Syria có khả năng đánh chìm tàu chiến Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Trên lý thuyết, một chiếc cường kích Su-24MK của Syria có thể đánh chìm 2-3 tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải bằng tên lửa.

Trước nguy cơ lớn Mỹ sẽ mở một cuộc tấn công vào Syria, các quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Assad liên tục đưa ra những lời đe dọa đáp trả mạnh mẽ.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/9, quan chức cấp cao của Syria nói rằng “quân đội Syria và phong trào Hezbollah của người Hồi giáo Shiite ở Lebanon sẽ có những hành động đáp trả một cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu bằng cách đánh vào những chiến hạm của Mỹ đang có mặt ở Địa Trung Hải”.
Dấu hỏi đặt ra là Syria có loại vũ khí nào đủ sức tiến công tàu chiến Mỹ nằm cách rất xa bờ biển Syria?
Trong kho tên lửa phòng thủ bờ biển của Syria hiện có 2 “sát thủ diệt hạm” khá mạnh gồm tổ hợp K-300P Bastion-P (tầm bắn 300km) và 4K44 Redut (tầm bắn khoảng 450-500km). Mỹ, Pháp thừa hiểu 2 loại tên lửa chống tàu mặt nước này nguy hiểm tới cỡ nào nên chắc chắc đội tàu chiến hải quân 2 nước này sẽ nằm ở ngoài tầm bắn của các tên lửa trên. Điều đó cũng không ảnh hưởng gì tới phạm vi hỏa lực của tên lửa Tomahawk trang bị trên chiến hạm Aegis Mỹ, vốn có tầm phóng tới 2.000km.
Loại tên lửa hành trình chống tàu tầm bắn xa nhất của Syria chỉ đạt 450-500km.
Ngoài tên lửa hành trình bờ biển, Syria còn có kho tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật khá lớn. Trong đó có những loại được cho là đã qua cải tiến tăng tầm lên 750km. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn là bất khả thi vì tên lửa đạn đạo chỉ “giỏi” đánh mục tiêu tĩnh, mục tiêu diện (diện tích lớn như kho tàng, bến bãi, căn cứ) trong khi tàu chiến lại là mục tiêu động. Chưa kể, hệ thống dẫn đường của tên lửa Syria tương đối lạc hậu nên độ chính xác rất nghèo.
Niềm hi vọng lớn nhất của Syria sẽ chỉ còn lại lực lượng không quân với các máy bay tiêm kích, cường kích có thể mang bom, tên lửa đủ tầm bay với tới tàu chiến Mỹ. Dù vậy, việc tiếp cận tàu chiến Mỹ là không hề đơn giản khi mà các tàu này được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân với tên lửa phòng không tầm xa.
Trong khi đó, các chiến đấu cơ của Syria chủ yếu là tiêm kích đánh chặn họ MiG không chuyên cho nhiệm vụ không kích mục tiêu mặt đất, mặt biển. Chúng chỉ có khả năng mang vũ khí không điều khiển, độ chính xác kém trong khi phải tiếp cận vào rất gần mới phóng được.
Nhưng, không hẳn là Syria không có loại máy bay nào đủ sức để tấn công tàu chiến Mỹ. Hiện nay, trong kho máy bay Không quân Syria có khoảng 20 chiếc Su-24MK – cường kích chiến thuật có thể mang vũ khí có điều khiển. Đặc biệt, trong lịch sử hoạt động, Su-24 từng được Không quân Nga dùng để tiếp cận thành công ở cự ly cực gần tàu chiến Mỹ mà không bị phát hiện.
Máy bay cường kích siêu thanh Su-24MK của Iran cùng loại với Syria.
Đó là sự kiện ngày 9/11/2000, một chiếc Su-27 cùng trinh sát cơ Su-24MR (biến thể “anh em” với Su-24MK) được lệnh bí mật cất cánh từ căn cứ của Trung đoàn Không quân Trinh sát độc lập số 11 (Nga) với nhiệm vụ đặc biệt: “Viếng thăm tàu sân bay USS Kitty Hawk của Hạm đội 7 – Mỹ đang hoạt động trong vùng biển Nhật Bản”.
Để thực hiện chuyến viếng thăm, các máy bay Nga đã sử dụng các thiết bị gây nhiễu và ngụy trang để lặng lẽ tiếp cận tàu sân bay Kitty Hawk. Khi mục tiêu đã có thể nhìn rõ bằng mắt thường, các thiết bị theo dõi, cảnh giới trên tàu sân bay Mỹ vẫn không hề hay biết.
Thấy thời cơ thuận lợi, viên phi công lái Su-24MR cho máy bay lấy độ cao rồi bổ nhào xuống tàu sân bay rồi nhấn nút phóng tên lửa (giả định), sau đó kéo cần điều khiển và thoát ly khỏi vùng nguy hiểm. Cuộc viếng thăm bất ngờ của 2 máy bay Nga đã khiến người Mỹ “hoảng hồn, sợ hãi” khi mà cả đội tàu hộ tống đều không biết có sự xuất hiện của máy bay Nga.
