Điều chưa biết về vũ khí hóa học thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ và Nga mới là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới hiện nay.

Chính quyền Damascus bị Mỹ cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân, làm thiệt mạng hơn 1.400 người. Đây đang là cớ để các nước phương Tây huy động lực lượng can thiệp quân sự vào Syria.
Trong bối cảnh đó, nhật báo Le Monde (Pháp) mới có bài lược lại lịch sử sử dụng vũ khí hóa học và cung cấp cái nhìn tổng quát về các kho vũ khí hóa học trên thế giới.
Tờ báo cho biết, trong lịch sử thế giới, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong chiến tranh ít nhất 10 lần, trong đó có đến 6 lần được sử dụng trong giai đoạn 1915-1988.
 Lính Nhật mặc trang phục chống vũ khí hóa học, sinh học trong chiến tranh Trung - Nhật.
Lần sử dụng đầu tiên ở thế kỷ 20 là trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, vào năm 1915, khi đó Quân đội Đức đã dùng vũ khí hóa học tấn công Pháp. Tờ báo cũng đề cập đến việc Quân đội Nhật sử dụng vũ khí hóa học tấn công quân nhân và thường dân Trung Quốc trong cuộc chiến Nhật-Trung (1938-1942).
Hay trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng chất khai quang có nồng độ cực cao gây hậu quả nặng nề đến hiện tại. Cho tới tận ngày này, những di chứng của chất độc này vẫn ảnh hưởng lớn tới người dân Việt Nam.
Còn trong thế kỷ 21 này, lần sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên có lẽ là tại Syria, vào tháng 3, 4, 5 và tháng 8 vừa qua.
Năm 1993, Công ước cấm vũ khí hóa học đã ra đời và từ đó, có khoảng 80% kho vũ khí hóa học trên thế giới bị phá hủy.
Trong lịch sử, Nga sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, ước tính lên đến 40.000 tấn. Xếp thứ hai là Mỹ với khoảng hơn 30.000 tấn. Nga tuyên bố đã phá hủy 70% vũ khí hóa học, còn Mỹ thì tuyên bố đã phá hủy đến 90%. Tuy nhiên, hai bên vẫn đang nghi kị lẫn nhau về tính thành thật của những tuyên bố này.
 Lính Syria mặc bộ đồ chống nhiễm xạ - sinh - hóa trong cuộc tập trận.
Nhìn sang Iran, Le Monde cho hay, nước này đã tuyên bố từ bỏ tất cả chương trình phát triển vũ khí hóa học và đã mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra. Thế nhưng, Mỹ vẫn nghi ngờ Iran tiếp tục phát triển vũ khí hóa học.
Đối với Triều Tiên, tờ báo cho biết, nước này có khả năng sản xuất 5.000 tấn vũ khí hóa học mỗi năm.
Trở lại trường hợp đang thời sự là Syria, Le Monde nhắc lại, chương trình vũ khí hóa học của nước này bắt đầu được đẩy mạnh từ những năm 1980. Chính quyền Tổng thống Assad đã ra sức tăng cường sức mạnh vũ khí hóa học. Ước tính kho vũ khí hóa học của Syria có thể là 1.000 tấn.
Hoàng Lê (theo Le Monde)

Bình luận(0)