Hà Nội: Giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng, Sở Nội vụ nói gì?

Google News

Liên quan tới băn khoăn của hàng ngàn giáo viên về việc liệu có được bỏ thi thăng hạng CDNN, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên.

Ngày 17/8, 4.168 giáo viên Hà Nội các cấp học đã gửi tâm thư tới Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh đề nghị được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên từ hạng III lên hạng II, mà không phải dự thi.
Ha Noi: Giao vien de nghi bo thi thang hang, So Noi vu noi gi?
 Từ trái qua: Thầy giáo Nguyễn Văn Đường (Trường THPT Phú Xuyên A), cô giáo Trần Việt Hồng (Trường THPT Xuân Mai) cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.
Tâm thư của các giáo viên Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN viên chức, trong đó có viên chức giáo viên.
Trong công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ cũng nhận được văn bản xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức với giáo viên và nhất trí với nội dung này.
Vậy liệu giáo viên Hà Nội có được bỏ thi thăng hạng CDNN hay không là băn khoăn của hàng ngàn giáo viên.
Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết chế độ chính sách
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống sáng 18/8, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức đã quy định ngạch công chức đối với công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Để tổ chức thực hiện các luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 Quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ “Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp”. Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành sửa đổi Nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện nay Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, đối với ngành Giáo dục Hà Nội, ngoài thực hiện Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGĐT ngày 30/11/2021 “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”. Thông tư này cũng hướng dẫn hai hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó, xét thăng hạng có rất nhiều tiêu chí chấm điểm về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và phải rà soát, thẩm định, phê duyệt từng hồ sơ.
Ông Trần Đình Cảnh cho biết, hiện Chính phủ đã nhất trí chủ trương để sửa nghị định. Trong trường hợp nghị định được sửa thì cũng vẫn phải có thông tư hướng dẫn thực hiện. Sau khi nắm được tâm tư của giáo viên, Sở Nội vụ đã trao đổi thông tin với Sở GD&ĐT. Căn cứ theo quy định của luật, nghị định, thông tư và tình hình thực tế của Hà Nội sẽ có những đề xuất phù hợp.
“Tinh thần là Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết chế độ chính sách gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ và phù hợp với thực tiễn”, ông Cảnh cho hay.
Chậm nhất tháng 12/2023 sẽ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN
Ông Trần Đình Cảnh cho biết, việc tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Song do diễn biến của dịch Covid-19 nên 3 năm qua, Hà Nội không tổ chức thi hay xét tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Năm 2023, Sở Nội vụ đã có Văn bản số 1783/SNV-CCVC ngày 21/6/2023 “Hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”. Trong đó, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký lập danh sách đề nghị nâng ngạch chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II. 
Qua đăng ký sơ bộ, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã và 3 sở đăng ký gửi báo cáo về cơ cấu danh sách viên chức giáo viên đủ điều kiện tiêu chuẩn thăng hạng với khoảng 30.000 hồ sơ. Với số lượng hồ sơ đăng ký nhiều như vậy, việc chấm hồ sơ phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng, tốn kém kinh phí và khả năng khó thực hiện.
Hiện nay, do chưa có số liệu chính thức hồ sơ đăng ký nên phương án thi hay xét thăng hạng chưa được Sở Nội vụ quyết định và chưa đề xuất cụ thể. Ngày 30/9/2023 hết thời hạn đăng ký, sau khi có danh sách chính thức, dự kiến trong tháng 10/2023, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án trình UBND thành phố, trong đó nêu rõ thi hay xét thăng hạng.
Trong tháng 11, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023.
Đây là đợt thứ 2 các giáo viên Hà Nội viết tâm thư gửi các cơ quan chức năng kiến nghị về vấn đề này (trước đó, gần 2.500 giáo viên Hà Nội cũng đã viết tâm thư gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, đề nghị được bỏ thi thăng hạng do có nhiều bất cập).
Là người đại diện cho các giáo viên viết những tâm thư, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên cho biết, thầy và các giáo viên tha thiết được bỏ thi thăng hạng. Việc xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn về năng lực của giáo viên trong quá trình công tác. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm, động viên, ghi nhận của lãnh đạo thành phố đối với đội ngũ giáo viên.
Cô giáo Trần Việt Hồng, Trường THPT Xuân Mai chia sẻ, các thế hệ thầy cô giáo 7X, 6X đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, nhiều thầy cô tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi và đạt giải cao. Tuy nhiên, do tuổi tác, cùng với đó, môn Tin học, Ngoại ngữ không phải là thế mạnh, nên nếu phải thi có khả năng sẽ trượt. Điều này gây thiệt thòi và có sự không công bằng giữa các thế hệ giáo viên.
“Việc được xét thăng hạng đã cho thấy quá trình cống hiến, phấn đấu cho ngành giáo dục của chúng tôi được ghi nhận. Đó là sự khuyến khích, động viên cả về cả tinh thần và vật chất, tạo động lực cho chúng tôi tích cực phấn đấu và cống hiến hơn nữa cho ngành giáo dục”, cô Hồng bày tỏ.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)