), bắt đầu ngày 30/11 tại Dubai (UAE).
Đây cũng là mục tiêu phù hợp với khuyến nghị của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc tăng gấp ba lần tài chính cho khí hậu và kêu gọi “tất cả” những người tham gia Hội nghị COP28 hành động tương tự.
8. Liên tiếp xảy ra các trận động đất lớn
Năm 2023 tiếp tục ghi nhận nhiều trận động đất lớn với số thương vong lớn và để lại hậu quả nặng nề. Vào ngày 6/2/2023, một sự kiện địa chấn có cường độ đáng kể, đo 7,8 độ Richter, đã xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới phía bắc Syria. Trước đó chỉ 9 giờ cũng đã có một trận động đất xảy ra cách đó khoảng 95 km về phía tây nam với có cường độ 7,5 độ richter. Thống kê đến tháng 10, số liệu ghi nhận hơn 55.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người khác bị thương ở 2 quốc gia này do thảm họa trên.
Trận động đất tại Nepal khiến hơn 70 người thiệt mạng Ảnh: Công an Nhân dân.
Vào đêm 8/9, một trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã xảy ra ở Maroc vào khoảng 23h. Theo số liệu chính thức, số người chết là gần 3.000 người và số người bị thương là hơn 5.600 người.
Ngày 7/10, một trận động động đất rung chuyển miền TâyAfghanistan khiến 2.000 người thiệt mạng. Đây cũng là trận động đất gây thương vong nặng nề nhất ở Afghanistan trong hơn 2 thập kỷ qua.
Đến ngày 6/11, một trận động đất mạnh 5,2 độ đã xảy ra ở Nepal, tiếp theo đó là một trận động đất nhỏ hơn khiến 3 người bị thương. Trước đó một trận động đất đã xảy ra tối 3/11, với rung chấn có thể cảm nhận được ở thủ đô New Delhi, nơi cách tâm chấn gần 500 km. Ngoài các nạn nhân thiệt mạng, có khoảng 100 người bị thương trong thảm họa này.
9. Ngành hàng không nỗ lực giảm 5% khí thải vào năm 2030
Cuộc họp của hơn 100 quốc gia hôm 24/11 vừa qua đã nhất trí mục tiêu tạm thời về giảm phát thải từ ngành hàng không toàn cầu vào năm 2030 bằng cách sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn, mặc dù Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác bày tỏ lo ngại về tác động đối với nền kinh tế của họ.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết mục tiêu được đưa ra sau năm ngày đàm phán - với các cuộc thảo luận do Liên hợp quốc dẫn đầu - tại Dubai, kêu gọi giảm 5% lượng khí thải carbon thông qua việc sử dụng những năng lượng sạch hơn như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) vào năm 2030. Một dự thảo trước đó đặt mục tiêu là 5-8%.
Hãng hàng không Virgin Atlantic thực hiện thành công chuyến bay 100 % nhiên liệu hàng không bền vững.
10. Chuyến bay đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững
Ngày 28/11, hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững.
Sự kiện này ghi nhận dấu mốc mới trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon trong tương lai thông qua sử dụng nhiên liệu thay thế.
Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững. Hồi tuần trước, chuyên cơ hạng thương gia G600 của tập đoàn Gulfstream đã thực hiện thành công chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, sử dụng cùng loại nhiên liệu.