Thăm nơi 536 thường dân bị thảm sát ven Sài Gòn

Google News

(Kiến Thức) - Vụ thảm sát kinh hoàng 536 thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, xảy ra đã hơn 50 năm, là nỗi đau không bao giờ nguôi đối với người dân Nhơn Trạch.

Clip thăm nơi 536 thường dân bị thảm sát ven Sài Gòn (nguồn Youtube):
Chiều ngày đầu hè, từ TP HCM, bỏ lại sự nóng bức, ngột ngạt ở Sài Gòn, chúng tôi vượt phà Cát Lái và chỉ chưa đầy 10 phút đã đến bên kia bờ thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, vùng đất sinh thái với không khí vô cùng dễ chịu.
Chỉ cách TP HCM một con sông Đồng Nai nhưng Nhơn Trạch vẫn còn là vùng nông thôn hẻo lánh dù những năm gần đây, nhiều công trình, hạ tầng ở địa phương này đã được đầu tư, phát triển, đời sống của người dân đang ngày một nâng cao.
Di tích thảm sát Giồng Sắn, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nằm cách TP HCM chỉ con sông Đồng Nai. Nơi đây 52 năm trước đã xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng làm 536 thường dân vô tội chết oan ức.
52 năm trước, buổi chiều ngày 27/9/1964, máy bay Mỹ - Nguỵ đã ném bom, giết hại 536 thường dân tại ngã 3 Giồng Sắn, xã Phú Hữu (nay thuộc xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch). Đây là vụ thảm sát kinh hoàng, là nỗi đau mãi mãi không bao giờ nguôi tròng lòng những người dân Nhơn Trạch.
Thăm lại địa danh “Ngã 3 Giồng Sắn”
Có mặt tại Công viên Tưởng niệm Giồng Sắn (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch), PV Kiến Thức may mắn gặp được những người từng là chứng nhân trong vụ thảm sát 536 thường dân gây chấn động lương tâm nhân loại.
Bia, Công viên Tưởng niệm Giồng Sắn hàng ngày có rất nhiều người đến thăm viếng.
“Vào những năm 60 thế kỷ trước, ngã 3 Giồng Sắn là đầu mối giao thông đường thuỷ nối với sông Ông Kèo, sông Nhà Bè, Cát Lái, Rừng Sác…”, cụ Tư (79 tuổi), người dân xã Phú Hữu kể lại.
Tại ngã 3 Giồng Sắn nói trên, thường xuyên có nhiều ghe xuống cặp bến và không chỉ có người dân trong vùng mà còn có rất đông ngư dân miệt Bình Khánh, Nhà Bè, Long Thành và thậm chí là các tỉnh miền Tây đều tụ họp về làm ăn, sinh sống. Cứ mỗi chiều, họ đưa ghe xuồng cặp bến ngã 3 Giồng Sắn để chuyển tôm, cá, củi… lên bờ. Chính vì thế mà khu vực ngã 3 Giồng Sắn trở nên đông đúc, nhộn nhịp như chợ họp ở ven sông.
Chị Nguyễn Thị Thiết, cán bộ Ban Quản lý Di tích Danh Thắng, huyện Nhơn Trạch, (đơn vị quản lý Công viên Tưởng niệm Giồng Sắn) cho biết: “Hàng chục năm về đây công tác và không biết đã bao lần kể lại diễn biến cuộc thảm sát thường dân tại ngã 3 Giồng Sắn cho khách đến viếng thăm nhưng cảm giác của tôi lúc nào cũng đầy xúc động, lòng quặn đau khi nhắc đến những đồng bào vô tội chết oan dưới bom đạn của kẻ thù”.
Buổi họp chợ kinh hoàng
Ngày 27/9/1964, như thường lệ, đồng bào các xã Phú Hữu, Đại Phước, Giồng Ông Đông, Vĩnh Thanh, Phước Khánh… (huyện Nhơn Trạch) đi kiếm củi, giăng câu trở về. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, cảnh sinh hoạt tại ngã 3 sông vẫn diễn ra tấp nập như mọi ngày. Đột nhiên, máy bay Mỹ - Nguỵ xuất hiện hàng chục đợt, mỗi đợt 3 chiếc, tiếng động cơ gầm rú dữ dội. Ngay sau đó, chúng liên tục thả bom xuống ngay vị trí xuồng ghe đậu đông nhất dưới sông.
Ngã 3 sông Giồng Sắn, nơi xảy ra vụ ném bom thảm sát 536 thường dân vô tội của kẻ thù.
“Những tiếng nổ khủng khiếp liên tiếp nhau, nhiều cột khói bốc lên cuồn cuộn phủ kín cả khúc sông; những cột nước dâng cao hàng chục mét rồi dập xuống tung toé, làm xuồng ghe lật úp, vỡ ra thành từng mảnh… Tiếng kêu la của phụ nữ, tiếng gào thét của trẻ em vang lên vô cùng thảm thiết. Mọi người cố tranh nhau tìm đường lánh nạn. Cảnh vật hỗn loạn, nhưng rồi những tiếng than khóc, kêu gào bị lạc đi trong tiếng bom, đạn”, cụ Tư kể lại.
Vậy nhưng, máy bay địch vẫn hung hãn đuổi theo và trút từng đợt bom xuống đoàn người đang dắt díu nhau chạy trốn trong tuyệt vọng dưới làn mưa bom, bão đạn tàn độc của kẻ thù.
Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, khi máy bay giặc rút đi, bến Giồng Sắn hiền hoà ngày nào chỉ còn lại cảnh hoang tàn, tang tóc: Ghe xuồng của dân bị bom đạn phá tan tành, 536 thường dân vô tội bị giết hại và rất nhiều người khác bị thương.
“Xác người nằm la liệt trên cạn, dưới nước. Nhiều người bị bom hất lên, xác dính trên tàu dừa nước, không ít thi thể văng khắp nơi. Máu thấm đầy mặt đất, nhuộm đỏ cả khúc sông…”, chị Thiết bùi ngụi kể lại.
Cụ Tư rưng rưng nước mắt nhắc lại hình ảnh mà cụ bảo rằng “nó ám ảnh tôi suốt hơn 50 năm qua”. Đó là thảm cảnh người mẹ bị mảnh bom trúng đầu, chết ngồi tựa vào thân cây dừa mà 2 tay còn ôm chặt đứa con trai chừng 6 tuổi. Đứa bé cũng chết vì mảnh bom trúng bụng và dù chết rồi nhưng tay em vẫn còn bám chặt lấy cổ mẹ, gương mặt còn nguyên vẻ hãi hùng.
Anh Trần Ngọc Khánh (SN 1966, dân địa phương), người làm công việc trông giữ Công viên Tưởng niệm cho biết: “Ba tôi kể lại, vụ thảm sát có nhiều thi thể văng xa phải đến nhiều ngày sau mới tìm thấy thì đã thối rữa. Cảnh vật hết sức tiêu điều, xơ xác; mặt đất bị cày xới, cây cốn bị đốn ngã, cỏ 2 bên bờ sông cháy rụi…”.
Vị trí nơi chôn tập thể các nạn nhân bây giờ đã được xây dựng một ngôi chùa.
Theo cụ Tư thì hầu như thi thể của 536 thường dân đều trong tình trạng không nguyên vẹn. Sau đó những phần thi thể được vớt lên và đưa đi chôn tập thể tại mảnh đất gần nơi xảy ra vụ thảm sát. Sau này, tất cả đã được bốc hài cốt di dời đi nơi khác hoặc thân nhân đến nhận. Hiện nay, một ngôi chùa đã được xây lên từ nơi này.
Trước sự kiện máy bay Mỹ- Nguỵ ném bom sát hại hàng trăm dân lành ở ngã 3 Giồng Sắn, Huyện uỷ Nhơn Trạch lúc bấy giờ đã chỉ đạo tổ chức biểu tình phản đối giặc ngay tại nơi chúng gây ra tội ác. Hàng nghìn người dân địa phương với băng rôn, biểu ngữ đã cực lực lên án hành động sát hại người dân vô tội của kẻ thù. Cuộc biểu tình phản đối kéo về quận lỵ Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hoà và Sài Gòn gây xôn xao dư luận trong tỉnh và nhanh chóng lan ra khắp nơi trên cả nước.
Bia Tưởng niệm tưởng nhớ những người đã mất trong vụ thảm sát Giồng Sắn ngay nơi địch thả bom oanh kích năm xưa, nay vẫn còn nguyên vẹn.
“Tiếp theo đó là hành động đánh trả của quân và dân ta đã giáng những đòn sấm sét xuống đầu địch nhằm trừng trị thích đáng tội ác mà chúng gây ra. Điển hình là trận tập kích hoả lực vào sân bay Biên Hoà cuối tháng 10/1964 phá huỷ 59 máy bay, tiêu diệt 293 tên Mỹ và đánh sập 5 dãy nhà kho chứa nhiều phương tiện chiến tranh của giặc”, chị Thiết thông tin.
Sau ngày giải phóng Nhơn Trạch (28/4/1975), Huyện uỷ và nhân dân Nhơn Trạch đã lập bia tưởng nhớ những người mất trong vụ thảm sát ngay bến sông Giồng Sắn.
Hiện tại, bia cũ vẫn còn đó và để tiện cho việc thăm viếng, đồng thời xây dựng nơi này là một điểm văn hoá để giáo dục tinh thần yêu nước, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc cho các thế hệ mai sau, Đảng bộ và nhân dân huyện Nhơn Trạch đã xây dựng Bia - Công viên tưởng niệm Giồng Sắn chỉ cách ngã 3 sông Giồng Sắn vài trăm mét.
Hàng năm, cứ đến ngày 27/9, người dân và Ban Quản lý di tích đều tụ hội về để làm giỗ tập thể cho những nạn nhân trong vụ thảm sát năm xưa.
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)