Tại hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” diễn ra ngày 13/5, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05 (Bộ Công an) đã nêu ra những thách thức lớn nhất cho công tác đảm bảo an ninh mạng.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng A05 cho biết trong năm 2023, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc lừa đảo, với tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 2.500 tỷ đồng.
Trong đó, tuyển cộng tác viên kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT là hình thức phổ biến nhất, chiếm 44,7% số vụ lừa đảo. Các hình thức hay gặp khác được thống kê bao gồm mã độc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo, cuộc gọi giả danh lực lượng chức năng, tạo sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán, giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền, và một số hình thức khác.
|
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục A05 chia sẻ về thực trạng lừa đảo trên mạng tại hội thảo. Ảnh: M.Sơn.
|
Đại diện A05 cũng cho biết các đối tượng hiện nay hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp. Những đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, thành lập "công ty" chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… nhưng nhắm tới phạm tội tại Việt Nam.
Những thủ đoạn, phương thức cũng thường được các đối tượng học hỏi lẫn nhau, cập nhật liên tục để lợi dụng khoa học công nghệ, sơ hở trong công tác quản lý của cơ quan chức năng nhằm thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.
Trong khi đó, người dùng mạng xã hội thường thiếu ý thức cảnh giác với các phương thức lừa đảo, không có kiến thức về bảo mật thông tin và các hoạt động tố tụng hình sự. Khi trình báo sự việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, nguyên nhân mất tiền trong tài khoản.
Đại diện A05 cũng cho rằng việc phối hợp của các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ vẫn có độ trễ, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ để cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn.
Trong thời gian tới, đại diện A05 cho biết sẽ cùng các cơ quan chức năng, hiệp hội tham mưu chính phủ xây dựng cơ sở pháp lý, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, như Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.
Việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ giải pháp, công tác quản lý nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng triển khai đa dạng, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo.