Nữ bác sĩ quân y ôm cháu bé chạy 300m đi cấp cứu
Theo ông Nguyễn Hữu Châu, khoảng 7 giờ 40 cùng ngày, Tổ phản ứng nhanh Covid-19 P.Thuận Giao nhận được thông tin từ trưởng khu phố Bình Thuận 1 (P.Thuận Giao) có hai mẹ con cháu bé 4 tháng tuổi ở nhà trọ cầu cứu cần được hỗ trợ y tế.
Ngay lập tức, nữ bác sĩ quân y Phạm Khánh Linh được điều xuống hiện trường để hỗ trợ. Sau khi thăm khám, cháu bé có tình trạng khó thở, bỏ bú nhiều ngày, test nhanh âm tính với Covid-19.
Bác sĩ xuống phòng của hai mẹ con
‘Khi tôi đến nhà trọ, bé đã có biểu hiện ý thức lơ mơ, suy hô hấp, bụng trướng… Xác định tình hình bé nguy kịch nên tôi đã yêu cầu hỗ trợ xe cấp cứu gấp để đưa bé đến bệnh viện nhanh nhất có thể’, BS. Linh nói.
Tuy nhiên, thời điểm này, xe cấp cứu trong khu vực đều đã đi chở bệnh nhân các nơi, chỉ có chiếc xe tải của tình nguyện viên ở gần hiện trường nhất nên đã quyết định đưa bình oxy và cháu bé lên xe tải tới bệnh viện.
Trên đường đi, BS. Linh liên tục làm cấp cứu cho bé. Mẹ bé cũng trên thùng xe, hoảng loạn vô cùng. Cháu bé sau đó được đưa vào khu BV Quốc tế Becamex (TP.Thuận An, Bình Dương). Thế nhưng vì chưa thông thuộc đường ở đây nên bác sĩ và tình nguyện viên đã dừng nhầm xe ở cổng phụ.
Tất tả bế cháu bé chạy đi bệnh viện
Xin hãy cứu con tôi...
Lúc này, BS. Linh ẵm cháu bé từ thùng xe tải nhảy xuống nhưng không vào được bên trong cổng phụ nên đã tức tốc chạy tiếp hàng trăm mét để đến cống chính đưa bé vào cấp cứu. Người mẹ chạy theo phía sau và liên tục van xin: ‘Xin hãy cứu con tôi’.
Quãng đường vào khu cấp cứu gập ghềnh, ẵm cháu bé nằm bất động trên tay, vừa chạy, bác sĩ Linh vừa nói: “Gọi cấp cứu hỗ trợ…”. Trong mỗi bước chạy gấp gáp trên đường, có lúc tưởng như chị gục ngã. Nhưng không, chị lại tiếp tục ôm cháu bé chạy vào bên trong khu cấp cứu bằng những bước chân mạnh mẽ, kiên cường.
Sau khi được các y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Becamex hỗ trợ đưa vào phòng bệnh cấp cứu cho cháu bé. Bác sĩ Linh đứng ở ngoài chờ thông tin tình hình bệnh tình của cháu bé được một hồi lâu thì chị có điện thoại. Lại có một ca cấp cứu khác đang chờ.
Rời bệnh viện trên chiếc xe tải tình nguyện, bác sĩ Linh buồn bã vì tình hình của cháu bé tiên lượng rất xấu. “Lúc đưa cháu vào bệnh viện, chúng tôi đã cố gắng hô hấp cho cháu nhưng lúc này gần như cháu không còn thở nữa…”, bác sĩ Linh nói trong nước mắt.
Trao đổi với PV, bác sĩ, đại tá Lê Hữu Thăng, Chỉ huy lực lượng Quân y Học viện Quân y chi viện cho Bình Dương, nói: “Chúng tôi được cử vào đây toàn là các bác sĩ nội trú, có trình độ chuyên môn tốt, tinh thần cũng rất tốt. Chúng tôi cũng xác định với tinh thần cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, hỗ trợ cho Bình Dương chống chống dịch mà không hề lo ngại khó khăn, gian khổ”.
Chiều cùng ngày (12.9), PV nhận được thông tin cháu bé đã không qua khỏi. Ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 P.Thuận Giao cho biết sẽ đến bệnh viện và nhà trọ để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình cháu bé.
Mặc dù nữ bác sĩ cố gắng mang cháu bé đi cấp cứu nhanh nhất có thể song cháu bé không qua khỏi. Chiều cùng ngày, bé đã qua đời.
Phải nói, đại dịch lần này không chỉ khiến người bệnh, người nhà của F0 khổ mà những người bình thường cũng khổ. Không ít người bệnh nặng thêm vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh nên không dám đi khám. Rồi cũng có trường hợp như em bé này, cũng vì dịch bệnh nên xe cấp cứu chẳng đủ để mà gọi như trước kia. Nếu không có đại dịch, y tế vẫn như trước thì biết đâu em bé đã được đưa tới viện sớm hơn, và kết quả đã không bi thương như vậy.
Thực sự đọc những tin tức như này trên báo chí mà thấy đau đớn quá. Chẳng biết rồi khi nào người phụ nữ ấy mới lại có thể nguôi ngoai nỗi mất mát đi đứa con ruột thịt.