Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về Biển Đông ở Hội nghị ASEAN

Google News

(Kiến Thức) - Tại Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 27, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số ưu tiên và trọng tâm của ASEAN và Biển Đông.

Tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 27, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 có ý nghĩa lịch sử, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng liên kết và hợp tác lên tầm cao mới, phản ánh sự trưởng thành mạnh mẽ của Hiệp hội sau 48 năm phát triển, khẳng định giá trị của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Thủ tướng cũng chia sẻ nhận thức chung xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục và việc thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch triển khai cụ thể tại hội nghị này sẽ định hướng và tạo thuận lợi cho ASEAN liên kết sâu rộng hơn, đóng vai trò quan trọng hơn ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cũng như những hạn chế của chính ASEAN. Do vậy, trong thời gian tới, ASEAN cần phát huy xung lực mới cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 4 từ phải sang) và lãnh đạo các nước ASEAN nắm tay thể hiện tình đoàn kết. Ảnh: VOV.
Về vấn đề Biển Đông, các lãnh đạo ASEAN tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp đang xảy ra, nhất trí cần phát huy vai trò ASEAN trong việc xử lý vấn đề này. Trong đó, việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, kêu gọi các bên tự kiềm chế và không có các hành động gây phức tạp tình hình hoặc làm gia tăng căng thẳng.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực. Các nước đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. Theo hướng đó, Việt Nam đề nghị ASEAN cùng với Trung Quốc cam kết không theo đuổi - không quân sự hóa ở Biển Đông.
Tâm Anh (tổng hợp)

Bình luận(0)