Anh Đoàn Văn Sơn: Nghiệp phở khó giàu lắm

Google News

(Kiến Thức) - Đã có thâm niên hơn 10 năm bán phở bò Nam Định tại Hà Nội, anh Sơn hoảng hốt khi nghe nói sắp phải nộp "thuế thu nhập cá nhân". 

Đã có thâm niên hơn 10 năm bán phở bò Nam Định tại Hà Nội, anh Sơn hoảng hốt khi nghe nói đến lại sắp phải nộp thêm khoản thuế mới gọi là thuế thu nhập cá nhân. "Tôi tưởng thuế thu nhập cá nhân là dành cho người có thu nhập cao chứ người làm ăn buôn bán nhỏ như chúng tôi thì hà cớ gì mà phải nộp thuế?", anh Đoàn Văn Sơn ấm ức.
Cả họ mưu sinh bằng bán phở
- Anh làm nghề bán phở lâu chưa?
- Tôi mở quán phở bò Nam Định này 10 năm rồi. Trước đó thì cũng mở một vài hàng phở tạm ở mấy nơi, sau đó hai vợ chồng tìm được địa điểm này và thuê lại nhà để kinh doanh. Hiện cả hai vợ chồng, hai đứa con đều sinh sống tại quán phở này. Hai cháu, đứa lớn lớp 11, đứa bé lớp 3 được tôi lo cho ăn học đàng hoàng, tử tế. Toàn bộ thu nhập của quán cũng đủ để chi tiêu, lo cho cả gia đình cùng ăn ở, sinh hoạt.
- Chắc hẳn nghề làm phở là nghề gia truyền?
- Đúng thế, từ thời các cụ, đến ông bà, rồi bố mẹ, các anh chị em tôi đều làm phở. Người Nam Định có đặc sản phở Nam Định nức tiếng khắp cả nước rồi. Hiện giờ các anh em tôi đều kinh doanh bán phở khắp trong Nam ngoài Bắc. Riêng ở Hà Nội đã có đến cả chục quán phở đều do các anh em của tôi quản lý và trực tiếp làm. Nói thật là ở quê chẳng có gì ngoài mảnh ruộng, mà trông chờ vào đồng ruộng thì chết đói. Các anh chị em nhà tôi đều thoát ly lên thành phố và đều sống được nhờ vào nghề bán phở.
- Để học nghề nấu phở có khó không?
- Thực ra thì không có gì phức tạp, nếu để truyền nghề cho người khác thì chắc chỉ cần 3 ngày là xong hết các công đoạn chế biến. Như tôi thì từ bé đã được bố mẹ dạy bảo cách nấu, bí quyết làm sao cho phở ngọt mà không cần dùng đến mỳ chính hay hạt nêm. Phở chỉ khác nhau ở nước dùng. Nhiều nơi người ta cứ cho gia vị vào nước dùng là ngọt, nhưng phở Nam Định của chúng tôi thì vị ngọt đó phải từ ninh xương chứ không được nêm nếm gia vị gì khác. 
- Nghĩa là anh không mất tiền học nghề, mà bí quyết gia truyền đó có sẵn trong gia đình, cứ thế mà anh lập nghiệp thôi?
- Đúng thế, thực ra thì nghề đã có sẵn rồi, cứ thế mà làm thôi.
- Mỗi ngày anh bán được khoảng bao nhiêu bát phở?
- Tôi thường tính theo cân phở, mỗi ngày bán được khoảng 15 - 20kg phở. Mỗi kg phở làm được 5 - 6 bát. Nghĩa là mỗi ngày bán được khoảng trên dưới 100 bát phở.
- Tính theo giá mỗi bát phở là 25.000đ thì mỗi ngày tổng doanh thu của anh là 2,5 triệu đồng. Theo quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân mới, từ 1/1/2015, các hộ kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân, anh có biết điều này không?
- Tôi không biết, không thấy ai nói gì cả.
- Giả sử phải đóng theo đúng quy định, với mức doanh thu của anh, sẽ phải chịu tỷ lệ thuế khoán là 0,5% trên tổng doanh thu, anh sẽ nộp chứ?
- Nếu theo đúng quy định của Nhà nước, bắt phải nộp thì tôi cũng chấp hành. Nhưng tôi vẫn nghĩ, thuế thu nhập cá nhân là dành cho người có thu nhập cao, chứ làm ăn buôn bán như tôi thì làm gì có tiền mà đòi nộp thuế thu nhập cá nhân. 
Anh Doan Van Son: Nghiep pho kho giau lam
Anh Đoàn Văn Sơn (Trực Ninh, Nam Định), chủ cửa hàng Phở bò Nam Định 23 Phùng Chí Kiên, Hà Nội. 
Bần cùng thì dẹp tiệm, về quê
- Thực ra với mức doanh thu 2,5 triệu đồng/ngày là khá cao, nên việc đóng thuế thu nhập là hợp lý đấy anh ạ?
- Ôi dào, cao với chẳng thấp. Vợ chồng tôi thuê cái nhà này là mất 6 triệu đồng mỗi tháng, cộng với tiền điện nước là tròn 10 triệu đồng/tháng. Tiền con cái đi học, rồi mỗi bát phở bán ra đâu phải là tiền của mình thu về cả. Tiền mua nguyên vật liệu, thịt bò, xương, mua bánh phở, hành rau, đủ loại tiền. Rồi tiền thuế má, tiền phí nọ phí kia. Nên dù có đợt cao điểm, mỗi ngày bán được đến 35kg bánh phở thì cũng chẳng có lãi nhiều. Tính đi tính lại cuối tháng cũng chẳng để ra được đồng nào. Lấy đâu ra mà bảo là thu nhập cao cơ chứ?
- Thế nếu số tiền thuế tương đương với tổng doanh thu của anh phải nộp sẽ là khoảng vài trăm nghìn mỗi tháng, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu?
- Đúng là đóng thêm vài trăm nghìn mỗi tháng không phải là cái gì ghê gớm quá, nhưng bán vài bát phở mà cũng phải đóng thuế thu nhập thì tôi thấy không thỏa đáng. Bao nhiêu người tham ô tham nhũng, tích trữ hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng thì không ai kiểm soát hết được họ. Chứ người làm ăn buôn bán nhỏ như chúng tôi, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu mà phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì buồn cười quá.
- Giả sử như làm ăn khó khăn quá, khách ăn phở ít đi, anh sẽ làm nghề gì để sống?
- Nếu thế thì chắc tôi sẽ dẹp tiệm về quê thôi. Về quê mở cửa hàng ở nhà, chẳng ai đánh thuế, cũng chẳng phải thuê nhà, chi phí nguyên liệu rẻ. Chứ suốt ngày thuế với phí thế này thì làm ăn kiểu gì?
- Nhưng về quê thì ít khách ăn phở lắm?
- Thì cái gì cũng có giá của nó, ít khách thì chi phí của mình lại thấp. Nhưng đó là bần cùng thì mới phải dẹp tiệm, chứ tôi bán ở đây cả chục năm rồi, khách quen đã nhẵn mặt, người dân quanh đây cũng như anh em làng xóm cả, cũng muốn gắn bó lâu dài cho con cái nó có điều kiện học tốt hơn chứ không ai muốn về quê cả. Giờ quê tôi vắng lắm, toàn ông già bà cả ở nhà thôi, chứ đám thanh niên trai tráng đi làm ăn lập nghiệp khắp nơi rồi. Chỉ ngày Tết mới về thôi.
Nghiệp phở không giàu
- Bí quyết nấu phở của gia đình anh có gì khác biệt không?
- Thực ra thì toàn bộ phở Nam Định đều chung một công thức nấu, quan trọng là đạo đức làm nghề. Nếu chỉ dùng xương ninh lấy nước thì lãi sẽ ít, nhưng dùng gia vị, hương liệu thì sẽ mất khách, mất nghề. Nếu xác định sống bằng nghề, gắn bó với nghề thì phải giữ lấy đạo đức, chữ tín.
- Anh em trong gia đình đều mở hàng phở, chắc hẳn bán phở là nghề ăn nên làm ra?
- Nói chung là ai cũng sống được bằng nghề nhưng không ai trở thành đại gia lắm tiền nhiều của nhờ bán phở cả. Các cửa hàng phở ở Xã Đàn, ở Hào Nam, rồi Trung Hòa, Trung Kính, đều là các anh em ruột làm cả, nhưng không có ai giàu được đâu. Cái nghề nó nuôi sống được mình đã là may mắn lắm rồi. Ít nhiều thì làm nghề cũng không quá vất vả, không phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như làm ruộng mà được mùa hay mất mùa lại trông chờ vào ông trời. Nhiều khi mất mùa là tay trắng. Còn làm nghề thì ít nhiều cuộc sống nó cũng yên ấm hơn.
- Nếu mua may bán đắt, đóng thuế chứ có đóng nhiều hơn nữa anh cũng vui vẻ?
- Đúng thế, nếu bán được nhiều hàng thì tôi ngại gì đâu mà không đóng. Quan trọng là có tiền để mà đóng hay không thôi. Vì như tôi, mong muốn sống được với nghề, sống bằng nghề là mong muốn lớn nhất. Tôi còn có khách quen, có cửa hàng ổn định, chứ như nhiều người bán bún phở vỉa hè, mỗi ngày họ cũng bán được hàng trăm bát, nhưng cũng phải đóng thuế thì chắc hẳn họ không đồng tình. Cái kiếp buôn thúng bán bưng nói chung là vất vả lắm, kiếm được đồng tiên đâu có dễ.
- Xin cảm ơn anh!
Theo báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện thuế thu nhập cá nhân, tính đến hết năm 2013, ngành thuế đã hoàn tất việc cấp 17,47 triệu mã số thuế, trong đó 14,4 triệu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập khác, 3,046 triệu mã số thuế hộ gia đình, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh. Số người có thu nhập từ tiền lương, tiền công nộp thuế ở bậc 1 chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số người phải nộp thuế, khoảng 72 - 77% trong suốt 5 năm qua, trong khi số người nộp thuế từ bậc 2 trở lên chỉ chiếm 23 - 27%.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)