Để thực hiện thành công phi vụ có “1-0-2” này, Không quân Nga lợi dụng ưu điểm đặc biệt của Su-24MR là duy trì vận tốc siêu âm ở độ cao thấp và năng lực tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.
Trở lại biến thể cường kích Su-24MK của Syria, nó cũng thừa hưởng khả năng bay cực thấp với tốc độ cao vượt âm thanh. Khác với Su-24MR dùng cho trinh sát, Su-24MK có thể mang tổng cộng 8 tấn vũ khí gồm bom và tên lửa có điều khiển.
Theo thiết kế, trong nhiệm vụ chiến đấu, Su-24MK có thể mang 2 tên lửa không đối không R-60/73, 4 tên lửa không đối đất Kh-23 hoặc 4 tên lửa loại Kh-25 hoặc 3 tên lửa Kh-29L/T hoặc các loại bom hàng không có điều khiển (lưu ý là Syria có đầy đủ các loại tên lửa này).
Tên lửa Kh-29L/T tuy tầm bắn chỉ là 10-12km nhưng sức công phá thì mạnh khủng khiếp.
Đáng lưu ý, trong đó tên lửa không đối đất Kh-29L/T theo thiết kế có thể dùng để tấn công mục tiêu mặt nước khi cần thiết, dù tầm bắn hạn chế chỉ ở mức 10km. Theo quảng cáo của nhà sản xuất, một đạn Kh-29L/T đủ sức “tiễn đưa” tàu có lượng giãn nước 10.000 tấn xuống đáy biển sâu. Nghĩa là, về mặt lý thuyết một chiếc Su-24MK mang 3 quả Kh-29L/T thừa khả năng đánh chìm 2-3 tàu chiến Arleigh Burke có lượng giãn nước khoảng 9.000 tấn (Hải quân Mỹ) ngay trên Địa Trung Hải. Hoặc chỉ là một tàu thì cũng đủ để người Mỹ phải “hãi hùng”.
Vấn đề đặt ra, liệu phi công Su-24MK của Syria có đủ khả năng để tiếp cận ở cự ly hỏa lực 10km phóng tên lửa không? Vì dẫu sao phi công Nga có trình độ khác nếu không muốn nói là hơn hẳn so với Syria. Và sau sự kiện đó thì người Mỹ đã rút ra nhiều kinh nghiệm để đối phó với vụ tấn công tương tự có thể xảy ra.
Sự kiện xảy ra ngay đầu tháng 9 này đã trả lời cho câu hỏi trên, theo tờ The Aviationist, ngày 2/9, biên đội Su-24MK của Không quân Syria đã bị máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không E-3D của Không quân Hoàng gia Anh phát hiện khi đang hướng tới đảo Síp.
Dù có khả năng bay thấp nhưng Su-24 khó lòng thoát khỏi "thiên la địa võng" radar cảnh giới của Mỹ, Anh. Trong ảnh là máy bay cảnh báo sớm E-3D Sentry của Không quân Anh.
Báo chí phương Tây cho rằng, mục tiêu của biên đội Su-24 có thể là thử hệ thống phòng không của Mỹ và đồng minh trong khu vực. Khi hệ thống này được kích hoạt, Syria có thể thu thập thêm thông tin về vị trí và chủng loại.
Trở lại vụ việc, ngay khi phát hiện ra Su-24, máy bay chiến đấu đa năng Typhoon của Anh đã lập tức cất cánh đánh chặn từ căn cứ Akrotiri (đảo Síp). Và khi phát hiện ra sự xuất hiện của Typhoon, Su-24 Syria đã lập tức quay trở về. Hai chiếc Su-24 của Syria dường như thuộc đơn vị không quân đóng tại căn cứ Tiyas. Với vận tốc hành trình khoảng 950km/h, những chiếc Su-24 có thể đến đảo Síp trong vòng 15 phút sau khi cất cánh.
Qua sự kiện này có thể thấy, các máy bay Su-24MK của Syria khó lòng có thể vượt qua hệ thống radar cảnh giới tầm xa, máy bay cảnh báo sớm đường không được Mỹ, Anh “giăng kín” dù bay ở bất kỳ độ cao nào để lập lại kỳ tích mà phi công Nga từng làm.
Có lẽ Quân đội Syria nên quên đi việc thực hiện phi vụ tấn công đáp trả tàu chiến Mỹ mà tập trung vào lực lượng phòng không đánh trả cuộc tiến công đường không bằng tên lửa hành trình và có thể là cả không quân sắp xảy ra.
Hoàng Lê

Bình luận(0)